26/01/2021 9:10  
Để có thể đủ đơn hàng cho khách trong dịp Tết Nguyên đán, hơn 100 hộ dân làm bánh đa nem ở xã Tân Châu (huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) những ngày này đều phải huy động nhân lực làm cả ngày lẫn đêm.

Theo người dân xã Tân Châu, nghề làm bánh đa nem đã có từ nhiều đời nay, cứ thế hệ này truyền lại cho thế hệ khác mà không rõ có chính xác từ năm nào. Những đứa trẻ ở làng nghề cứ 13-14 tuổi là người lớn đã dạy cho cách tráng bánh.

Bánh được sản xuất quanh năm, nhưng vào dịp giáp Tết cổ truyền đơn hàng nhiều hơn nên đòi hỏi các hộ dân làm nghề phải khẩn trương sản xuất để có đủ hàng phục vụ nhu cầu thị trường.

Bánh đa nem Tân Châu từ lâu được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến bởi độ dẻo, dai và mang mùi vị đặc trưng, màu sắc trắng sáng. Cách đóng gói cũng rất tiện lợi với nhiều tập mỏng, dày tùy theo số lượng bánh mỗi tập.

Để chuẩn bị hàng cho dịp Tết Nguyên Đán, ngay từ tháng 9 âm lịch, các gia đình làm nghề bánh đa nem đã phải chuẩn bị sẵn nguyên vật liệu, trành phơi, nhân công để tăng sản lượng cho kịp các đơn hàng.

Năm nào cũng vậy, gần đến ngày Tết cổ truyền, làng nghề làm bánh đa nem xã Tân Châu càng trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết.

Cũng theo người trong nghề, làm bánh đa nem tuy không quá nặng nhọc nhưng chiếm rất nhiều thời gian. Thường ngày, thợ làm bánh phải thức dậy từ 3h sáng và kết thúc công việc vào cuối giờ chiều.

Là một hộ gia đình có truyền thống làm bánh đa nem lâu đời, những ngày giáp Tết, gia đình ông Lê Đình Tường (làng Đắc Châu 1) cũng đang huy động toàn bộ nhân công làm ngày làm đêm để kịp đơn hàng phục vụ Tết.

Ông Tường cho biết, gia đình ông có 4 lao động chính; trong đó, vợ chồng ông đảm nhiệm khâu tráng bánh, còn con trai, con dâu phụ trách khâu phơi bánh, thu bánh và đóng gói.

Tuy nhiên, 3 tháng cuối năm, đơn hàng nhiều nên gia đình ông phải thuê thêm từ 1-3 nhân công để giúp cho khâu đóng gói sản phẩm. Mặc dù làm ngày, làm đêm nhưng bánh ra đến đâu là hết đến đó.

Theo ông Tường, muốn có những chiếc bánh đa nem tròn, mỏng, đẹp, đều tăm tắp thì người tráng phải đều tay, lượng bột vừa phải và căn thời gian hấp vừa đủ. Bánh sau khi tráng được phơi ngoài nắng từ 30 phút đến 1 giờ. Vào nhưng ngày trời nắng, bánh sẽ nhanh khô và thơm hơn.

"Công việc làm bánh đa nem có thể làm quanh năm, nhưng thời điểm 3-4 tháng cuối năm là thời điểm bận rộn nhất ở làng nghề làm bánh đa nem. Điều đặc biệt ở làng làm bánh đa nem Tân Châu là công việc tráng bánh không chỉ dành cho phụ nữ mà đàn ông trong làng tráng bánh cũng rất thành thạo và chuyên nghiệp.

Mỗi ngày 2 vợ chồng tôi có thể làm ra từ 2.000-2.500 chiếc bánh đa nem, sau khi trừ chi phí, mỗi ngày gia đình tôi thu nhập từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng từ tiền bán bánh đa nem" - ông Tường chia sẻ.

Còn với gia đình bà Nguyễn Thị Phú (thôn Đắc Châu 2) thì cho biết, gia đình bà đã trải qua nhiều đời làm nghề tráng bánh. Khi bà 13 tuổi đã thành thạo công việc này rồi.

Công việc sản xuất được trải dài quanh năm nhưng thời gian làm nhiều nhất lại tập trung vào 3 tháng cuối năm. Vào vụ Tết, mỗi ngày gia đình bà sản xuất được khoảng 3.000 bánh và được bán với giá 40.000 đồng/100 bánh. Đây là nghề chính mang lại cuộc sống ổn định cho gia đình bà.

Cũng theo bà Phú, khó khăn lớn nhất với các hộ làm nghề hiện nay là thiếu mặt bằng để phơi bánh. Nếu được xã quy hoạch thành một khu sản xuất, khu phơi bánh sẽ giúp cho người dân thuận tiện hơn trong việc làm nghề.

Bánh đa nem Tân Châu ngày thường có giá 30.000-35.000 đồng/100 cái, vào các tháng giáp Tết giá dao động từ 40.000-50.000 đồng/100 cái. Không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong tỉnh, bánh đa nem Tân Châu đã trở thành sản phẩm quen thuộc của tỉnh thành khác trong cả nước, giúp nhiều hộ dân có thu nhập cao và "sống khỏe" với nghề.

Bình Minh

Nguồn tin: dantri.com.vn


quy hoạch   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...