07/07/2022 15:15  
Khi các ca bệnh đậu mùa ở khỉ tiếp tục gia tăng trên toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang có kế hoạch đánh giá lại liệu căn bệnh này có phải là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng hay không? 

58 quốc gia có hơn 6.000 ca bệnh

Hồi cuối tháng 6, Ủy ban Khẩn cấp của WHO đã xác định rằng đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ không đủ đáp ứng các tiêu chí cho một tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Nhưng khi virus tiếp tục lây lan trên toàn cầu, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus muốn Ủy ban xem xét đánh giá một lần nữa, dựa trên dữ liệu mới nhất về dịch tễ học và diễn biến của đợt bùng phát.

WHO định nghĩa tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm, hay PHEIC, là "một sự kiện bất thường" tạo thành "nguy cơ sức khỏe cộng đồng đối với nhiều quốc gia do sự lây lan dịch bệnh" và có thể "cần cộng đồng quốc tế phối hợp hành động".

Trong tuyên bố mới nhất hôm 6/7, ông Tedros cho biết ông sẽ triệu tập Ủy ban Khẩn cấp của WHO từ ngày 18/7, hoặc sớm hơn nếu cần. Không che giấu vẻ lo ngại, ông Tedros cho biết: "Tôi tiếp tục lo ngại về bệnh đậu mùa khỉ, vì sự lan tràn của virus. Trên thế giới, hiện đã có hơn 6.000 ca bệnh được xác nhận ở 58 quốc gia. Châu Âu hiện là tâm chấn của đợt bùng phát, chiếm hơn 80% các ca bệnh trên toàn cầu". 

Ông cho biết, việc thử nghiệm căn bệnh này vẫn còn là một thách thức và số lượng bệnh nhân thực tế của bệnh đậu mùa khỉ có thể còn cao hơn. 

WHO đang làm việc với các quốc gia và nhà sản xuất vaccine để phối hợp chia sẻ vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ vốn đang khan hiếm, đồng thời cũng đang cố gắng truyền bá thông tin, phá vỡ sự kỳ thị đối với nhóm người nhiễm bệnh để bảo vệ họ. 

"Tôi muốn đặc biệt khen ngợi những người đang chia sẻ video trực tuyến qua các kênh truyền thông xã hội với nội dụng nói về các triệu chứng và kinh nghiệm của họ với bệnh đậu mùa khỉ. Đây là một cách tích cực để phá bỏ sự kỳ thị về một loại virus có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai", vị đứng đầu WHO nhấn mạnh. 

Hai ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở Singapore và châu Á

Hôm 21/6, Bộ Y tế Singapore đã xác nhận một trường hợp nhiễm bệnh đậu mùa khỉ, ca bệnh đầu tiên được xác nhận ở Đông Nam Á trong đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ năm nay. 

Theo Reuters, Bộ Y tế Singapore cho biết bệnh nhân có kết quả dương tính vào ngày 20/6 là một người đàn ông quốc tịch Anh 42 tuổi, làm nghề tiếp viên hàng không và đã bay đến Singapore khoảng giữa tháng 6. Tình trạng của người đàn ông được cho là ổn định và ông đang được điều trị tại Trung tâm Quốc gia về các bệnh truyền nhiễm ở Singapore.

Có tổng cộng 13 người liên hệ gần gũi với người đàn ông đã được xác định tính đến hôm 21/6 và tất cả sẽ bị cách ly trong 21 ngày kể từ lần tiếp xúc cuối cùng của họ với người nhiễm bệnh. Việc truy vết đang diễn ra đối với các chuyến bay có sự hiện diện của người đàn ông và trong thời gian ông trú ngụ ở Singapore.

Ca bệnh đậu mùa khỉ cuối cùng được phát hiện ở Singapore là ba năm trước.

Ngày 7/7, theo Bloomberg, Bộ Y tế Singapore thông báo có thêm một ca bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ. Đó là một người đàn ông 45 tuổi quốc tịch Malaysia. Việc nhiễm bệnh của ông không liên quan gì đến ca nhiễm của người đàn ông quốc tịch Anh công bố ngày 21/6. 

Người đàn ông đang trong tình trạng ổn định, bắt đầu xuất hiện các triệu chứng từ ngày 30/6 và có kết quả dương tính với virus ngày 6/7, hiện đang được điều trị ở Trung tâm Quốc gia về các bệnh truyền nhiễm. Bộ Y tế Singapore đã xác định được ba người liên hệ gần gũi với ca bệnh và tất cả đã bị cách ly trong 21 ngày.

Đảo quốc Singapore là quốc gia đầu tiên ở châu Á chính thức thông báo về trường hợp nhiễm virus đậu mùa khỉ tại địa phương. 

Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ

Bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh lây truyền từ động vật sang người do virus đậu mùa khỉ (Monkeypox virus) gây ra. Bệnh có triệu chứng gần giống bệnh đậu mùa ở người, nhưng mức độ lây lan chậm hơn và mức độ bệnh cũng nhẹ hơn. Ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên được ghi nhận trên người hồi năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Trong khi bệnh đậu mùa ở người đã được bài trừ trên thế giới từ năm 1980 nhờ chiến dịch chủng ngừa vacine, thì bệnh đậu mùa khỉ vẫn đang lưu hành tại 11 quốc gia khu vực Trung Phi và Tây Phi, thỉnh thoảng có các đợt dịch nhỏ bùng phát.

Triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, nhức đầu, đau nhức cơ, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, kiệt sức và phát ban trên da (bắt đầu trên mặt lan xuống cơ thể) có thể trông giống như mụn nhọt hoặc mụn nước. Cơ thể người bệnh bị phát ban trải qua các giai đoạn khác nhau, phát triển thành mụn mủ trước khi lành. Bệnh thường kéo dài từ hai tuần đến một tháng và có thể gây tử vong.

Theo WHO, việc lây truyền bệnh đậu mùa ở khỉ thường do tiếp xúc trực tiếp với chất dịch cơ thể, vết loét truyền nhiễm hoặc vật liệu bị ô nhiễm. Sự lây lan cũng có thể xảy ra qua tiếp xúc gián tiếp, chẳng hạn như qua quần áo hoặc giường bị nhiễm virus.

Bệnh đậu mùa khỉ cũng có thể lây lan qua dịch tiết đường hô hấp khi tiếp xúc mặt đối mặt kéo dài hoặc khi tiếp xúc cơ thể thân mật, chẳng hạn như hôn, âu yếm hoặc quan hệ tình dục. Là một người anh em họ của virus đậu mùa, bệnh đậu mùa khỉ trước đây chỉ giới hạn các quốc gia châu Phi nhưng các ca bệnh mới hiện đang lan rộng sang nhiều nước và châu Âu hiện là tâm chấn của đợt bùng phát hiện nay.

Dữ liệu ban đầu về đợt bùng phát cho thấy nam giới đồng tính nam và lưỡng tính cũng như nam giới có quan hệ tình dục đồng giới chiếm số lượng lớn các ca nhiễm, dẫn đến lo ngại của WHO về việc kỳ thị căn bệnh này trong cộng đồng LGBTQ.

Tuy nhiên, bất kỳ ai tiếp xúc gần với người có virus bệnh đậu mùa khỉ đều có thể bị mắc bệnh.

(*) Lược dịch Reuters, CNN, Bloomberg 

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Reuters   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...