07/02/2022 20:34  
Khi căng thẳng biên giới Nga - Ukraine leo thang, Trung Quốc đối mặt tình thế khó xử, khi phải duy trì quan hệ cân bằng với hai đối tác.

Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 4/2 tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin trong bầu không khí thân mật tại Bắc Kinh. Được cho đang ở giai đoạn nồng ấm nhất trong suốt 7 thập kỷ qua, mối quan hệ hai nước được Putin ca ngợi là gắn bó "chưa từng có".

Trong khi đó, tại biên giới Nga - Ukraine, hơn 100.000 quân Nga được triển khai, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ nổ ra chiến tranh trong cuộc khủng hoảng an ninh tồi tệ nhất châu Âu suốt nhiều thập kỷ.

Tình thế đẩy Trung Quốc vào cảnh khó xử, bởi Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Kiev và cũng là khách hàng mua thiết bị quân sự quan trọng của Ukraine. Từ năm 2016 tới 2020, Trung Quốc mua tới 36% tổng lượng vũ khí xuất khẩu của Ukraine, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI). Ukraine xuất khẩu khoảng 80-90 triệu USD vũ khí cho Trung Quốc hàng năm.

Cho đến nay, Bắc Kinh đang nỗ lực duy trì mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp với cả hai nước, khi công khai kêu gọi giải quyết cuộc khủng hoảng thông qua đối thoại và chủ yếu chĩa mũi dùi chỉ trích vào Mỹ. Nhưng quan điểm về Trung Quốc đã có những thay đổi ở Ukraine, theo giới quan sát tại Kiev.

Bắc Kinh và Kiev thiết lập quan hệ chính thức vào năm 1992 sau khi Liên Xô tan rã và trong nhiều thập kỷ, hai bên đã tạo dựng mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ.

Nằm ở phía bắc Biển Đen, Ukraine là hành lang thương mại quan trọng giữa châu Âu, châu Á và Trung Đông, khiến nó trở thành một tâm điểm quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Năm 2013, Ukraine bắt đầu bán ngô cho Trung Quốc và trở thành nhà cung cấp lớn nhất vào năm 2019, ước tính chiếm tới 80% lượng ngô nhập khẩu của Bắc Kinh. Cũng trong năm 2019, Trung Quốc vượt Nga trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine và vào năm 2020, một tuyến tàu chở hàng đã được mở giữa hai nước.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Xinhua tháng trước, Fan Xianrong, đại sứ Trung Quốc tại Ukraine, nói rằng các công ty Trung Quốc bày tỏ "ngày càng sẵn sàng" khám phá cơ hội đầu tư trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, xây dựng cảng, sản xuất phụ tùng xe hơi và sản xuất vaccine ở Ukraine.

Trung Quốc cũng là khách hàng mua công nghệ quân sự lớn từ Ukraine, nước thừa hưởng năng lực quân sự đáng kể từ Liên Xô. Kiev đã xuất khẩu động cơ máy bay, động cơ diesel cho xe tăng và tên lửa không đối không cho tiêm kích J-11, phiên bản sao chép từ chiến đấu cơ Su-27, trong khi hải quân Trung Quốc sử dụng động cơ của Ukraine cho tàu khu trục, theo báo cáo năm 2014 của Trung tâm Wilson.

Năm 1998, một doanh nhân Trung Quốc mua của Ukraine một tàu sân bay chưa hoàn thiện được phát triển từ thời Liên Xô. Con tàu sau đó được cải hoán, trở thành Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc được đưa vào hoạt động năm 2012.

Hai quốc gia cũng có mối quan hệ chính trị khá ổn định.

Hai chủ tịch Trung Quốc, gồm Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, từng tới thăm Ukraine. Năm 2011, trong chuyến thăm cấp nhà nước ở Kiev, ông Hồ Cẩm Đào và người đồng cấp Ukraine Viktor Yanukovych nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên "đối tác chiến lược". Yanukovych khi đó nói hai nước đã ký các thỏa thuận nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và năng lượng với tổng giá trị lên tới 3,5 tỷ USD.

Vào tháng 12/2013, tổng thống Yanukovych tới Bắc Kinh gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, khi các cuộc biểu tình bắt đầu nổ ra ở Ukraine để phản đối ông từ chối ký thỏa thuận thương mại tự do và hợp tác chính trị với Liên minh châu Âu (EU). Trung Quốc và Ukraine khi đó cam kết "hỗ trợ lẫn nhau trong các vấn đề liên quan tới chủ quyền quốc gia, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ", đồng thời thắt chặt thêm quan hệ đối tác chiến lược.

Trong chuyến thăm này, Trung Quốc cũng đưa ra "đảm bảo an ninh hạt nhân" cho Ukraine, nước thừa hưởng khoảng 3.000 vũ khí hạt nhân từ Liên Xô nhưng đã đồng ý giải trừ vào năm 1994.

Đầu năm 2014, Yanukovych bị phong trào biểu tình Maidan lật đổ, thay thế bằng một chính quyền mới được cho là thân thiện hơn với châu Âu. Tuy nhiên, trong động thái khiến nhiều người ngạc nhiên, Bắc Kinh và Kiev năm ngoái ký thỏa thuận hợp tác về cơ sở hạ tầng, xây dựng các con đường, cầu cống và tuyến đường sắt.

Sau đó, cuộc khủng hoảng biên giới Ukraine leo thang, khi Nga điều quân tới biên giới phía tây, đưa ra loạt đề xuất an ninh, trong đó có yêu cầu NATO không được kết nạp Ukraine làm thành viên. Để đáp trả, Mỹ tăng thêm quân đến châu Âu, đồng thời đe dọa áp lệnh trừng phạt nếu Nga động binh.

Xuyên suốt cuộc khủng hoảng, Bắc Kinh liên tục kêu gọi Moskva và Kiev đối thoại trực tiếp, nhưng tại Liên Hợp Quốc tuần trước, Trung Quốc là quốc gia duy nhất cùng với Nga bỏ phiếu chống ngăn Hội đồng Bảo an triệu tập cuộc họp về vấn đề này.

Sergiy Gerasymchuk, phó giám đốc điều hành Ukrainian Prism, tổ chức nghiên cứu an ninh ở Kiev, nói khi căng thẳng Nga - Ukraine leo thang, đã có "một vài yếu tố khác" trong nhận thức của người dân Ukraine về Trung Quốc.

Trước đây, người Ukraine thường coi Trung Quốc là quốc gia có nền kinh tế hùng mạnh và là đối tác quan trọng không tiềm ẩn mối đe dọa. Thế nhưng, quyết định cùng Nga bỏ phiếu chống tại Hội đồng Bảo an mới đây đã khiến nhiều người Ukraine có cái nhìn tiêu cực với Trung Quốc, ngay cả khi nó được thúc đẩy bởi lợi ích của riêng Bắc Kinh, chứ không liên quan gì tới Kiev.

"Giữ quan điểm trung lập về địa chính trị, tránh ủng hộ Nga tại các tổ chức quốc tế như LHQ và luôn là đối tác thương mại đáng tin cậy của Ukraine sẽ là cách tiếp cận cân bằng và được đánh giá cao ở Kiev", Gerasymchuk nói.

Yurii Poita, người phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Mạng lưới Nghiên cứu Địa chính trị mới ở Kiev, nói rằng dù giới lãnh đạo chính trị Ukraine không bình luận công khai về những quyết định như vậy và "vẫn cố gắng duy trì quan hệ thân thiện với Trung Quốc", nhiều học giả nước này đánh giá Trung Quốc đang nghiêng về phía Nga.

Poita nói Moskva và Bắc Kinh đang thể hiện sự đoàn kết trước áp lực chung từ phương Tây, nhưng Trung Quốc cũng đối mặt với những rủi ro.

"Nga sẽ tiếp tục tận dụng điều này, ngày càng cố gắng kéo Trung Quốc về phía họ trong cuộc đối đầu với phương Tây", ông nói.

Nhưng Yang Cheng, chủ tịch Học viện Quản trị Toàn cầu và Nghiên cứu Khu vực Thượng Hải thuộc Đại học Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải, cho rằng cả Nga và Ukraine đều có "những giá trị riêng" đối với Trung Quốc và Bắc Kinh sẽ không chọn phe giữa hai bên.

"Không bao giờ Trung Quốc phải băn khoăn chọn phe này hay phe kia", Yang nói. "Trung Quốc hy vọng tình hình ở Ukraine sẽ hạ nhiệt hoặc được giải quyết thông qua biện pháp ngoại giao, đồng thời các lực lượng bên ngoài không can thiệp vào công việc nội bộ của các bên".

Thanh Tâm (Theo SCMP)

Nguồn tin: vnexpress.net


Trung Quốc   Tổng thống   chiến lược   căng thẳng   hành vi   hợp tác   khủng hoảng   sân bay   sản xuất   thực phẩm  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...