31/03/2021 7:25  
Quảng NgãiHai năm bỏ Sài Gòn về quê, Bùi Thanh Trinh phải chạy ăn từng bữa, nhưng không bỏ ý định làm du lịch trên mảnh đất ven biển bị chê là "khỉ ho, cò gáy".

"Khi hai người anh trai qua đời trong cùng một năm, tôi xác định phải về lập nghiệp ở quê để gần cha mẹ", chàng trai 33 tuổi, con út trong một gia đình ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, bắt đầu kể về hành trình khởi nghiệp của mình.

Nhưng ý tưởng "làm du lịch ở bãi biển Sa Kỳ" mà Trinh nung nấu bị bố mẹ gạt phắt. Bạn bè, người thân nghe anh thổ lộ đều mắng là "Trinh khùng" bởi cả làng khi đó sống theo kiểu tự cung, tự cấp, chẳng ai mơ có ngày biển Sa Kỳ có thể phát triển được như Nha Trang, Phan Thiết.

Chẳng thuyết phục được ai, "Trinh khùng" mang theo 60 triệu đồng tích cóp được từ thời làm nhân viên địa ốc ở Sài Gòn, bỏ ra mảnh đất một héc ta của gia đình ở ven biển để khởi nghiệp. Đường vào khu đất còn chưa có, điện cũng không. Trinh thuê người xây một cái chòi nhỏ bằng gạch sống tạm. "Sáng ra, tôi đạp xe từ chòi về làng, mấy người kéo lại hỏi 'mày không sợ ma hả?', anh kể.

Vay mượn tiền để làm ăn không được, xin mua chịu vật liệu để xây dựng cũng bị từ chối, "Trinh khùng" ngày ngày lầm lũi giữa vùng biển hoang vắng. Được gần một năm, anh xách ba lô trở lại Sài Gòn.

Sau chuyến xe khách đường dài, Trinh nằm trong phòng trọ, xem bộ phim Mỹ có tên Rocky và câu nói của nhân vật chính là võ sĩ boxing Rocky Balboa khiến chàng trai bừng tỉnh: "Điều quan trọng không phải là việc bạn có thể đấm mạnh đến mức nào, mà là bạn có thể chịu được những cú đấm mạnh thế nào để tiếp tục tiến lên".

Anh lập tức tắt điện thoại, bắt xe khách vào Phan Thiết. Lần này, cũng đi dọc biển, nhưng Trinh không ngắm suông mà quan sát cách người ta làm dịch vụ, hỏi kinh nghiệm thu hút khách...

"Lần đầu, tôi hiếu thắng, khát khao thể hiện mà không có tính toán. Nhưng sau bộ phim đó, tôi tìm thấy sức mạnh để bắt đầu lại, tìm thấy con đường để bước đi", anh ngẫm.

Lần này về quê, Bùi Thanh Trinh kéo điện ra mảnh đất ven biển "tái khởi nghiệp". Trước khi rời nhà, Trinh xin mẹ một cặp gà, hai con bồ câu để "làm vốn". Anh kể với người bạn ở Sài Gòn về ý tưởng của mình và được cho vay 100 triệu đồng. Máy ảnh, máy quay... dự định mang về làm YouTube, Trinh cũng đem bán lấy tiền trang trải.

Lần khởi nghiệp thứ hai này Trinh gặp may khi gần nhà có công trình xẻ núi, người ta chưa biết đổ đá ở đâu, anh đến xin chở ra khu đất nhà mình để mở đường rồi mua hàng trăm xe đất đỏ về đổ nền. Đêm xuống, anh ra bờ biển thả lưới bắt cá, hái rau nấu ăn, làm thức ăn cho gà... "Hôm nào biển động, không kiếm được cái gì ăn thì tui về nhà trộm cơm của bà già", anh nói vui. Những lúc túng thiếu, anh xin theo dân chài ra khơi làm thuê, kiếm thêm vài triệu để chi tiêu.

"Phải có chí mới được như nó, chứ phải tui là tui bỏ cuộc lâu rồi. Nó khổ đến mức có những ngày ba bữa ăn còn xoay không ra. Cha mẹ thì nghèo rớt", Nguyễn Tấn Đây, một người bạn cùng làng kể về Trinh.

Những ngày đầu, Trinh sống "kiểu Robinson", hàng ngày đi dọc biển nhặt gỗ dạt vào bờ, rào đất để trâu bò không tới phá. Nhặt được miếng gỗ đẹp, anh đục đẽo trang trí. Trinh mua rơm về lợp thêm mái che trước nhà để tạo cảnh.

Gà, bồ câu từ hai con dần dần thành một đàn. Trinh mua thêm gà trống thay giống. Sau hai năm lên cả vài trăm con. Thấy lợn rẻ, anh mua hơn 20 con lợn con về nuôi rồi đào ao, thả vài chục con vịt. Bữa cơm lúc này không còn cảnh cá, tôm "độc diễn" mà được cải thiện bằng gà, vịt nướng, lợn quay...

Trinh sắm thêm bàn ghế, cho dân địa phương mượn miễn phí để ăn uống, chụp ảnh đăng lên mạng. Khi du lịch ở đảo Lý Sơn phát triển, cảng Sa Kỳ - cửa ngõ ra đảo đương nhiên được chú ý. Cái duyên với du lịch cuối cùng cũng đến với chàng trai sau một lần anh Huỳnh Quang Trung, ở TP Quảng Ngãi, vô tình đi phượt qua "vương quốc của Trinh". Chứng kiến hàng trăm con gà, bồ câu ào đến sau tiếng huýt sáo của ông chủ, anh Trung bảo: "Em có lợi thế mà không biết khai thác. Biển đẹp lại hoang sơ, giờ chỉ cần gọi gà, chim ra cho khách chụp hình rồi họ ưng con nào chọn nướng trên biển là đông ngay". Anh Trung cũng giới thiệu bạn bè đến đây trải nghiệm.

"Hôm đầu tiên có hai ôtô đến đặt cọc tiền để nghỉ lại, tôi mừng đến mất ngủ cả đêm", Trinh kể. Ngoài chòi nhỏ của chủ, bốn cái nhà vệ sinh, khách ngủ lều, vòi nước ngọt kéo ra sát bờ biển, nhà tắm cũng từ bạt quây. Thấy ông chủ kéo lưới đánh cá, khách cũng muốn thử. Trinh liên kết với ngư dân, trả tiền khi khách có nhu cầu kéo lưới, đánh cá. Sau những trải nghiệm thú vị, người nọ giới thiệu người kia và từ những năm sau, khách chật kín "Vườn nhà Trinh" khi hè về.

"Hồi đầu thấy con chui về cái chỗ không ai thèm đến để kiếm cơm thì sao không lo. Nhưng giờ thì yên tâm rồi. Nó lo được cho vợ chồng tui, lo cho thằng anh ốm đau", bà Vũ Thị Sự, 80 tuổi, mẹ Trinh nói.

Công việc kinh doanh vừa nở được chút thì năm ngoái, Covid-19 xuất hiện. Giữa năm, bão kéo vào miền Trung nuốt chửng dải rừng phòng hộ trước biển. Mọi thứ bị cuốn trôi, nền đất đỏ Trinh dày công đắp đã hòa vào biển.

Nhưng thách thức lần này không là gì so với những thăng trầm Trinh đã trải qua. Anh đợi sóng tan, nắng lên xây lại chòi, lợp lại mái rơm trước nhà. Cuối tháng ba, nắng ở cảng Sa Kỳ giòn tan, biển và trời chung một màu xanh. Dịch Covid-19 đã được kiểm soát. Robinson Home giờ đã có 6 nhân viên đồng hành cùng Trinh. Nếu dịch Covid-19 được kiểm soát, anh tin sẽ trả hết nợ bạn bè, sinh lợi nhuận.

Đêm cuối tuần, Bùi Thanh Trinh ngồi trước biển nhóm lửa nướng gà cho khách. Trước mặt và sau lưng anh, lều trại của khách dựng thành dãy dài, đèn đã bật từ lâu, tiếng nhạc, tiếng nói cười lẫn vào tiếng sóng. Chàng trai mỉm cười biết rằng, 5 năm lăn lộn với bãi biển hoang vắng của mình đã bắt đầu cho trái ngọt.

"Bỏ phố về quê chưa bao giờ dễ dàng, nhất là với một người không có kinh tế như tôi. Nhưng nếu có định hướng, kiên định với định hướng đó, có thể không làm một ông chủ giàu có, tôi vẫn được làm chủ đời mình", anh chiêm nghiệm.

Xem thêm thành quả của Bùi Thanh Trinh sau những ngày lao động vất vả:

 
 

Phạm Nga

Nguồn tin: vnexpress.net


Covid   Covid-19   du lịch   dịch vụ   Đời sống  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...