24/12/2021 16:25  
Trong bối cảnh Omicron lây lan, thế giới ghi nhận nhiều tin tức tốt liên quan đến vaccine, thuốc điều trị Covid-19 và độ nghiêm trọng của triệu chứng do biến chủng.

Tính đến giữa tháng 12, Omicron đã lan ra khắp thế giới, với hơn 80 quốc gia ghi nhận ca nhiễm cộng đồng. Omicron đang dần trở thành chủng trội ở châu Âu và Anh. Số ca nhiễm mới hàng ngày tăng vọt lên hơn 100.000.

Pháp trải qua ngày tồi tệ nhất của dịch bệnh hôm 23/12, ghi nhận hơn 91.000 ca nhiễm. Đức ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì biến chủng. Tại Italy, quốc gia phương Tây đầu tiên bị ảnh hưởng bởi làn sóng Covid-19 năm ngoái, chính phủ cấm tất cả các hoạt động lễ hội dịp năm mới.

Omicron có khả năng lây nhiễm cao, né tránh được phần nào miễn dịch từ vaccine. Các chuyên gia cảnh báo đại dịch còn lâu mới kết thúc.

Giữa bối cảnh biến chủng lây lan mạnh, giới khoa học nhìn thấy tín hiệu tươi sáng từ vaccine, thuốc và bản thân virus.

Triển vọng từ hai loại thuốc viên điều trị Covid-19

Hai ngày trước Giáng sinh, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) xác nhận hai loại thuốc viên chống Covid-19 là molnupiravir của Merck và paxlovid của Pfizer đều hiệu quả chống biến chủng. Quyết định đưa ra sau khi Cơ quan Thuốc châu Âu cấp phép paxlovid.

Thuốc sẽ được bán rộng rãi (theo đơn) tại các hiệu thuốc và cơ sở y tế trên toàn quốc, chỉ định cho người nhiễm nCoV từ nhẹ đến trung bình, có nguy cơ chuyển nặng, dễ nhập viện hoặc tử vong. Cả paxlovid và molnupiravir đều hiệu quả nhất nếu uống trong 5 ngày đầu khởi phát triệu chứng.

Kể từ khi đại dịch bùng phát, giới khoa học đặt nhiều kỳ vọng vào các phương pháp điều trị tiện lợi và dễ dàng. Đột biến ở vỏ nCoV không ảnh hưởng đến hiệu quả của paxlovid, bởi đây không phải thành phần mà thuốc nhắm đến tiêu diệt.

Molnupiravir và paxlovid chỉ là sự khởi đầu. Khi Omicron đang hoành hành và các biến chủng khác tiếp tục xuất hiện, giới khoa học cho rằng thế giới cần kho thuốc dồi dào để chống lại những kẻ thù mới, đặc biệt nếu biến chủng có khả năng làm giảm hiệu quả của vaccine.

Nhiều chuyên gia đang nghiên cứu một loại thuốc thế hệ tiếp theo, nhắm mục tiêu chính xác vào những điểm yếu trong cấu trúc phân tử của nCoV. Số khác kiểm tra xem nên dùng kết hợp hay độc lập các thuốc viên trị Covid-19.

Tiến sĩ Sara Cherry, chuyên gia virus tại Trường Y Perelman, Đại học Pennsylvania, cho rằng sự ra đời của hai loại thuốc kháng virus là "tin tức thú vị", đặc biệt khi Omicron đang lan rộng.

Nhóm của tiến sĩ Cherry đang thử nghiệm kết hợp molnupiravir và paxlovid. Phân tích ban đầu cho thấy dùng chung hai loại thuốc giúp điều trị Covid-19 hiệu quả hơn.

Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn cấp cao về bệnh truyền nhiễm của chính phủ Mỹ, nhận định: "Virus là những sinh vật quỷ quyệt. Bạn phải đi trước chúng một bước. Ý tưởng ‘chỉ cần có một hoặc hai loại thuốc hiệu quả’ là quá ngây thơ, nhất là so với một mầm bệnh đã giết chết 76.000 người Mỹ".

Người mắc Omicron tỷ lệ nhập viện thấp hơn Delta

Tín hiệu tích cực tiếp theo đến từ Scotland và Nam Phi. Hai quốc gia cho biết tỷ lệ nhập viện do nhiễm Omicron dường như thấp hơn Delta và các chủng virus khác.

Nghiên cứu đầu tiên do Viện Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Nam Phi công bố trên trang web medRxiv. Các nhà khoa học phát hiện tỷ lệ chuyển nặng và nhập viện ở bệnh nhân nhiễm Omicron thấp hơn 70-80% so với Delta và các biến chủng khác. Nguy cơ tiến triển nghiêm trọng, cần đáp ứng oxy hay vào khoa hồi sức tích cực của người nhiễm Omicron nhập viện cũng thấp hơn so với các biến chủng khác.

Đây là bằng chứng mới cho thấy Omicron gây triệu chứng nhẹ hơn ở những cộng đồng có mức độ miễn dịch cao. Điều chưa rõ ràng là liệu độc lực của Omicron có thực sự yếu hơn virus trước đó hay không.

Nghiên cứu tại Scotland cho kết quả tương tự. Các nhà khoa học tại Đại học Edinburgh đã thu thập dữ liệu sức khỏe của 5,4 triệu người bệnh nước này và kết luận nguy cơ nhập viện vì Omicron thấp hơn hai phần ba so với Delta. Chris Roberston, giáo sư dịch tễ tại Đại học Strathclyde, cho biết: "Số người nhập viện sẽ thấp hơn so với dự đoán".

Cả hai nhóm nghiên cứu đều nhận định cần có thêm dữ liệu để thấy được bức tranh hoàn chỉnh về triệu chứng sau nhiễm Omicron. Giáo sư Robertson nói dữ liệu từ Scotland là sơ bộ. Phần lớn ca nhiễm trong nghiên cứu đều ở người từ 20 đến 59 tuổi - những bệnh nhân ít có nguy cơ chuyển nặng. Dân số Nam Phi cũng có độ tuổi trung bình trẻ hơn so với Mỹ và châu Âu.

Liều tăng cường vaccine Covid-19 hiệu quả với Omicron

Đầu tháng 12, Pfizer cho biết liều thứ ba của vaccine cung cấp khả năng bảo vệ mạnh mẽ trước biến thể Omicron. Theo đó, lượng kháng thể trung hòa ở người tiêm hai liều vaccine giảm 25 lần trước biến chủng Omicron so với chủng nCoV gốc. Tuy nhiên, sau khi tiêm liều thứ ba, lượng kháng thể tăng 25 lần.

Thông báo từ Pfizer mở đầu cho chuỗi tin tức tích cực của các hãng dược khác. Moderna và AstraZeneca báo cáo kết quả tương tự.

Ngày 20/12, Moderna cho biết liều tăng cường vaccine Covid-19 của hãng phản ứng tốt trước biến chủng Omicron. Đây là kết quả sơ bộ từ các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, cho thấy liều tăng cường và vaccine nói chung của hãng có thể đẩy lùi các biến chủng đáng lo ngại.

Theo Moderna, liều thứ ba (50 microgam) nâng mức kháng thể trung hòa của vaccine lên 37 lần so với hai liều đầu tiên. Nếu tiêm 100 microgam, mức kháng thể thậm chí tăng lên khoảng 83 lần. Tác dụng phụ sau tiêm giống hai liều tiêu chuẩn, tuy nhiên người tiêm liều 100 microgam có nhiều phản ứng bất lợi hơn.

AstraZeneca cũng thông báo liều thứ ba (có tên gọi Vaxzevria) hiệu quả với Omicron. Thử nghiệm cho thấy nồng độ kháng thể sau khi tiêm nhắc lại ở tình nguyện viên cao hơn kháng thể từ nhiễm bệnh tự nhiên, đủ để ngăn ngừa biến chủng Omicron. Liệu trình ba liều chống biến chủng Omicron hiệu quả ngang với liệu trình hai liều chống Delta.

Phân tích của các nhà nghiên cứu Đại học Hoàng gia London, công bố ngày 18/12, cũng cho thấy vaccine tăng cường nói chung hiệu quả 80-85,9% trong việc ngăn bệnh chuyển nặng ở người nhiễm Omicron. Tỷ lệ thấp hơn so với các biến chủng trước đó, song vaccine vẫn giúp nhiều người không phải nhập viện.

Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng phê duyệt thêm vaccine Novavax dành cho người từ 18 tuổi trở lên, bổ sung vào kho vũ khí chống Covid-19 trong năm 2022.

Thục Linh (Theo Reuters, NY Times, We Forum)

Nguồn tin: vnexpress.net


Covid   Covid-19   Reuters   chuyên gia  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...