15/04/2021 21:11  
Tỷ lệ người Hàn Quốc có cái nhìn không thiện cảm đối với Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất lịch sử, từ 31% vào năm 2002 lên 75% vào năm 2020.

Trong một động thái chưa từng thấy, đài SBS tiếng tăm của Hàn Quốc đã quyết định hủy phát sóng bộ phim "Joseon Exorcist" - một bộ phim cổ trang Hàn Quốc rất được mong đợi với đề tài siêu nhiên - sau khi đã lên sóng được tập 2 vào ngày 23/3. Nguyên nhân của động thái này cũng thật sự gây bất ngờ: bộ phim bị phủ bóng bởi những tranh cãi là bóp méo lịch sử, văn hóa Hàn Quốc với việc sử dụng nghệ thuật "kiểu Trung Quốc" và sử dụng đạo cụ của Trung Quốc. Bộ phim trị giá 28 triệu USD cho đến nay đang rơi vào tình trạng "chết yểu".

Việc SBS vội vàng hủy chiếu loạt phim này cho thấy rõ tâm lý chống Trung Quốc đang sục sôi trong xã hội Hàn Quốc và đẩy giới tinh hoa chính trị đảng phái nước này vào tình thế khó nhằn.

Ba nguyên nhân

"Joseon Exorcist" không phải là bộ phim duy nhất có số phận chết yểu như vậy. Các bộ phim truyền hình Hàn Quốc đang được công chiếu như  "True Beauty" và "Vincenzo" cũng lâm vào cảnh tương tự khi có những phân đoạn giới thiệu sản phẩm của các thương hiệu Trung Quốc như JD.com hoặc một thương hiệu bibimbap của Trung Quốc (trong khi bibimbap là món ăn truyền thống của Hàn Quốc).

Khi làn sóng văn hóa Hàn Quốc (Hallyu) phủ sóng khắp châu Á, có một thực tế là các công ty Trung Quốc đổ nhiều tiền vào các siêu phẩm phim ảnh của Hàn Quốc. Nhưng tâm lý chống Trung Quốc ngày càng gay gắt hơn trong những năm gần đây. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ), tỷ lệ người Hàn Quốc có cái nhìn không thiện cảm đối với Trung Quốc lên mức cao nhất lịch sử, từ 31% vào năm 2002 lên 75% vào năm 2020, trong khi số người có tình cảm tích cực giảm từ 66% xuống còn 24%.

Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng đó? Thứ nhất là do người Hàn Quốc lo ngại cái mà họ gọi là "sự xâm lấn văn hóa" của Trung Quốc. Thứ hai là do đại dịch Covid-19, trong đó Trung Quốc cho đến nay vẫn bị cáo buộc là "nơi khởi nguồn và gây ra đại dịch". Và thứ ba là do chính sách "ngoại giao chiến lang" đang trỗi dậy của Bắc Kinh.

Người Hàn Quốc đã từng gánh chịu và nhớ rất rõ khoảng thời gian Bắc Kinh "siết gọng kìm" kinh tế nhằm trả đũa việc Seoul triển khai triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ vào năm 2016. Bắc Kinh áp đặt các lệnh trừng phạt không chính thức - nhưng không có nghĩa là không hiệu quả - đối với các sản phẩm của Hàn Quốc, từ du lịch đến giải trí. Đây cũng chính là lúc nhiều người Hàn Quốc "sực tỉnh" khi tận mắt chứng kiến những hệ lụy khi phụ thuộc kinh tế quá nhiều vào Trung Quốc.

Trong khi Hàn Quốc bùng nổ tâm lý chống Trung Quốc, chính sách đối ngoại hiện tại của Seoul dường như đang đi theo chiều ngược lại.

Sau thất bại của THAAD, Seoul đã dè chừng hơn để không kích động Bắc Kinh lần nữa. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng đặt mục tiêu tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với Bắc Kinh  - một mặt nhằm giảm bớt phụ thuộc vào Mỹ, một mặt để có thể giảm căng thẳng với Triều Tiên. Chính quyền ông Moon Jae-in thật sự rất thận trọng trong chính sách ngoại giao với Bắc Kinh, trong đó có việc không theo chân Mỹ trong việc cấm mua thiết bị mạng 5G của Huawei, bất chấp áp lực "khủng" từ Washington.

Chính sách ngoại giao trên với Trung Quốc và cả đồng minh thân cận Mỹ khiến Nhà Xanh rơi vào tình trạng phân cực sâu sắc. Ở trong nước, cử tri chỉ trích mạnh mẽ cách tiếp cận của chính quyền ông Moon Jae-in đối với Trung Quốc, trong đó cho rằng, Nhà Xanh đang "hạ mình" không cần thiết. Những tác động bên ngoài cũng khiến Seoul khó duy trì chính sách này. Nhà Trắng chỉ trích sự mơ hồ của Seoul và đang yêu cầu đồng minh châu Á rõ ràng hơn và tham gia tích cực hơn với nhóm "Bộ Tứ kim cương" tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Cử tri Hàn Quốc đang chờ đợi cuộc bầu cử tổng thống năm 2022, trong bối cảnh chính quyền đương nhiệm đang mắc kẹt trong những khó khăn về kinh tế, bê bối tham nhũng và tỷ lệ ủng hộ giảm. 

Trong cuộc đua đến Nhà Xanh năm 2022, chính sách về Trung Quốc chắc chắn sẽ phủ bóng các chiến dịch tranh cử của các đảng phái. Kết quả của cuộc bầu cử sẽ thực sự rất quan trọng, nhưng một điều cũng quan trọng là cử tri cần chọn được nhà lãnh đạo có thể làm dịu làn sóng chống Trung Quốc đang bùng nổ trong xã hội Hàn Quốc. Nếu không, "mối đe dọa Trung Quốc" vẫn luôn là bài toán đau đầu đối với bất kỳ lãnh đạo nào lên nắm quyền sau cuộc bầu cử vào tháng 3/2022.

Thanh Thành 

Theo Diplomat

Nguồn tin: dantri.com.vn


Covid   Covid-19   Huawei   Nhà Trắng   Trung Quốc   Tổng thống   chính sách   căng thẳng   du lịch  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...