28/10/2020 19:05  
UBND TP.HCM vừa phê duyệt đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM.
Theo tính toán, đề án trên dự kiến cần đến hơn 391.645 tỉ đồng để thực hiện, chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn 2020 – 2025 cần hơn 91.260 tỉ đồng và giai đoạn 2026 – 2030 cần hơn 300.384 tỉ đồng được huy động từ các nguồn ODA, ngân sách nhà nước và xã hội hóa.
TP.HCM khuyến khích nguồn kinh phí huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; sử dụng nguồn kinh phí lồng ghép trong các chương trình, đề án liên quan đã được phê duyệt và các nguồn hợp pháp khác.
TP.HCM đưa ra quan điểm phát triển vận tải hành khách công cộng phải kết hợp, đồng thời với hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông, tập trung ưu tiên phát triển các phương thức vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn như đường sắt đô thị, xe buýt nhanh,...
Để thực hiện đề án này, TP.HCM xác định ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo, đảm bảo hệ thống vận tải hành khách công cộng phát triển bền vừng. Đồng thời, tổ chức kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân thông qua việc kết hợp hài hòa, khoa học các giải pháp hành chính và giải pháp kinh tế; triển khai theo lộ trình cụ thể, có sự đồng thuận của người dân.
Về chỉ tiêu cụ thể, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025, vận tải hành khách công cộng đảm nhận 15% nhu cầu giao thông đô thị và tăng lên 25% vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu nêu trên, UBND TP.HCM đưa ra 27 giải pháp với 3 nhóm chính gồm: Tăng cường vận tải hành khách công cộng; kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân và giải pháp hỗ trợ.
Đáng chú ý, trong nhóm kiểm soát phương tiện cá nhânh, TP.HCM dự kiến sẽ áp dụng biện pháp thu phí xe ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố, phân vùng kiểm soát khí thải kết hợp với thu phí ô nhiễm môi trường.

Nguồn tin: thanhnien.vn


HCM   doanh nghiệp   đô thị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...