29/06/2022 11:15  
Việc Trung Quốc ngày càng quan tâm tới các vấn đề an ninh tại Sừng châu Phi phù hợp với sự hiện diện đáng kể của nước này ở khu vực.

Sừng châu Phi là phần cực Đông của châu Phi, gồm các quốc gia Djibouti, Ethiopia, Eritrea và Somalia, với diện tích khoảng 2 triệu km2, 130 triệu người sinh sống. Sừng châu Phi đang đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng gồm nội chiến, xung đột, nạn đói. Khu vực này còn chứng kiến tình trạng leo thang căng thẳng giữa Ethiopia với Sudan do tranh chấp đập nước Blue Nile.

Việc Trung Quốc ngày càng quan tâm tới các vấn đề an ninh tại Sừng châu Phi phù hợp với sự hiện diện đáng kể của nước này ở khu vực. Cộng hòa Djibouti là nơi Trung Quốc đặt căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài; đầu tư khai thác dầu mỏ ở Sudan và Nam Sudan; đặt các nhà máy sản xuất ở Ethiopia và xây dựng cơ sở hạ tầng. Kể từ năm 2000, Trung Quốc đã đầu tư gần 2 tỷ USD vào Ethiopia và cung cấp các khoản vay trị giá 13,7 tỷ USD. Ethiopia nằm trong tốp 5 quốc gia châu Phi nhận vốn đầu tư nhiều nhất từ Bắc Kinh.

Tuy nhiên, khu vực này gần đây đang bị rung chuyển bởi cuộc chiến lan từ khu vực Tigray phía Bắc Ethiopia. Đặc phái viên Trung Quốc Xue Bing, trong bài phát biểu tại Hội nghị Hòa bình khu vực do Trung Quốc tổ chức mới đây ở thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, bao gồm ngoại trưởng hoặc đại biểu các nước Sudan, Somalia, Nam Sudan, Kenya, Uganda và Djibouti đã lưu ý đến "các vấn đề phức tạp và đan xen về sắc tộc, tôn giáo và ranh giới" trong khu vực và lưu ý rằng chúng có thể "khó xử lý, vì nhiều vấn đề trong số đó có từ thời thuộc địa". 

Ngoài Hội nghị Hòa bình khu vực ở châu Phi, Trung Quốc cũng tổ chức một sự kiện thứ hai là Hội nghị Trực tuyến thượng đỉnh các nhà lãnh đạo nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì. 

Không chỉ tăng cường sự hiện diện và ảnh hưởng ở châu Phi, Trung Quốc - vốn đang đảm nhiệm vị trí chủ tịch luân phiên của BRICS năm nay, gần đây tỏ ý định muốn mở rộng khối BRICS, hiện gồm các nền kinh tế mới nổi là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Khối này được thành lập vào năm 2009 và Nam Phi gia nhập vào năm 2010. BRICS hiện chiếm hơn 16% thị phần thương mại toàn cầu và đại diện cho hơn 40% dân số thế giới.

Vào cuối tháng 5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết nước này hoan nghênh đề xuất của Trung Quốc về việc mở rộng BRICS. Bắc Kinh hiện chưa cho biết chính xác nước nào sẽ trở thành thành viên mới của nhóm, nhưng hiện có một ứng cử viên tiềm năng đó là Argentina. 

Với kỳ vọng thay đổi cán cân kinh tế toàn cầu, BRICS đặt mục tiêu sẽ trở thành các nền kinh tế thịnh vượng nhất thế giới. Trong nhiều năm qua, mối quan hệ giữa các thành viên nhóm BRICS càng trở nên sâu sắc hơn. Ngoài các hội nghị thượng đỉnh thường niên, nhóm BRICS đã tổ chức các hội nghị bộ trưởng và tiến hành các cuộc tham vấn giữa các viện nghiên cứu chính sách của mỗi nước. 

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


chính sách   căng thẳng   hành vi   khủng hoảng   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...