06/12/2021 13:10  
Nấm truffle được ví như "món quà Chúa ban" nhưng hành trình săn tìm rất khó khăn nên nó còn được mệnh danh là "kim cương sa mạc".

"Nấm truffle đây, hãy mua món phước lành từ Chúa nào", Zahra Buheir cẩn thận giơ những cục nấm vẫn còn lấm lem đất cát khoe nó giữa các ngón tay chai sạn và chào mời khách hàng.

Bất chấp thời tiết khắc nghiệt của vùng sa mạc phía nam Iraq cũng như những mỏ đất còn sót lại, ông Buheir cùng 7 người trong gia đình dành nhiều tuần liền để săn tìm thứ nấm cục quý hiếm này. Nhờ đó đã mang lại cho họ nguồn thu nhập suốt nhiều thế hệ.

Năm nay, những người thợ "săn nấm" kiếm được 7 USD một cân nấm cục truffle sa mạc. Thứ nấm này rẻ hơn "người anh em" ở châu Âu - nấm truffle trắng hoặc đen có giá lên tới hàng trăm USD/kg. Nhưng với nền kinh tế đang gặp khủng hoảng như ở Iraq, đây là "sự cứu trợ" lớn cho nhiều gia đình.

Mùa mưa năm nay đến muộn, ông lão Buheir chỉ kiếm được khoảng 1 kg mỗi ngày, bằng một phần mười số lượng ông từng đào được so với những năm trước khi mưa gió thuận hòa hơn.

Lật từng viên đá, chọc đất bằng tay không, cháu gái ông Buheir, bé Riyam, 5 tuổi, sớm theo cha mẹ sống trong những túp lều ở sa mạc để kiếm nấm.

"Khi chẳng có việc thì kiếm nấm cục trở thành nguồn thu nhập chính. Chúng tôi rất hạnh phúc khi ở đây", anh Mohsen Farhan, cha của Riyam, chia sẻ.

Đương nhiên, học cách kiếm tìm nấm cũng đồng nghĩa với việc phải biết sa mạc nguy hiểm thế nào.

"Chúng tôi rất sợ sói. Ở sa mạc này nhiều lắm, và cả mìn nữa. Mới đây, một người đã chết đấy", anh Farhan nói.

Tàn tích từ cuộc chiến tranh vùng Vịnh xảy ra năm 1991 với những thiết bị chưa nổ dưới lòng đất có thể khiến "thợ săn" nhầm tưởng là nấm cục nếu nhìn lướt qua bằng mắt thường.

Cứ vài ngày, những thương lái lại đánh xe tới sa mạc để mua nấm ra chợ bán. Năm nay, sự khan hiếm mặt hàng này đã đẩy giá thành lên cao. Nấm cục không bán trong nước mà xuất khẩu sang các quốc gia vùng Vịnh giàu có hơn.

Ra'ad Abdelemir, một thương nhân, phân loại nấm truffle cẩn thận. Chúng được định giá theo kích cỡ. Đôi khi chúng được gọi là quả óc chó, quả lựu, cam... tùy theo kích cỡ.

Những năm thuận trời, cơn giông đem nước tới sa mạc phía đông Địa Trung Hải. Tới mùa xuân, mặt đất nứt ra. Có thể đó là dấu hiệu nấm truffle đang bên dưới. Một mùa thu hoạch có lịch sử lâu đời lại bắt đầu.

Các nhà nghiên cứu mô tả thứ nấm này là "một loài thú vị và bí ẩn" bởi chúng có thể thích nghi, sinh trưởng ở nơi khô cằn nhất thế giới. Ở khu vực phía nam của Iraq, các phiên chợ mùa xuân chuyên bán mặt hàng này. Trong khi đó tại Kuwait, người ta còn dựng cả chợ tạm để bán chúng.

Trên thế giới hiện có khoảng 70 loại nấm cục, trong đó, 32 loại tìm thấy ở châu Âu. Số còn lại xuất hiện ở Bắc Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Syria và Kuwait. Tuy có "họ hàng xa" với nấm truffle châu Âu nhưng chúng có mùi hăng hơn nên ít khi bị nhầm lẫn với nhau.

Quốc Việt

Theo Reuters/ News

Nguồn tin: dantri.com.vn


Reuters   Thổ Nhĩ Kỳ   bí ẩn   khủng hoảng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...