20/10/2020 11:50  
Trong năm 2021, Việt Nam tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép” là phòng chống dịch bệnh hiệu quả và nỗ lực phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo Quốc hội như trên, tại phiên khai mạc kỳ họp, sáng 20/10.

"Trong thời gian đầu của giai đoạn 2021 - 2025 khi còn dịch bệnh, tiếp tục tập trung thực hiện mục tiêu kép; tuyệt đối không mất cảnh giác, thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch", ông nói.

Chính phủ trình Quốc hội 12 chỉ tiêu năm 2021, trong đó: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%...

Về phát triển cơ sở hạ tầng, trong 5 năm tới Chính phủ sẽ tập trung đầu tư và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án giao thông quan trọng, trong đó có dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam, cảng hàng không quốc tế Long Thành và các tuyến đường sắt đô thị; phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành trên 1.700 km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau.

Liên quan nội dung này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng tốc độ phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng có phần chững lại; triển khai nhiều dự án còn chậm; chưa hoàn thành mục tiêu 2.000 km đường bộ cao tốc, Ngoài ra, đường sắt và đường thủy chưa được quan tâm đúng mức.

"Hạ tầng đô thị lớn quá tải; hạ tầng nông thôn ở các tỉnh miền núi và vùng đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ cần tiếp tục được quan tâm, đầu tư đúng mức; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư còn hạn chế", ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói.

Đề cập đến sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình mới, Thủ tướng nói "có một số điểm chưa phù hợp" và đã yêu cầu nghiêm túc rút kinh nghiệm; giao các cơ quan chức năng tiếp thu các ý kiến đóng góp về sách giáo khoa để sửa đổi ngay.

Bộ sách giáo khoa lớp 1 Cánh Diều do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP HCM biên soạn, bị phản ánh "nặng và khó hơn" so với chương trình cũ. Sách quá nhiều chữ, dùng từ địa phương, các yêu cầu không phù hợp với trẻ mới vào lớp 1. Trong khi đó, Tổng chủ biên bộ sách khẳng định nhóm biên soạn đã làm rất kỹ.

Trước phiên khai mạc sáng nay 20/10, Quốc hội dành một phút mặc niệm đại biểu Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4, cùng các quân nhân đã hi sinh khi đi cứu hộ, đồng bào tử nạn do mưa lũ.

"Nỗi đau chồng nỗi đau", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói trong phiên trù bị trước lễ khai mạc sáng 20/10, khi đề cập đến việc các cơ quan đang chuẩn bị lễ tang 13 cán bộ hy sinh tại trạm kiểm lâm 67, thì lại tiếp tục xảy ra sạt lở núi nghiêm trọng tại huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) vùi lấp 22 quân nhân.

Sự hy sinh của các các quân nhân và lực lượng tham gia cứu nạn là "biểu tượng của tinh thần quả cảm, tận tụy, sẵn sàng xả thân để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân".

"Quốc hội chia sẻ trước những đau thương, mất mát to lớn này và xin gửi lời thăm hỏi ân cần đến đồng bào, chiến sĩ vùng bị nạn, cùng lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình cán bộ, chiến sĩ hy sinh và người dân bị tử nạn", bà Ngân nói.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, giám sát thiên tai, bảo đảm kịp thời, đủ độ tin cậy, hỗ trợ, giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả sau thiên tai.

Kỳ họp cuối năm của Quốc hội sẽ làm việc trong 19 ngày, chia làm hai đợt; trong đó đợt một họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ 20 đến 27/10, đợt 2 họp tập trung tại nhà Quốc hội từ 2 đến 17/11.

Trong 19 ngày làm việc, các vị đại biểu sẽ xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội; quyết định phê chuẩn việc miễn nhiệm, bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ; miễn nhiệm nhân sự Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN; bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Y tế; Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM.

Viết Tuân - Hoàng Thùy - Minh Sơn

Nguồn tin: vnexpress.net


Chính phủ   Công nghệ   HCM   Hà Nội   Kinh tế   Ngân hàng   Ngân hàng Nhà nước   đô thị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...