10/09/2021 15:25  
Bức ảnh "Người phụ nữ tro bụi" của phóng viên ảnh Stan Honda phản ánh nỗi bi thương và chết chóc trong vụ khủng bố 11/9 ở Mỹ.

Stan Honda, phóng viên ảnh người Mỹ, cho biết trong suốt sự nghiệp của mình, ông hiếm khi tìm ra người xuất hiện trong bức ảnh ông chụp là ai. Tính gấp rút cũng như áp lực thời hạn nộp ảnh không cho phép phóng viên dừng lại trao đổi với người được chụp, đặc biệt khi tác nghiệp tại một thảm họa như vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. Việc này thường không thể hoặc không an toàn.

Nhưng bức ảnh trong vụ 11/9 Honda chụp cho hãng thông tấn Pháp AFP thì khác. Sau khi nhóm khủng bố lao hai máy bay vào Trung tâm Thương mại Thế giới ở thành phố New York khiếp tòa tháp đôi đổ sụp, Honda đã chụp bức ảnh người phụ nữ phủ đầy tro bụi. Bức ảnh sau đó trở thành một trong những hình ảnh mang tính biểu tượng của thảm kịch.

"Đó là khung hình duy nhất tôi chụp cô ấy khi mọi người trú ẩn trong sảnh một tòa nhà để tránh đám khói bụi và mảnh vỡ khổng lồ bao phủ khu vực sau khi tòa tháp đầu tiên sụp đổ", Honda cho hay.

Người phụ nữ mặc trang phục công sở, lớp bụi đã che khuất màu quần áo và đôi bốt, vòng cổ phản chiếu ánh đèn sảnh. Hai cánh tay cô chìa ra như thể đang ra hiệu về phía người chụp.

Bức ảnh có tông màu vàng và điều này không phải cố ý. Ông đã đặt máy ảnh để lấy ánh sáng mặt trời và ánh sáng nhân tạo trong nhà tạo thêm một lớp màu vàng nhạt. Cuối ngày hôm đó, trong lúc gấp rút nộp ảnh, ông không chỉnh sửa màu sắc. Khi bức ảnh xuất hiện trên bản tin, ông nhận thấy màu sắc dường như truyền tải cảm giác diệt vong, sợ hãi.

Sau khi chụp, Honda thấy "người phụ nữ tro bụi" được những người khác dìu lên cầu thang, có lẽ để đến nơi an toàn hơn. Ông nghĩ sẽ không bao giờ gặp lại cô. Nhưng kể từ sau đó, ông luôn thắc mắc người đó là ai.

Vào ngày phóng viên ảnh AFP gọi điện cho Honda để báo tin một máy bay vừa đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới, hai người đều nghĩ rằng đó chỉ là máy bay tư nhân nhỏ. Ông lên tàu điện ngầm đến hiện trường nhưng trễ hơn bình thường nửa giờ, có thể do tình trạng khẩn cấp ở khu Hạ Manhattan khi đó.

Khi đến nơi, ông thấy hàng trăm người đang đứng nhìn chằm chằm vào tòa tháp đôi, cách đó vài dãy nhà. Các tầng trên cùng của cả hai tòa tháp đang bốc cháy. Khi đó ông chưa biết máy bay thứ hai đâm vào tòa tháp còn lại, nên rất bối rối.

Honda chụp vài bức ảnh đám đông và các tòa tháp, sau đó tiến về phía họ để chụp thêm. Ông đi về phía nam và có thể thấy đám đông khổng lồ đang chạy về phía bắc, tránh xa các tòa nhà. Tiếng còi hú vang rền khi các phương tiện khẩn cấp đổ về khu vực.

Khi đến gần các tòa tháp để chụp ảnh, Honda nghe tiếng động lớn như tiếng tàu hỏa, sau đó là những đám khói bụi dày đặc. Tòa tháp đầu tiên đã sụp đổ. Ông chỉ cách Trung tâm Thương mại Thế giới vài dãy nhà và ghi lại cảnh hai tòa tháp dần biến thành tro bụi.

Khói cuồn cuộn lơ lửng giữa những tòa nhà xung quanh ông, mọi người như đang chìm giữa những đám mây. Sau đó bầu trời tối mịt như màn đêm, khói bụi dày đặc hơn bao phủ khắp nơi, hạn chế tầm nhìn.

Ông đi về phía tòa nhà văn phòng gần đó, nơi một cảnh sát đang dẫn mọi người vào trong. Ông đi cùng nhóm người này để thoát khỏi đám khói bụi.

Nhiều người đứng trong tiền sảnh, vẻ mặt sốc và hoảng loạn. Khoảng một phút sau, một phụ nữ bước vào, người phủ đầy bụi. Ông chụp ảnh cô theo bản năng rồi lại chạy ra ngoài. Đường phố, các tòa nhà, xe hơi, và thậm chí cả con người hoàn toàn bị bao phủ trong lớp bụi màu xám nhạt.

Ông tiếp tục chụp hiện trường, ghi lại hình ảnh mọi người đang giúp đỡ nhau và cố thoát ra khỏi khu vực. Một chiếc xe buýt dừng lại để mọi người lên xe mà không thu tiền. Một người đàn ông mặc vest công sở đi qua đống đổ nát, tay vẫn cầm cặp. Đó là bức ảnh thứ hai của ông được sử dụng phổ biến kể từ ngày đó.

Đầu tháng 3/2002, một biên tập viên AFP tại văn phòng ở thủ đô Washington gọi cho Honda báo rằng họ đã tìm ra người phụ nữ trong ảnh. Cô là Marcy Borders.

Gia đình Borders đã thấy hình ảnh này khi nó được đăng trên nhiều báo, tạp chí và trên trang web trên khắp thế giới. Họ tìm được số điện thoại của văn phòng AFP tại Washington và xác nhận danh tính của người phụ nữ với một biên tập viên.

"Tôi đang làm việc tại văn phòng ở thành phố New York và vô cùng ngạc nhiên khi giờ đây chúng tôi đã biết người phụ nữ trong bức ảnh là ai. Tôi rất muốn gặp cô ấy", ông cho hay.

Michel Moutot, người đứng đầu văn phòng AFP tại New York, hẹn gặp Borders tại căn hộ của cô ở Bayonne, bang New Jersey vào ngày 8/3/2002. Honda không thể tin được khi thực sự gặp lại người mà ông đã chụp ảnh vào ngày lịch sử đó, đồng thời cảm thấy nhẹ nhõm vì cô vẫn ổn.

"Đã có quá nhiều chết chóc và tàn phá vào ngày đó, nên thật phấn chấn khi nghe câu chuyện của một người sống sót", ông nói.

Cuộc sống của Borders khó khăn, cho đến khi cô được nhận vào làm tại Ngân hàng Mỹ với văn phòng đặt tại một trong hai tòa tháp. Cuộc sống của cô dường như đang trở nên tốt đẹp hơn. Thế rồi tất cả thay đổi vào ngày 11/9.

Borders làm việc trên tầng 81 và tìm cách thoát ra ngoài trước khi tòa nhà sụp đổ. Vụ tấn công đã để lại nỗi ám ảnh với cô. Cô sợ hãi khi nghe tiếng máy bay, sợ những tòa nhà cao tầng đến nỗi thề không quay lại Hạ Manhattan.

"Tôi gặp lại cô ấy trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, nhưng chúng tôi không giữ liên lạc. Suốt nhiều năm, tôi thấy truyền thông phỏng vấn cô ấy vào ngày kỷ niệm 11/9. Tôi đã chụp hàng trăm bức ảnh vào hôm đó nhưng ảnh Borders được đăng nhiều nhất trên các ấn phẩm khác nhau vào ngày 11/9 hàng năm. Bức ảnh khiến tôi nhớ lại ngày hôm đó hỗn loạn đến thế nào. Tôi ngạc nhiên khi mình không bị thương", Honda cho biết.

Borders là một trong số hàng nghìn người sống sót ở Trung tâm Thương mại Thế giới sau vụ 11/9. Bà qua đời hồi tháng 8/2015 vì bệnh ung thư dạ dày.

Huyền Lê (Theo Al Jazeera)

Nguồn tin: vnexpress.net


Bayon   Cuộc sống   Honda   Ngân hàng   ung thư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...