17/04/2021 10:26  
TP HCMSau 8 giờ làm việc ở nhà máy, tối đến nhiều công nhân theo chương trình đại học do Liên đoàn Lao động thành phố mở lại tới giảng đường.

Nhà máy đóng ở Hóc Môn giáp Long An, lớp học tận trung tâm thành phố nên con đường đến trường mỗi tối của ông Nguyễn Anh Vũ (52 tuổi, công nhân Xí nghiệp in tài chính) dài hơn 55 km. Gần 4 năm theo lớp Quản trị kinh doanh, hệ vừa học vừa làm (do Liên đoàn lao động TP HCM phối hợp Đại học Kinh tế tổ chức), ông Vũ chưa nghỉ buổi nào.

"Được đi học là hạnh phúc", ông Vũ mỉm cười. Người đàn ông có mái tóc hoa râm, cặp kính lão xệ xuống sống mũi là sinh viên cao tuổi nhất của lớp 60 thành viên, chủ yếu là công nhân các nhà máy, phân xưởng đóng ở thành phố. Ngày nhận quyết định nhập học, ông phải véo tay mấy cái xem mình đang mơ không bởi việc học của bản thân vốn lắm gian nan.

Năm 1984, học xong lớp 10 ông Vũ ở nhà phụ giúp gia đình. Khi là công nhân lành nghề, có vợ con, năm 2005 ở tuổi 36, nam công nhân cắp sách đến trường học tiếp phổ thông hệ bổ túc. Mười năm sau, ông quyết định học chương trình cử nhân quản trị kinh doanh do Liên đoàn lao động TP HCM tổ chức. Với ông, học không phải để được lên lương hay chức vụ cao mà giúp "suy nghĩ của mình không bị tù đọng", tự tin nói chuyện với hai con trai đang trưởng thành.

Lớp học bắt đầu từ 18h nên con đường đến trường của ông Vũ gắn với kẹt xe triền miên. Có những hôm mắc mưa, ông vào lớp học người ướt nhẹp, run cầm cập, răng va vào nhau. Thế nhưng ông luôn cho rằng mình không vất vả mà vợ mới là người chịu cực nhất. Năm 2017, ông và con trai đầu cùng vào đại học, thu nhập không cao, cả nhà phải chi tiêu tằn tiện nhưng vợ luôn động viên ông chăm lên lớp. Công ty cũng tạo điều kiện cho ông tan ca sớm, giữ nguyên lương.

Ông Vũ thấy mình là người may mắn, được sự giúp đỡ khi đi học. Cho nên dù mắc chứng đau đầu mãn tính, trí nhớ giảm sút, ông luôn cố gắng hoàn thành khóa học. Hiện, ông "nợ" hai môn, chưa hoàn thành số tín chỉ tiếng Anh chương trình quy định. Tuy nhiên với sự trợ giúp đắc lực của con trai, ông quyết tâm lấy bằng cử nhân trong năm nay.

Cũng vì gia cảnh khó khăn nên hết cấp 3, chị Nguyễn Thị Phương Thúy, 30 tuổi, nhân viên tạp vụ một cơ quan trụ sở quận 1, không có điều kiện học cao hơn. Năm 2018, một số anh chị trong cơ quan biết về lớp học đã động viên cô em nhỏ tuổi nhất đội tạp vụ đăng ký xét tuyển. Thúy chần chừ, sợ mình không thu nạp nổi kiến thức. Nhưng rồi muốn có công việc tốt hơn, cô quyết định theo học và hình dung những khó khăn về tài chính, quỹ thời gian những ngày sắp tới.

Hai năm học ngành Luật Kinh doanh đã cho Thúy những trải nghiệm khó quên. Ở học kỳ thứ hai, Thúy mang thai. Công việc hàng ngày gần như ngốn hết sức lực của cô. Chồng cũng bận công việc không hỗ trợ cô được nhiều. Tối đến, Thúy khệ nệ bụng bầu, len qua dòng người ken đặc trên đường đến lớp. Những cơn thèm ngủ, thèm ăn, đầu óc mơ màng, kiến thức như thách đố..., cô thừa nhận không ít lần muốn bỏ cuộc.

Thử thách lớn nhất của người mẹ trẻ chính là nỗi nhớ con nhỏ. Rời nhà từ 5h, trở về khi 22h, con đã ngủ, nên Thúy hay tranh thủ giờ nghỉ trưa ngắn ngủi, chạy xe thật nhanh về nhà ở quận 8 để ôm con. Những ngày đứa bé ốm sốt, người mẹ trẻ ngồi học mà lòng như lửa đốt chỉ mong thời gian trôi mau để về nhà.

Ông Hồ Xuân Lâm, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động TP HCM cho biết, xuất phát từ nhu cầu nâng cao kiến thức, tháng 8/2017 liên đoàn phối hợp Đại học kinh tế TP HCM mở chương trình đại học dành cho công nhân. Đây là mô hình vừa làm vừa học đầu tiên trong cả nước giúp người lao động nâng cao trình độ, chủ động thích ứng cách mạng công nghiệp. Chương trình đến nay đã có hai khóa học chuyên ngành kế toán và quản trị kinh doanh với gần 100 học viên.

Muốn tham gia chương trình, người lao động nộp học bạ xét tuyển. Khóa học kéo dài trong 3 năm rưỡi, một tuần học 3-4 buổi tối. Quá trình học, công nhân được hỗ trợ vay đóng học phí từ Quỹ trợ vốn cho người nghèo tự tạo việc làm (CEP). Đại học Kinh tế TPHCM cũng tạo mọi điều kiện như miễn giảm học phí, vận động sinh viên chính quy hỗ trợ, cùng công nhân học tập.

Ông Nguyễn Xuân Quân, Hiệu phó Trường trung cấp công đoàn TP HCM (đơn vị phối hợp đào tạo) cho hay, nhu cầu đi học, nâng cao kiến thức của công nhân rất lớn. Tuy nhiên thời gian và tài chính eo hẹp nên nhiều người không thể đi tới đích. Do đó khóa học thiết kế chương trình, thời gian phù hợp với công nhân. Hiện, chương trình chờ quyết định UBND thành phố cho phép liên kết, mở thêm nhiều chuyên ngành đào tạo phù hợp để người lao động thêm lựa chọn.

Lê Tuyết

Nguồn tin: vnexpress.net


HCM   Kinh doanh   Kinh tế   TPHCM   hành vi   kế toán  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...