22/09/2021 15:10  
Một cuộc họp đa phương bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ) quy tụ các nước Liên minh châu Âu (EU), bao gồm Pháp và Mỹ, đã bị hủy bỏ, giữa lúc có những rạn nứt nghiêm trọng giữa hai bên.

Trong một cuộc họp báo với các phóng viên, các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, cuộc gặp đã được lên kế hoạch giữa Mỹ, Pháp, Đức và Anh trong ngày 22/9 "không diễn ra", nhưng không cho biết liệu nguyên nhân hủy bỏ có liên quan đến thỏa thuận an ninh AUKUS giữa Mỹ, Anh và Australia mới đây hay không.

"Tôi nghĩ là do lịch trình bận rộn", một quan chức của Mỹ cho biết. Khi được hỏi liệu Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ có một cuộc gặp song phương riêng với người đồng cấp Pháp Le Drian hay không, một quan chức cho biết: "Tôi hy vọng cả hai bộ trưởng sẽ có cơ hội trao đổi quan điểm vào một thời điểm nào đó trong tuần".

Đầu tuần này, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng từ chối cho biết liệu ông Blinken có tìm cách gặp ông Le Drian hay không và cho biết lịch trình trong tuần của nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ vẫn "cơ động".

Cuộc gặp bị hủy là một trong ba sự kiện gặp mặt được lên kế hoạch với sự tham dự của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Pháp Jean-Yves Le Drian, cùng các quốc gia khác, lần đầu tiên kể từ khi Washington và Paris rơi vào cuộc khủng hoảng ngoại giao chưa từng có vào tuần trước.

Khủng hoảng bùng nổ sau khi Australia hủy đơn đặt hàng tàu ngầm thông thường từ Pháp và cho biết thay vào đó họ sẽ đóng ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với công nghệ của Mỹ và Anh theo thỏa thuận an ninh mới sau nhiều tháng đàm phán bí mật.

Quyết định này đã khiến nước Pháp phẫn nộ và tại ngày họp mở màn hôm 20/9, Ngoại trưởng Le Drian đã cáo buộc chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục xu hướng "đơn phương, không thể đoán định và không tôn trọng đối tác".

Hôm 22/9, Đức đã lên tiếng ủng hộ Pháp, chỉ trích Mỹ vì bí mật đàm phán thỏa thuận an ninh AUKUS. Căng thẳng giữa Mỹ và Liên minh châu Âu dường như ngày càng nới rộng.

Các quốc gia châu Âu từng hy vọng Tổng thống Biden tăng cường trở lại mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, sau khi quan hệ đồng minh đã bị tổn hại dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, với thỏa thuận an ninh AUKUS, sự rạn nứt ngày càng nghiêm trọng.

Thanh Thành

Theo Reuters

Nguồn tin: dantri.com.vn


Donald Trump   Joe Biden   Reuters   Trump   Tổng thống   khủng hoảng   Đại Tây Dương  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...