08/04/2021 19:21  
Đến một số xã thuộc huyện Đông Anh (TP Hà Nội), chỉ cần bấm số điện thoại đã được in trên các tường bao, tờ rơi, biển bảng…, người có nhu cầu về bất động sản sẽ được thông tin tận tình.

Thành phố thông minh Đông Anh là dự án bất động sản lớn bậc nhất Thủ đô, nằm "xuyên suốt" trên địa phận xã Hải Bối, xã Vĩnh Ngọc, xã Kim Nỗ. Trong tương lai, nơi đây được kỳ vọng về một cuộc sống xanh – sạch – đẹp. Còn trước mắt, nơi này là mảnh đất "màu mỡ" được giới đầu tư bất động sản đặc biệt quan tâm.

Chính bởi thu hút được giới đầu tư mà đến Đông Anh thời điểm này, từ đường lớn đến ngõ nhõ, tường bao, hàng rào…, tất cả đều được "phủ" kín số điện thoại nhận tư vấn về đất đai.

Anh Nguyễn Văn Hiếu (43 tuổi, ở Hải Bối, Đông Anh) cho biết, "trung tâm" tư vấn – môi giới bất động sản mọc nhiều như nấm mọc sau mưa. Nói "trung tâm" là cho "sang" miệng, thực chất chỉ là một số điện thoại được viết nguệch ngoạc trên tường, hoặc một tấm biển trưng "bán đất" nơi đầu làng, ngõ xóm. 

Do đó, từ người già đến người trẻ, từ cán bộ đến người làm vườn, ai cũng có thể trở thành người môi giới bất động sản. Thậm chí, người ở địa phương khác đi ngang qua Đông Anh cũng thông thuộc thị trường bất động sản nơi đây.

Mặc dù suốt ngày "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" nhưng bà Châu (50 tuổi, ở thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, Đông Anh) hiểu hơn ai hết về thị trường đất ở khu vực này. Thậm chí, "miếng" đất nào rẻ, đầu tư "lướt sóng" có lời, bà Châu có thể "chỉ" tận tình.

Bà Châu cho biết: "Mặc dù xã Tiên Dương không nằm trong quy hoạch thành phố thông minh nhưng sắp tới, trụ sở UBND quận trong tương lai đặt ở khu này nên đất thổ cư không dưới 48 triệu đồng/m2. Mảnh đẹp, nằm ở trục đường chính còn có giá hơn 50 triệu đồng/m2, trong khi ngày xưa, giá đất thổ cư chỉ khoảng 20 triệu đồng/m2. Cứ nửa tháng là giá đất đã khác rồi".

Theo bà Châu, chẳng biết chủ nhân của những mảnh đất có giá "trên trời" ấy là ai nữa, bởi cứ cuối tuần là xe ô tô lại đỗ ở đó xem đất và cứ vài tháng, những mảnh đất ấy lại được "thay" chủ mới.

Ông T (khoảng hơn 40 tuổi) là người có tiếng nói ở thôn Yên Hà, xã Hải Bối. Biết chúng tôi có nhu cầu về đầu tư đất "lướt sóng", ông T không ngần ngại dẫn chúng tôi đi khắp thôn để lần lượt xem vị thế của 3 mảnh đất thổ cư đang gửi bán. 

Ông T cho biết: "Thôn Yên Hà đi đến thành phố thông minh chỉ vài bước chân. Nếu ở đây, có thể hưởng lợi tất cả dịch vụ, tiện ích ở thành phố thông minh. Giờ giá đất còn rẻ, dù qua nhiều chủ nhưng giá chỉ ở ngưỡng 33 – 35 triệu đồng/m2. Nếu đầu tư lướt ván thì nên "om" khoảng đôi tháng, giá chắc chắn còn lên cao".

Khẳng định với PV Báo Gia đình & Xã hội, TS Nguyễn Hữu Cường – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Hà Nội cho biết, không có cơ sở nào khẳng định giá đất tăng lên bao nhiêu phần trăm là ở ngưỡng an toàn so với giá đất của nhà nước. Bởi giá đất do thị trường quyết định.

Ông Cường cho biết: "Thị tường do bên có nhu cầu, bên mua quyết định, thuận mua vừa bán, nhà nước không thể can thiệp vào giá bao nhiêu hay khoảng tăng bao nhiêu là an toàn. Hơn nữa, giá đất tùy thuộc vào từng sản phẩm bất động sản, tính pháp lý cụ thể, cơ sở hạ tầng cụ thể và mục đích người bán.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước phải xem các biến động giao dịch đất đai ở từng địa phương. Sự biến động là do nguyên nhân gì, từ đó chính quyền vào cuộc kiểm soát, đưa ra các dự báo. Thậm chí là cắm biển cảnh giới, căng các chỉ giới, sơ đồ chỉ dẫn… để hạn chế những giao dịch lừa đảo, nói khác thông tin bất động sản khi những người mua ở nơi khác đến mà nắm ít thông tin, không thông thuộc địa hình và tin lời môi giới mà xuống tiền. Đó là trách nhiệm của cơ quan nhà nước tại địa phương".

Nguồn tin: www.24h.com.vn


Bất động sản   Hiệp hội   Hà Nội   Xã hội   dịch vụ   quy hoạch  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...