24/10/2020 14:15  

Tại phiên họp Quốc hội sáng ngày 24-10, ông Phan Xuân Dũng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) trong đó có nội dung trên.

Ông Dũng cho biết, về chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia bảo vệ môi trường, dự thảo Luật đã có quy định các hoạt động đầu tư kinh doanh về bảo vệ môi trường được ưu đãi, hỗ trợ nhằm khuyến khích dự án đầu tư thuộc ngành nghề thu gom, xử lý, tái chế hoặc tái sử dụng chất thải; thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng, kinh doanh dịch vụ, sản phẩm thân thiện môi trường…; quy định về cơ sở, sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường và mua sắm các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường.

Để chủ động kiểm soát và giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ các dự án đầu tư đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội bền vững, ông Dũng cho hay dự thảo Luật đã bổ sung 2 nội dung chính sách về sàng lọc dự án đầu tư dựa trên các tiêu chí về môi trường; lồng ghép và thúc đẩy các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án.

Để thực hiện các biện pháp ứng phó với tình trạng ô nhiễm tại các đô thị lớn, dự thảo Luật đã có quy định để bảo đảm tính đồng bộ, liên kết giữa kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt, chất lượng môi trường không khí với quy hoạch bảo vệ môi trường; đồng thời quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí; đánh giá, theo dõi chất lượng môi trường không khí và công khai thông tin; cảnh báo cho cộng đồng và triển khai các biện pháp xử lý trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm; tổ chức thực hiện biện pháp khi chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng.

“Về lộ trình di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết nguyên tắc, tiêu chí xác định vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải phù hợp với mục tiêu quản lý chất lượng môi trường; định hướng đầu tư phát triển trong các vùng này; quy định lộ trình di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh không phù hợp với mục tiêu quản lý chất lượng môi trường để bảo đảm sự linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương và yêu cầu bảo vệ môi trường trong từng thời kỳ phát triển,” ông Dũng nói.

Phân loại dự án phải thực hiện thủ tục môi trường

Về phân loại dự án đầu tư có tác động đến môi trường, ông Dũng cho hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy việc căn cứ quy mô, tính chất và mức độ tác động đến môi trường để phân loại dự án phải thực hiện thủ tục môi trường nói chung là phù hợp. Theo đó, Ủy ban này đã chỉnh sửa dự thảo Luật để báo cáo Quốc hội theo 2 phương án và các điều luật liên quan tương ứng cũng được chỉnh sửa theo.

Phương án 1: theo tờ trình của Chính phủ quy định về phân loại dự án đầu tư thành 4 nhóm gồm: dự án đầu tư phải thực hiện đánh giá tác động môi trường và phải có giấy phép môi trường; dự án đầu tư chỉ phải thực hiện đánh giá tác động môi trường và không phải có giấy phép môi trường; dự án đầu tư không phải thực hiện đánh giá tác động môi trường nhưng phải có giấy phép môi trường; dự án không phải thực hiện đánh giá tác động môi trường và không phải có giấy phép môi trường.

Tiêu chí cụ thể xác định từng loại đối tượng này được quy định rõ trong dự thảo luật. Nhưng ông Dũng noi: “phương án này có ưu điểm là thuận tiện trong việc tra cứu đối tượng dự án tương ứng với các thủ tục môi trường phải thực hiện. Tuy nhiên, có nhược điểm là không áp dụng được các tiêu chí môi trường xuyên suốt để quản lý môi trường trong các dự án đầu tư; không bảo đảm linh hoạt trong việc điều chỉnh danh mục đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường.

Phương án 2, là phương án tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội. Theo đó, quy định rõ tiêu chí phân loại dự án theo mức độ tác động đến môi trường. Đồng thời, dự án đầu tư được phân thành 4 nhóm gồm: có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, có nguy cơ, ít có nguy cơ và không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.

Theo phương án này, giao Chính phủ căn cứ quy định tiêu chí cụ thể và ban hành danh mục dự án thuộc các nhóm khác nhau. Quy định này có ưu điểm là sử dụng thống nhất, xuyên suốt các tiêu chí môi trường trong xác định đối tượng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường; đánh giá tác động môi trường; giấy phép môi trường, đăng ký môi trường.

Về quy định đối tượng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường, theo dự thảo Luật được Chính phủ trình trình Quốc hội 2 phương án:

Phương án 1: tất cả các dự án đầu tư phải có chủ trương đầu tư đều là đối tượng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Phương án này có ưu điểm là: đối tượng dự án phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường thống nhất với các luật về đầu tư và xây dựng. Nhưng lại có hạn chế là: bỏ sót nhiều dự án đầu tư có nguồn vốn từ tư nhân mà không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng lại có tác động lớn đến môi trường; nhiều dự án đầu tư công, dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư hoặc dự án đầu tư thuộc nguồn vốn tư nhân chỉ tác động rất ít tới môi trường khi triển khai thực hiện nhưng vẫn phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường gây tốn kém, lãng phí.

Phương án 2 (tiếp thu để phù hợp với phân loại dự án theo tiêu chí về môi trường quy định tại Điều 29b Dự thảo Luật): như được thể hiện tại Điều 30b chỉ các dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao (nhóm I) mới phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường.

Phương án này có ưu điểm là: giảm thủ tục hành chính cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án thuộc đối tượng phải quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng không thuộc nhóm dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao. Đối với các dự án đầu tư công, dự án PPP hoặc dự án đầu tư có nguồn vốn tư nhân không có tác động xấu đến môi trường, nhà đầu tư sẽ không phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường.

Bên cạnh đó còn có ưu điểm là không bỏ sót đối tượng là các dự án đầu tư có nguồn vốn tư nhân không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng lại có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao. Nhà đầu tư tránh được lãng phí về tài chính, thời gian trong trường hợp dự án không đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường ở ngay giai đoạn này.

Tuy nhiên phương án trên có hạn chế là: chỉ đánh giá sơ bộ tác động môi trường đối với nhóm các dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường; còn các nhóm khác không được đánh giá sơ bộ tác động môi trường có thể để sót, để lọt các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không nên đầu tư, không cho phép đầu tư ngay từ khâu nghiên cứu tiền khả thi. Nếu tiếp tục thực hiện nghiên cứu khả thi sẽ gây tốn kém, lãng phí.

Do đó, ông Dũng cho rằng việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường, làm sớm ngay từ lúc nghiên cứu tiền khả thi là cần thiết; về đối tượng dự án phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường bảo đảm tính thống nhất với Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), nhưng có thu hẹp hơn so với Luật Đầu tư công. Để bảo đảm tính thống nhất, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường tại khoản 3 Điều 175.

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


chiến lược   doanh nghiệp   dịch vụ   quy hoạch   sản xuất   Đầu tư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...