25/10/2020 7:15  
Html">

Huy động thêm 200 triệu đô la

Hãng tin Bloomberg hôm 22-10 dẫn lời một nguồn tin cho biết Eat Just, có trụ sở tại San Francisco, Mỹ, đặt mục tiêu huy động thêm vốn ít nhất 200 triệu đô la Mỹ trong một thương vụ định giá công ty này ở mức từ 2 tỉ đô la trở lên.

Đây có thể là vòng gọi vốn cuối cùng trước khi East Just tiến hành chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO).
Trong vòng gọi vốn gần nhất, Eat Just thu về hơn 300 triệu đô la từ các quỹ đầu tư bao gồm Khosla Ventures dựa trên mức định giá 1,2 tỉ đô la.

Sản phẩm nổi tiếng nhất của Eat Just là các chai trứng lỏng JUST Egg, làm từ đậu xanh, có thể đông kết khi nấu. Sản phẩm này được tung ra thị trường vào tháng 4 năm ngoái và hiện có bán tại 17.000 điểm bán lẻ của các chuỗi siêu thị của Kroger, Walmart và Mariano’s ở Mỹ.

Eat Just cho biết tính đến tháng 8, công ty này đã tiêu thụ được doanh số JUST Egg tương đương 50 triệu quả trứng.
Andrew Noyes, người phát ngôn Eat Just nói: “Là một công ty tăng trưởng cao và đang tập trung vào việc mở rộng doanh thu và năng lực, chúng tôi thường xuyên thẩm định nguồn vốn để thực hiện sứ mệnh xây dựng một hệ thống thực phẩm an toàn và lành mạnh hơn”.

Noyes cho biết Eat Just đang nỗ lực để đạt được lợi nhuận hoạt động. Một khi chạm được cột mốc đó, Eat Just sẽ cân nhắc các phương án IPO. Hồi đầu năm nay, Just Eat ra mắt sản phẩm trứng ốp lết chế biến sẵn, cũng làm từ đậu xanh, có tên gọi JUST Egg Folded. Mỗi hộp JUST Egg Folded bao gồm bốn miếng trứng ốp lết chế biến sẵn có giá bán lẻ 4,99 đô la/Mỹ. Người dùng có thể hâm nóng các miếng trứng này trong lò vi sóng và kẹp vào bánh sandwich để ăn.

Mới đây, Just Eat cho biết phiên bản cải tiến của JUST Egg sẽ được chào mặt tại chuỗi siêu thị thực phẩm tươi Whole Foods Market của Amazon vào cuối năm nay. Phiên bản cải tiến này là một phần trong nỗ lực của Eat Just nhằm đổi mới sản phẩm để giống với trứng gà hơn. Sản phẩm mới sẽ cạnh tranh trứng gà thật trên ba phương diện mùi vị, kết cấu và giá cả

Eat Just đặt mục tiêu giảm giá JUST Egg về mức giá thấp hơn trứng gà, đang có giá 8,6 cent/quả ở Mỹ. Giám đốc điều hành Eat Just, Josh Tetrick, nói: “Những tiêu dùng đang yêu thích phiên bản JUST Egg hiện tại sẽ thấy rằng phiên bản mới có vị giống với trứng gà thật hơn.

Mở nhà máy ở Singapore, thâm nhập thị trường châu Á

Trong tuần này, Eat Just cho biết đang thành lập công ty con ở châu Á có tên gọi Eat Just Asia thông qua một thỏa thuận hợp tác với Công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân Proterra Investment Partners. Thỏa thuận này sẽ bao gồm kế hoạch xây dựng nhà máy đầu tiên của Eat Just ở châu Á , đặt tại Singapore.

Proterra Investment Partners sẽ đầu tư 100 triệu đô la vào nhà máy này, trong khi đó, Eat Just sẽ góp 20 triệu đô la. Eat Just Asia sẽ tập trung xây dựng chuỗi cung ứng để phục vụ hoạt động sản xuất và phân phối sản phẩm JUST Egg khắp châu Á. Ngoài sản phẩm Just Egg, hai bên cũng đang đàm phán mở rộng hợp tác để phát triển các loại thịt thật sản xuất từ tế bào động vật được nuôi trồng phòng thí nghiệm.

Các đối tác phân phối hiện tại của Eat Just ở châu Á bao gồm SPC Samlip (Hàn Quốc), Betagro (Thái Lan) và một đối tác mới chưa công bố tên ở Trung Quốc. Hiện tại, sản phẩm JUST Egg đã có mặt trên các nền tảng thương mại của Alibaba và JD.com. Hồi tháng 3, Eat Just cho biết sẽ tập trung mở rộng sự hiện diện trên toàn cầu trong năm nay thông qua các đối tác ở Bắc Mỹ, Mỹ Latin, châu Âu và châu Á.

Những tháng sau đó, công ty này cho biết đã ký kết nhiều thỏa thuận phân phối JUST Egg với các đối tác như Công ty phân phối và sản xuất thực phẩm Michael Foods (Mỹ) và Công ty sản xuất thực phẩm chay Emsland Group, (Đức)

Tại châu Á, nhu cầu thực phẩm làm từ các thực vật tăng mạnh trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19, một phần là do các mối lo ngại về an toàn của các loại thịt động vật. Hồi tháng 4, hãng tin Reuters cho biết doanh số JUST Egg trên nền tảng Tmall của Alibaba và JD.com tăng 30% kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc.

Các startup sản xuất ‘thịt thực vật’ khác cũng đang tập trung vào thị trường châu Á. Hồi tháng 3, Impossible Foods (Mỹ) , startup chuyên sản xuất nhân ‘thịt thực vật’ cho bánh hamburger, thông báo chi 500 triệu đô la để mở rộng sự hiện ở châu Á.

Tại Đông Nam Á, các startup sản xuất thịt thay thế cũng đang xuất hiện. Hồi tháng 7, starup Karana (Sinpaore) thông báo đã huy động được 1,7 triệu đô la trong vòng gọi vốn hạt giống để sản xuất ‘thịt heo’ với thành phần từ mít. Hồi tháng 6, startup công nghệ thực phẩm Phuture Foods (Malaysia) đã ra mắt sản phẩm ‘thịt heo’ làm từ nhiều thành phần thực vật.

Theo Bloomberg, Tech Crunch

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Covid   Covid-19   Reuters   Trung Quốc   sản xuất   thực phẩm  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...