17/07/2022 13:15  
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá, dự án Vành đai 3 không chỉ quan trọng đối với TP.HCM và các địa phương có dự án đi qua, mà còn có tầm quan trọng rất lớn đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sau khi khi được Quốc hội chính thức thông qua chủ trương đầu tư, với quyết tâm triển khai dự án nhanh để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và khu vực, UBND TP.HCM đã quán triệt cả hệ thống chính trị từ thành phố đến quận, huyện, cơ sở… với quyết tâm cao nhất để thực hiện dự án.

TP.HCM cũng đã quyết định thành lập hội đồng cố vấn là các nhà quản lý giàu kinh nghiệm, các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng giao thông để giúp ban chỉ đạo dự án trong quá trình triển khai dự án. Với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Thủ tướng Chính phủ, các phó thủ tướng Chính phủ cũng như các bộ ngành trung ương, TP.HCM được giao là cơ quan đầu mối thực hiện dự án đã phối hợp với các địa phương để hoàn thiện hồ sơ để báo cáo với Bộ Chính trị, Quốc hội và vừa qua được Quốc hội chính thức thông qua tại Nghị quyết số 57/2022/QH15 về chủ trương xây dựng dự án đầu tư Vành Đai 3.

“Đây là một quyết sách rất quan trọng để phát triển hạ tầng giao thông, góp phần cho TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, mở ra không gian mới, động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Nam, giúp TP.HCM tiếp tục là đầu tàu kinh tế của cả nước. Đây là dự án có quy mô lớn về vốn cũng như khối lượng công việc nhưng triển khai trong một thời gian ngắn với quyết tâm thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2026 và đưa vào sử dụng trong năm 2026. Trên địa bàn TP.HCM với mật độ dân số cao, đô thị hóa nhanh do đó công tác đền bù, giải phóng mặt bằng sẽ gặp nhiều khó khăn. Sự phối hợp giữa các địa phương rất quan trọng…”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết.

Theo Nghị Quyết 57/2022/QH15,dự án Vành đai 3 có chiều dài 76,34km, chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. Dự án áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, đảm bảo đồng bộ, chất lượng và hiệu quả. Nhu cầu sử dụng đất khoảng 642,7ha (trong đó TP.HCM 408ha), với 3.863 hộ dân bị ảnh hưởng, tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng… Theo kế hoạch đến tháng 6/2023, dự án sẽ được khởi công xây dựng, do đó công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là hết sức cấp bách.

Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM cho biết, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án, tạo sự đồng thuận của người dân, rút ngắn thời gian thực hiện, đảm bảo bàn giao mặt bằng đúng theo yêu cầu, Sở Tài nguyên - Môi trường đề xuất giải pháp thực hiện chủ trương giải quyết tái định cư trước cho hộ dân đủ điều kiện.

Cụ thể, theo quy định thì việc bố trí tái định cư cho hộ dân đủ điều kiện sẽ được thực hiện sau khi UBND cấp quận, huyện ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho hộ dân; trong trường hợp hộ dân nhận tái định cư bằng nền đất thì phải có thêm 6 tháng (kể từ ngày hộ dân nhận được nền tái định cư) để hộ dân xây dựng nhà ở; nếu chủ đầu tư cần gấp mặt bằng thì phải chi trả tiền để hộ dân tự thuê nhà ở hoặc bố trí vào các khu tạm cư dẫn đến hộ dân sống tạm bợ, phải di chuyển chỗ ở nhiều lần (di chuyển từ chỗ ở cũ đến nơi tạm cư, di chuyển từ nơi tạm cư đến chỗ ở mới), vừa phát sinh kinh phí, vừa không đảm bảo hộ dân ổn định cuộc sống.

Do đó, Sở Tài nguyên - Môi trường kiến nghị UBND TP.HCM xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho UBND TP.HCM thực hiện thí điểm chính sách tái định cư cho dự án Vành đai 3 như sau: đối với các trường hợp qua kiểm tra, rà soát, xác nhận pháp lý nhà - đất, UBND thành phố Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh xác định là đủ điều kiện được bố trí tái định cư thì khẩn trương tiếp xúc, vận động hộ dân nhận nhà, đất tái định cư.

Về giá căn hộ, nền đất bố trí tái định cư, UBND TP.HCM sẽ phê duyệt giá tái định cư trước khoảng 6 tháng so với thời điểm phê duyệt giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ. Đối với các trường hợp nhận tái định cư bằng nền đất, giao hội đồng bồi thường của dự án căn cứ vào tiến độ xây dựng nhà của hộ dân để tạm ứng một phần tiền bồi thường, hỗ trợ về công trình, vật kiến trúc hoặc tiền bồi thường, hỗ trợ về đất (nếu có chênh lệch lớn hơn tiền nền đất tái định cư) cho hộ dân để có điều kiện xây dựng nhà mới nhưng thời gian xây dựng không quá 6 tháng. Đồng thời giám sát tiến độ xây dựng nhà của các hộ dân, đảm bảo số tiền tạm ứng được sử dụng đúng mục đích. Hộ dân được giải quyết nhận tái định cư trước phải cam kết sử dụng tiền được tạm ứng để xây dựng nhà mới (nếu được tạm ứng), cam kết bàn giao mặt bằng theo đúng tiến độ, kế hoạch của hội đồng bồi thường của dự án.

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, để kịp tiến độ bàn giao bình độ tuyến để phù hợp với ranh tuyến dự án đi qua để dự án có thể khởi công đúng tiến độ đề ra, hiện nay qua rà soát có 32 đồ án cần phải điều chỉnh quy hoạch. Một số đồ án thuộc thẩm quyền của UBND TP.HCM, một số đồ án thuộc thẩm quyền điều chỉnh của các quận, huyện nên hiện nay sở tích cực tham mưu cho thành phố, phối hợp với các quận, huyện và thành phố Thủ Đức để đến ngày 30/9/2022 các đồ án này có thể xem xét để điều chỉnh.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Chính phủ   HCM   chuyên gia   chính sách   công nghệ tiên tiến   kiến nghị   quy hoạch   đô thị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...