09/10/2021 8:10  
Từ đầu năm học, chúng tôi cũng góp ý với giáo viên về việc không nên để các con học trực tuyến quá nhiều. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, lịch học vẫn thế, kín mít từ sáng tới chiều.

Chuẩn bị tâm lý để đồng hành cùng con trong thời gian học trực tuyến, tuy nhiên, sau hơn 1 tháng triển khai hình thức học này, nhiều phụ huynh không khỏi "ngộp thở" trước lịch học kín mít và số lượng bài tập online ngày một tăng của con. 

Phụ huynh "ngộp thở" 

7h15 sáng, phụ huynh Lê Thị Huyền (quận Ba Đình, Hà Nội) đánh thức cậu con trai học lớp 4, giục bé nhanh chóng vệ sinh cá nhân và ăn sáng để kịp ngồi vào bàn học. Nghe tiếng mẹ gọi, cu cậu nhăn nhó, phụng phịu lẩm bẩm… "con chẳng muốn học online".

Hai tuần trở lại đây, sau khoảng thời gian Hà Nội triển khai năm học mới theo hình thức trực tuyến, cậu bé có biểu hiện chán nản vì phải đối diện với lịch học dày đặc mỗi ngày.

"Thời khóa biểu của con y như khi đi học trực tiếp. Ngày nào cũng 4, 5 tiết; giữa các tiết có nghỉ khoảng 10 phút. Ngồi lâu trước máy tính, con ngáp ngắn ngáp dài.

Con học, mẹ cũng phải "quay cuồng" học theo. Biết cu cậu ham chơi, thiếu tập trung, tôi không dám rời vị trí để tập trung kiểm soát, nhắc nhở. Ngày nào cũng thế, hai mẹ con "đánh vật" trước màn hình máy tính đến 11h trưa. Tôi cũng phải dậy sớm đi chợ, tranh thủ dọn dẹp, chuẩn bị cơm nước để dành thời gian ngồi kèm con học. Từ khi bắt đầu năm học mới, tôi bận hơn cả khi có con thơ", chị Huyền than thở.

Không chỉ riêng chị Huyền, nhiều ông bố, bà mẹ khác cũng gặp tình trạng "ngộp thở" sau hơn 1 tháng cùng con "chạy đuổi" với lịch học trực tuyến.

Phụ huynh Trần Văn Lương (Cầu Giấy, Hà Nội) có con gái học lớp 5 cho biết, buổi sáng, thời gian học kéo dài từ 8h đến 10h45. Buổi chiều là buổi học phụ, bắt đầu từ 14h30 và kết thúc lúc 17h. Dù học trực tuyến, các con vẫn học đủ môn, từ Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh, đến Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục. Sau mỗi tiết học, trẻ chỉ có 5 phút nghỉ giải lao.

Anh Lương cho biết, nhiều phụ huynh trong lớp không đồng tình với lịch học dày đặc như vậy. Việc học online quá nhiều sẽ ảnh hưởng tới thị lực, cảm hứng của con, đặc biệt chất lượng học khó được đảm bảo.

"Từ đầu năm học, chúng tôi cũng góp ý với giáo viên về việc không nên để các con học trực tuyến quá nhiều. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, lịch học vẫn thế, vẫn "kín như bưng" và không có gì thay đổi.

Dù giãn cách, nhưng hai vợ chồng tôi đều phải làm việc ở nhà. Vừa quản lý việc ở công ty, vừa ngồi bên kè kè hỗ trợ con học khiến tôi "nổi điên" và dễ tức giận. Nhiều lúc, chỉ cần con lơ là khi học trực tuyến, tôi đã cảm thấy bực mình, lớn tiếng quát mắng.

Dẫu biết cũng là do tôi, không thể đổ hết nguyên nhân do học trực tuyến, nhưng vẫn mong lịch học của các con nhẹ nhàng hơn, để phụ huynh chúng tôi có thể an tâm làm việc, đồng thời hỗ trợ con học tập một cách tốt nhất".

Nên giao bài tập về nhà

Hơn 1 tháng kể từ ngày Hà Nội triển khai dạy học trực tuyến với học sinh các cấp, bên cạnh nỗi lo con trẻ "mệt phờ" vì học từ sáng đến chiều, không ít phụ huynh choáng váng khi thấy số lượng bài tập hàng ngày con phải giải quyết cứ "chất cao như núi".

Có con gái học lớp 5, phụ huynh Dương Thùy Linh (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi nhớ, năm ngoái, con chỉ cần làm một phiếu Toán và một phiếu Tiếng Việt cho hai tuần học, coi như là bổ trợ và ôn lại kiến thức.

Tuy nhiên, năm học này, ngày nào cũng thế, cứ mỗi chiều là một danh sách bài tập gửi vào Zalo, giao cho mấy đứa trẻ. Các con học cả ngày, có hôm đến 5 rưỡi mới kết thúc lớp; nên buổi tối, ăn vội bữa cơm là hai mẹ con lại ngồi vào bàn học để giải quyết bài vở".

Chưa dừng lại ở đó, phụ huynh này còn tỏ ra mệt mỏi khi ngoài bài tập môn chính, chị còn phải dạy con hát, quay các clip nói tiếng Anh, hay hướng dẫn con các động tác thể dục… rồi chụp ảnh gửi cô đánh giá. "Thú thực, nhiều lúc tôi chẳng có đủ kinh nghiệm sư phạm cũng như kiên nhẫn để dạy con. Lắm hôm học và làm bài cùng con đến 9 rưỡi tối, con ngủ thì mới là lúc tôi có thời gian hoàn thành công việc cá nhân. Ngày nào cũng vậy, cứ một vòng luẩn quẩn đầy bí bách" - chị Linh tâm sự.

Theo phụ huynh Hoàng Hải Nam, khối lượng bài tập online quá nhiều còn ảnh hưởng tới tâm lý, sức khỏe của học sinh. Năm nay, con gái anh Nam học lớp 9. Trước ngưỡng cửa là kỳ thi chuyển cấp, con và bạn bè cùng trang lứa phải chịu rất nhiều áp lực. Không chỉ học trực tuyến 6 tiếng/ngày, bao gồm cả ngày thứ 7, các con còn đối diện với lượng bài tập lớn.

"Cuối cấp, kiến thức thì ngày một khó. Học trực tuyến không đủ, thầy cô giao nhiều bài về nhà để con tự ôn luyện. Có hôm, tôi thấy con thức đến 3h sáng để quay clip học Ngoại ngữ gửi cho cô. Dạo gần đây, tôi thấy con hay lo lắng và ủ rũ. Hỏi thì con tâm sự, một phần do thời gian tiếp xúc với thiết bị điện tử nhiều dẫn đến "quá tải", một phần vì lúc nào trong đầu con cũng hiển hiện nỗi áp lực về học trực tuyến và bài tập online, nên tâm trạng chẳng thể thoải mái".

Khẳng định thầy cô và cả hình thức học online không có lỗi, song anh Nam cho rằng, những hệ lụy từ việc tổ chức, bố trí dạy và học online không khoa học, không thống nhất, không phù hợp với thực tế là có thật. Có thể với giáo viên, việc giao nhiều bài tập là muốn tốt cho học sinh, giúp các em củng cố và trau dồi kiến thức. Tuy nhiên, cái gì "quá" cũng đều không tốt. Với thời khóa biểu và lượng bài online như hiện nay, rất dễ đẩy trẻ vào tâm trạng chán nản, lo âu, thậm chí sợ hãi việc học.

"Sẽ tích cực hơn nếu lượng bài tập sau buổi học online giảm bớt. Giảm một chút số lượng, giảm một vài nỗi lo", anh Nam góp ý.

Trong khi đó, phụ huynh Ngô Minh Nguyệt (Cầu Giấy, Hà Nội) lại bày tỏ sự băn khoăn khi hơn một tháng nay, thay vì giao một lượng nhất định bài tập về nhà để học sinh củng cố kiến thức, thầy cô lại yêu cầu phụ huynh chụp lại vở ghi chép các môn học để giáo viên chấm điểm. Nếu hôm nào phụ huynh bận hoặc quên chụp ảnh, giáo viên sẽ khiển trách trong nhóm. Cô Nguyệt cho biết, cách kiểm tra này còn mang tính hình thức, chưa đánh giá đúng năng lực và khả năng tiếp nhận kiến thức của các con.

"Theo tôi, thay vì yêu cầu gửi phần ghi chép, giáo viên có thể kiểm tra kiến thức của học sinh thông qua việc giao bài tập. Trên thực tế, bài tập về nhà rất quan trọng, bởi nếu chỉ học lý thuyết mà không có bài tập thì khi kiểm tra 15 phút, 1 tiết hay cuối kỳ… các con sẽ gặp khó vì không được thực hành. Tất nhiên, lượng bài cũng cần hợp lý, phù hợp với lứa tuổi và mức độ tiếp nhận, đáp ứng của học sinh.

Để tránh việc trẻ ngồi trước màn hình máy tính quá lâu, thầy cô nên giao bài tập theo hình thức làm trực tiếp vào vở, hôm sau kiểm tra xác suất trước lớp. Việc này sẽ giúp trẻ nắm được kiến thức đã học, mà phụ huynh cũng bớt "quay cuồng" khi ngày ngày phải cùng con học và làm bài vở trực tuyến".

Kiều Phương

Nguồn tin: dantri.com.vn


Hà Nội   hoàn thành công việc  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...