27/03/2021 20:12  
Truyền thông Trung Quốc dẫn lời 2 phi công nước này nhận định rằng tiêm kích J-16 của họ nhỉnh hơn Su-30 Nga dù J-16 bị nghi là phiên bản "sao chép" của Su-30.

Trong tuần này, báo nhà nước Trung Quốc Thời báo Hoàn cầu dẫn lời ông Wang Songxi - sĩ quan huấn luyện bay tại Quân khu phía Bắc của quân đội Trung Quốc - nhận định, tiêm kích J-16 "không có khuyết điểm vì nó được trang bị nhiều loại vũ khí và có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết".

"Xét về hoạt động, J-16 vượt trội hơn tất cả các máy bay tôi từng điều khiển", ông Wang nói, nhấn mạnh tiêm kích này có "những bước tiến lớn về radar và hệ thống kiểm soát hỏa lực so với các máy bay trước đó".

Phi công này cũng thừa nhận dù J-16 và Su-30 của Nga có nhiều điểm tương đồng bên ngoài, nhưng 2 máy bay có "nhiều điểm khác bên trong" và "có một khoảng cách khiến J-16 hiện đại hơn Su-30".

Trong khi đó, Jiang Jiaji, một phi công khác của quân đội Trung Quốc, khẳng định J-16 có năng lực tàng hình tốt hơn khi được phủ một lớp sơn màu xám bạc, khiến nó trở nên khó phát hiện bằng mắt thường và thiết bị điện từ".

Nhận định của các phi công Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh các chuyên gia nhiều lần đặt ra nghi vấn về việc Bắc Kinh trong những năm qua có thể sử dụng thông tin do thám và công nghệ "thiết kế ngược" để "học tập" các máy bay của nước khác nhằm áp dụng cho các máy bay nội địa của Bắc Kinh.

Theo giới quan sát, một trong những ví dụ rõ ràng nhất của việc Trung Quốc áp dụng công nghệ "thiết kế ngược" liên quan tới máy bay Su-27 của Nga. Trung Quốc là nước đầu tiên nhập khẩu Su-27 - nền tảng được Nga sử dụng để phát triển hàng loạt loại máy bay khác như tiêm kích đa nhiệm Su-30, máy bay ném bom hạng nhẹ Su-34, và tiêm kích đa nhiệm Su-35.

Kể từ khi nhận chiếc Su-27 đầu tiên từ năm 1992, Trung Quốc được cho đã phát triển nhiều phiên bản nội địa nhờ nghiên cứu máy bay Nga. Họ sau đó cũng mua thêm các biến thể của Su-27 như Su-30 và Su-35 và được cho là đã phát triển các máy bay trong nước dựa trên máy bay của Moscow.

Theo các chuyên gia, tiêm kích nội địa tiên tiến nhất mà Trung Quốc chế tạo nhờ "học tập" dòng Su-27 của Nga là J-16 - máy bay được cho có thiết kế sao chép của Su-30.

Liên quan tới nhận định của phi công Jiang Jiaji về khả năng tàng hình của J-16, các chuyên gia quân sự từng chỉ ra rằng đây dường như chỉ là nhận định mang tính tuyên truyền của Trung Quốc.

Giới quan sát cho rằng việc Trung Quốc cho rằng J-16 có thể tàng hình được bằng một lớp sơn có thể là "nói quá" vì yếu tố chủ chốt làm nên khả năng ẩn mình hiệu quả dưới "mắt thần" của đối phương là hình dạng thiết kế của máy bay chứ không phải chỉ nhờ lớp phủ bên ngoài.

Không quân Mỹ từng phủ sơn sắt từ cho máy bay chiến đấu F-16 trong hàng chục năm qua. Năm 2012, F-16 cũng được sơn bằng loại tương tự trên máy bay chiến đấu tàng hình F-35, theo Aviationist. Nhưng khả năng tàng hình của F-16 vẫn kém xa so với F-22 và F-35.

Đức Hoàng

Theo The Week

Nguồn tin: dantri.com.vn


F-16   Trung Quốc   chuyên gia  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...