20/02/2021 0:11  
Theo số liệu của Bộ Giáo dục Nhật Bản, số vụ tự tử hàng năm của trẻ vị thành niên ở Nhật Bản là 479 vào năm 2020, tăng mạnh so với con số 339 của năm trước.

Đây là con số cao nhất kể từ khi hồ sơ được lưu giữ vào năm 1980.

Vào năm 2020, chính phủ đã yêu cầu đóng cửa trường học trên toàn quốc từ tháng 3 do đại dịch Covid-19 và tình trạng khẩn cấp sau đó có nghĩa là nhiều trường học vẫn đóng cửa cho đến tháng 5 hoặc tháng 6, việc đóng cửa trường học có liên quan đến sự gia tăng các vụ tự tử hay không vẫn cần phải làm rõ.

Theo thống kê, các vụ tự tử của học sinh tiểu học là 14, tăng so với 6 vào năm 2019, trong khi học sinh trung học cơ sở là 136, tăng từ 96 và học sinh trung học là 329, tăng từ 237.

Số vụ tự tử cao nhất vào tháng 8, ở mức 64, với số học sinh trung học nữ tự tử trong tháng tăng gần gấp bảy lần so với một năm trước lên 23. Đáng chú ý, số vụ tự tử của nữ sinh trung học tăng gần gấp đôi so với năm trước, từ 71 vụ lên 138, trong khi học sinh nam trung học tăng 21 lên 191.

Bộ cho biết các lý do chính khiến các trẻ vị thành niên tự tử ít nhiều vẫn như vậy, bao gồm kết quả học tập kém, sự không chắc chắn về nghề nghiệp tương lai và mối quan hệ không tốt với cha mẹ, nhưng đã có sự gia tăng trong số vụ tự tử liên quan đến rối loạn tâm thần và trầm cảm. Hội đồng chuyên gia dự kiến sẽ thảo luận sâu hơn về vấn đề này, cũng như các biện pháp ngăn chặn những trường hợp này.

Bộ giáo dục hy vọng việc sử dụng máy tính bảng, dự kiến phân phối cho từng học sinh tiểu học và trung học cơ sở, sẽ giúp theo dõi sức khỏe tâm thần của trẻ em. Một thành viên hội đồng cho biết: "Máy tính bảng có thể được sử dụng để theo dõi những thay đổi ở học sinh khi chúng dành thời gian dài hơn ở nhà, cũng như thực hiện khảo sát và kiểm tra mức độ căng thẳng của chúng. Công nghệ này sẽ rất hữu ích trong việc ngăn chặn các vụ tự tử."

Một cuộc khảo sát riêng do Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe và Phát triển Quốc gia công bố gần đây cho thấy có tới 30% học sinh trung học có các triệu chứng trầm cảm do đại dịch coronavirus.

Nhiều học sinh bày tỏ họ có suy nghĩ muốn chết hoặc có thể chết, đáng chú ý một học sinh đã viết, "Một số người bị nhiễm corona đã bị phân biệt đối xử hoặc bị gọi tên." hay một em khác chia sẻ "Không có tự do bởi vì bọn em bị ràng buộc bởi đại dịch Covid-19."

Mayumi Hangai, một bác sĩ tham gia thực hiện cuộc khảo sát, cho biết có khả năng các triệu chứng trầm cảm là do những căng thẳng trong cuộc sống khi dịch bệnh vẫn kéo dài. Bà cho biết: "Các em chưa hiểu, chưa trải sự đời và bế tắc trong việc giải tỏa căng thẳng nên tôi mong các bậc cha mẹ và những người giám hộ hãy lắng nghe con mình và đồng cảm với con trẻ."

Phạm Chu Quang Vinh (Theo Japan Times và Kyodo News)

Nguồn tin: dantri.com.vn


Covid   Covid-19   Công nghệ   Giáo dục   Máy tính   Nhật Bản   chuyên gia   căng thẳng   hành vi  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...