29/10/2020 16:10  
Nhiều nhà riêng, nhà nghỉ, khách sạn… ở Đà Nẵng đã trở thành chốn ăn, ở miễn phí cho người dân trong cơn bão số 9.
Cậu bé bóc mít thuê năm nào giờ là ông chủ vườn hồng đẹp như cổ tích
Làm máy lọc nước, chăm 4.000 con gà giống tặng bà con miền Trung
Những phụ nữ nửa đêm vào vùng lũ: ‘Chúng tôi dành 20/10 cho miền Trung’

Họ đến với chiếc xe máy chở đồ đạc phía sau, gõ cửa xin trú nhờ tại nhà chị.

Các sinh viên này đang sống tại những phòng trọ khá xập xệ. Trước bão, chủ trọ không cho người chằng lại phòng trọ hay chèn mái tôn nên các nữ sinh đành phải di chuyển đến chỗ khác để ở nhờ.

“Đợt lũ lụt vừa qua ở Quảng Bình, Quảng Trị… nhìn cảnh bà con không có chỗ ở, phải lên những chỗ cao như nóc nhà để tránh mưa lũ tôi rất đau lòng. Tôi nghĩ, tại Đà Nẵng chắc chắn cũng sẽ có những em sinh viên phải ở trọ, người khó khăn cũng cần chỗ.

Nếu thuê khách sạn họ cũng phải mất ít nhất 400-500 nghìn đồng/ngày. Trong khi nhà còn dư phòng nên tôi đăng lên Facebook, kêu gọi ai cần chỗ trú hãy cứ đến nhà tôi”, chị Ngọc Na cho biết.

Nhà chị có 3 tầng và 6 phòng. Bình thường chỉ thừa 1 phòng không sử dụng đến nhưng nay chị dồn 2 con sang ở cùng bố mẹ để trống 4 phòng cho người cần trú bão. Trong các phòng, chị cũng chuẩn bị đủ chăn, màn… cho người trú tạm.

“Vì kêu gọi trên Facebook cá nhân nên tôi không nghĩ là sẽ có người đến. Vậy mà cuối cùng lại có khách, chiều hôm qua, tôi vội vã đi chợ mua thêm đồ ăn”, chị nói thêm.

Chợ trước giờ bão nên thức ăn đã gần cạn, chị Na mua thịt lợn, sườn, cá sau đó nhờ bố mẹ chồng gửi thêm 2 con gà để chuẩn bị cho bữa cơm đãi khách đến ở nhờ.

“Có người đến, tôi rất vui. Mấy chị em cùng nhau nấu cơm, nói chuyện. Chúng tôi sẵn sàng miễn phí chỗ ở, thức ăn… cho đến khi bão tan”, chị nói thêm.

Bữa trưa ngày 28/10 tại khách sạn Danacity (phường Phước Mỹ, Sơn Trà, Đà Nẵng) cũng trở nên đặc biệt hơn vì bão số 9. Thay vì những người đi du lịch, khách của họ trưa nay là những người dân Đà Nẵng được khách sạn cho ở nhờ.

Số người đến trú quá đông so với dự kiến, trong tủ đông cũng chỉ còn thịt lợn, gà… vì vậy nhân viên khách sạn phải lái xe ô tô 16 chỗ đi mua thêm rau, củ trong lúc trời mưa, bão.

Gần đến giờ trưa, một số nhân viên khách sạn liên tục đảo tay xào nấu trên bếp. Một số người khác lại vội vã bưng bê phục vụ cho hơn 50 người. Tất cả đều hoàn toàn miễn phí.

Chị Phạm Thị Thanh Tuyền (SN 1977, quản lý khách sạn) chia sẻ: “Chúng tôi đăng tin từ chiều nhưng không thấy ai đăng ký. Không ngờ từ 5h chiều đến 9h đêm, điện thoại của tôi reo liên tục vì người dân gọi đến xin trú tạm.

6h20 phút tối 27/10, người khách đầu tiên đến. Sau đó, người này bảo người kia, khách sạn nhộn nhịp cả đêm. Đến 10h đêm qua, chúng tôi đành phải dừng việc đón người đến trú để đóng và chằng cửa, chống bão”.

Khách sạn này có 80 phòng với giá 850 nghìn – 1 triệu đồng/đêm nhưng nay trở thành trỗ trú ẩn miễn phí cho hơn 50 người dân.

‘Có chị vì có con nhỏ, sợ nhà không an toàn nên 2 vợ chồng đã ôm con đến khách sạn xin ở nhờ. Cha mẹ họ đã già, không chịu đi trú nhưng khi các con đến ở thấy ổn, họ lại xin cho người thân, hàng xóm đến ở cùng”, chị Tuyền nói thêm.

Người dân đi xe máy đến nên chị Tuyền cho nhân viên di chuyển 2 xe ô tô (16 chỗ và 7 chỗ) ra ngoài, nhường tầng hầm cho người dân để xe.

Ban đầu, phía khách sạn dự định chỉ cho người dân trú tạm nhưng do đi trú bão quá gấp, không ai mang theo đồ ăn. Vì vậy chị Tuyền cùng nhân viên lại lo thêm các bữa ăn cho người đến trú.

“Sáng nay, một gia đình có con nhỏ muốn chúng tôi mở cửa để về. Họ nói, cháu bé chỉ ăn cháo mà tại khách sạn không có. Do tình hình bão đang nguy hiểm, tôi không thể cho họ về nên chúng tôi bật bếp, nấu cháo cho cháu bé luôn”, chị nói.

Ngoài ra, chị Tuyền cũng huy động nhân viên nấu cơm, mì cho người dân chống đói.

“Có người xuống hỏi: “Chị ơi có mì không?”; “Chị ơi có gì ăn không em đói quá”. Thành phố đang bị mất điện, chúng tôi tiến hành nấu cơm bằng bếp ga. Thức ăn trong tủ đông để làm buffet sáng cho khách (gồm gà, sườn, thịt bò…) cũng được huy động để chuẩn bị bữa trưa”, chị Tuyền chia sẻ thêm.

Tại khách sạn Tân Khánh Tiến (phường Thanh Khê Tây, Thanh Khê, Đà Nẵng) và nhà nghỉ Phương Anh 4 (phường Thanh Khê Tây) cũng là nơi trú ẩn an toàn của 81 người dân, trong đó có cả trẻ em, người vô gia cư, người bị tai biến…

Do toàn bộ số phòng đã kín chỗ, chủ khách sạn Tân Khánh Tiến phải ngủ dưới gầm cầu thang để nhường chỗ cho người dân đến trú bão.

Đây là hoạt động của nhóm tình nguyện Thiện Nguyện Xanh và công an phường Thanh Khê Tây.

‘Ý tưởng vận động khách sạn làm nơi tạm trú cho dân tránh bão là của Trung tá Đồng Phú Quý - Trưởng công an phường Thanh Khê Tây.

Cảnh sát khu vực đã phối hợp cùng chúng tôi vận động được 2 nhà nghỉ, khách sạn làm chỗ trú ẩn cho bà con. Hiện có 61 người dân trú tại khách sạn và 20 người ở nhà nghỉ”, anh Trần Trọng Hiếu, đại diện nhóm thiện nguyện cho biết.

Người dân đến trú bão còn được lo bữa ăn, chỗ ở. Trẻ con và người già sẽ được ăn súp, người lớn sẽ dùng mì tôm, miến…Ngoài ra, nhóm huy động xe bán tải, xe ô tô 7 chỗ và 16 chỗ để đi cứu trợ người dân bị ảnh hưởng bởi bão.

Trong sáng 28/10, nhóm cũng phối hợp với chính quyền địa phương chuẩn bị 300 suất súp để phát cho 6 địa điểm có người tránh bão khác tại phường Thanh Khê Tây.

“Người dân vui lắm. Mọi người cùng nhau nói chuyện, giao lưu trong khi chờ bão qua. Họ có thể ở đến bất cứ lúc nào – khi bão tan và tình hình an toàn hơn”, anh Hiếu nói thêm.

Theo Vietnamnet

Nguồn tin: dantri.com.vn


Sơn Trà   Trẻ con   du lịch   Đà Nẵng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...