25/12/2021 7:15  
Thế giới năm 2021 tiếp tục có những bất ổn tại nhiều khu vực, từ y tế, chính trị, quân sự đến tài chính, biến đổi khí hậu. Sau đây là top 10 sự kiện gây chú ý nhiều nhất trong năm qua, do Doanh Nhân Sài Gòn lựa chọn.

1. Đại dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát với nhiều biến chủng mới

Đại dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành trong năm 2021 tại hầu hết các nước và cướp đi nhiều sinh mạng. Hiện thế giới đã có hơn 275 triệu ca nhiễm và gần 5,4 triệu người tử vong. Ngày càng nhiều biến chủng mới của SARS-CoV-2 được phát hiện với khả năng lây nhiễm nhanh hơn, nhất là chủng Delta và Omicron. Trong khi đó, tình trạng khan hiếm vaccine càng khiến thế giới bị chia rẽ, khi các nước giàu tiêm chủng rộng rãi và triển khai mũi tăng cường, còn những nước nghèo dịch bệnh bùng phát mạnh khiến hệ thống y tế quá tải và thiếu hụt vaccine trầm trọng.

2. JOE Biden trở thành Tổng thống Mỹ

Ngày 20/1/2021, Joe Biden tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ, kết thúc những ồn ào của cuộc bầu cử kéo dài suốt nhiều tháng trước đó. Sau khi lên nắm quyền, ông Joe Biden đã nhanh chóng thực hiện lời hứa tăng cường quan hệ với các đồng minh của Mỹ, trở lại với các hiệp định, thỏa thuận quốc tế mà Mỹ đã rút ra dưới thời Tổng thống Donald Trump. Về đối nội, ông Biden triển khai hàng loạt gói kích thích kinh tế, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng và đề xuất tăng thuế người giàu để cải thiện ngân sách.

3. Bất ổn chính trị tại Myanmar

Tháng 2/2021, lực lượng quân đội Myanmar tiến hành đảo chính, bắt giữ các nhà lãnh đạo dân cử dẫn đến khủng hoảng chính trị và đẩy quốc tế vào thế chia rẽ về tình hình tại Myanmar, kéo theo một loạt biện pháp trừng phạt của các nước phương Tây. Sự bất ổn ở Myanmar trở thành bài thuốc thử với ASEAN - vốn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, cả trong khối cũng như bên ngoài.  

4. Khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu

Ngày 27/3/2021, tàu chở container Ever Given đã bị mắc kẹt tại kênh đào Suez, gây tắc nghẽn tuyến đường biển quan trọng suốt 6 ngày, vào đúng thời điểm thế giới quay cuồng vì những vấn đề liên quan tới chuỗi cung ứng. Sự kiện Ever Given càng cho thấy chuỗi cung ứng toàn cầu đang ở thế lung lay và dễ đứt gãy kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.

5. Siêu chu kỳ tăng giá hàng hóa

Đứt gãy chuỗi cung ứng, giá vận tải biển leo thang, tiền rẻ tràn ngập, sự thiếu hụt năng lượng ở Trung Quốc và triển vọng kinh tế phục hồi đã cùng hợp sức đẩy giá nhiều loại hàng hóa tăng vọt trong năm 2021, từ năng lượng, nhiên liệu, kim loại, cho đến nông sản, thực phẩm. Siêu chu kỳ tăng giá hàng hóa trở lại không chỉ đe dọa lộ trình phục hồi kinh tế, mà còn kéo theo áp lực lạm phát, buộc các nước phải thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn, đưa đến nguy cơ nền kinh tế nhiều nước rơi vào tình trạng đình đốn.

6. Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, Taliban quay lại nắm quyền

Giữa tháng 8, Mỹ đã rút những binh sĩ cuối cùng khỏi Afghanistan, chấm dứt cuộc chiến sa lầy 20 năm tại quốc gia Trung Á này. Ngay sau đó, lực lượng Taliban mau chóng khôi phục quyền lực. Thủ đô Kabul thất thủ vào ngày 15/8/2021, khiến hàng nghìn người mắc kẹt tại thủ đô tìm cách đào thoát, làm bùng phát một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Việc chính quyền Biden rút quân khỏi Afghanistan là dấu hiệu cho thấy Mỹ muốn tập trung vào chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương.

7. Thỏa thuận AUKUS

Ngày 15/9/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Úc Scott Morrison và Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố lập quan hệ đối tác an ninh ba bên mang tên AUKUS. Phần quan trọng nhất của thỏa thuận này là Mỹ cam kết cung cấp cho Úc công nghệ để đóng 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân (nhưng không trang bị vũ khí hạt nhân). Tuyên bố trên cho rằng AUKUS là cần thiết để duy trì an ninh và ổn định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trung Quốc đã lên án hiệp ước này là "vô trách nhiệm" và "phân cực".

8. Nhiều quốc gia muốn gia nhập CPTPP

Chỉ một ngày sau khi Mỹ, Anh và Úc tuyên bố thành lập liên minh AUKUS, Trung Quốc đã gửi đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trước đó vào tháng 2, nước Anh cũng đã đề nghị về việc gia nhập CPTPP. Cả Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Indonesia đều đã bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia CPTPP. Dù vậy, giới phân tích cho rằng Mỹ có lẽ sẽ tìm cách thúc giục các nước đồng minh đang là thành viên CPTPP ngăn cản Trung Quốc gia nhập tổ chức này.

9. Khủng hoảng năng lượng toàn cầu

Kể từ cuối tháng 8/2021, tình trạng thiếu hụt năng lượng toàn cầu diễn ra ngày càng trầm trọng, gây ra lạm phát giá trên thị trường năng lượng quốc tế. Tình trạng thiếu hụt khí tự nhiên, dừng sử dụng năng lượng hạt nhân, sụt giảm sản lượng điện từ gió khiến các nước châu Âu phải đối mặt với một mùa Đông khắc nghiệt. Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã phải kiểm soát chặt chẽ việc tiêu thụ năng lượng, thậm chí áp dụng các biện pháp khẩn cấp như cắt điện tại Trung Quốc, ảnh hưởng nghiêm trọng lên hoạt động sản xuất của nền kinh tế và đời sống người dân.

10. Cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính 

Báo cáo của Liên Hiệp Quốc công bố vào tháng 8 cho rằng, nhân loại phải đối mặt với biến đổi khí hậu thảm khốc, trừ khi việc phát thải khí nhà kính được cắt giảm. Tại cuộc họp COP-26 ở Glasgow, Anh vào tháng 11, các nước cam kết từng bước giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, bao gồm cắt giảm phát thải khí metan. Hơn 40 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã cùng cam kết bỏ dần điện than và ngừng xây thêm các nhà máy nhiệt điện, chuyển sang năng lượng sạch.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Covid   Covid-19   Doanh Nhân   Donald Trump   Joe Biden   Trump   Trung Quốc   Tổng thống   Việt Nam   chiến lược   chính sách   hành vi   khủng hoảng   sản xuất   thực phẩm  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...