17/06/2022 18:15  
Xe điện, “xe xanh” đang là xu hướng toàn cầu và Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc khi nhiều doanh nghiệp ô tô đang đẩy mạnh sản xuất dòng xe này. 

Nhà sản xuất đang thăm dò thị trường

Đầu năm 2022, hãng xe VinFast đã công bố giá bán VinFast VF8 (còn gọi VF e35) là 961 triệu đồng và VF9 (còn gọi VF e36) là 1,312 tỷ đồng. Đây là 2 mẫu SUV chạy điện thuộc phân khúc xe hạng D và E từng được VinFast giới thiệu tại triển lãm Los Angeles Auto Show 2021.

Tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng CES 2022 ở Mỹ, VinFast đã công bố dừng sản xuất xe xăng, chuyển sang sản xuất xe thuần điện từ cuối năm 2022. Đây là quyết định bước ngoặt, đưa VinFast trở thành một trong những hãng xe xăng đầu tiên trên thế giới chuyển sang thuần điện trong cuộc cách mạng xe điện toàn cầu.

Không chỉ VinFast, thị trường Việt Nam bắt đầu sôi động với sự góp mặt của các mẫu xe mới từ các hãng. Cuối tháng 4/2022, TC Group - đơn vị phân phối xe Hyundai tại Việt Nam đã giới thiệu mẫu xe điện cao cấp IONIQ 5. Mẫu crossover thuần điện này vừa nhận giải thưởng “Xe của năm trên thế giới 2022” với 3 hạng mục,  gồm “Xe của năm trên thế giới 2022”, “Xe điện thế giới 2022” và “Thiết kế xe thế giới 2022”.

Cũng trong tháng 4, Mercedes-Benz Việt Nam đã ra mắt mẫu xe điện Mercedes-Benz EQS cung cấp hệ thống Drive Pilot cho khả năng tự lái ở vận tốc dưới 50 km/h. Mẫu xe điện này được Tổng giám đốc Mercedes-Benz Brad Kell xác nhận sẽ giới thiệu tại triển lãm Vietnam Motor Show 2022 vào tháng 10 tới.

Trong xu hướng này, Trường Hải (Thaco) - đơn vị lắp ráp và phân phối ô tô Kia tại Việt Nam đã lên kế hoạch đưa Kia EV6 về Việt Nam trong năm nay. Hiện chiếc Kia EV6 đầu tiên đã xuất hiện tại khu phức hợp Chu Lai của Thaco.

Chia sẻ về kế hoạch cho xe điện, lãnh đạo TC Group cho biết, trước định hướng của Chính phủ trong việc tập trung phát triển dòng xe thân thiện môi trường, TC Group cùng đối tác Hyundai Motor đã nghiên cứu, xây dựng kế hoạch phát triển các mẫu xe điện thân thiện môi trường mang thương hiệu Hyundai tại thị trường Việt Nam. 

Trong giai đoạn này, TC Group và Hyundai Motor chọn IONIQ 5 - mẫu xe điện cao cấp hiện đang được thị trường toàn cầu đánh giá cao để giới thiệu cho khách hàng Việt Nam. “Chúng tôi sẽ lắng nghe những phản hồi từ khách hàng, thị trường để tối ưu các phiên bản, hạ tầng trạm sạc trước khi đi vào sản xuất và phân phối trong thời gian sớm nhất”, lãnh đạo TC Group cho biết. 

Thị trường tiềm năng nhưng hạ tầng còn sơ khai

Nhận định về tiềm năng của xe ô tô điện, trong một hội thảo mới đây, GS-TS. Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trưởng nhóm tư vấn dự án “Sáng kiến giao thông trong NDC tại các nước châu Á - NDC TIA” cũng khẳng định việc phát triển phương tiện giao thông điện là xu thế toàn cầu và Việt Nam không thể nằm ngoài xu thế này. Dự kiến đến năm 2030, chỉ còn 41% số lượng phương tiện bán ra trên thế giới sử dụng động cơ đốt trong, còn lại là phương tiện sử dụng điện hoặc các dạng nhiên liệu lai giữa điện và động cơ đốt trong.

“Phương tiện giao thông điện đã xâm nhập vào thị trường TP.HCM như một xu thế tất yếu. Giờ là lúc vẽ con đường để các loại phương tiện này trở thành phổ biến ở TP.HCM”, ông Tuấn nói.

Trong khi đó, ông Ruchik Shah - Tổng giám đốc Công ty Ford Việt Nam cho rằng, Chính phủ Việt Nam đưa ra cam kết mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, nhưng cần nhìn nhận rằng, ô tô chỉ là một vấn đề nhỏ trong tổng thể nền kinh tế. Để đạt được mục tiêu mà Chính phủ đặt ra phải có kế hoạch tổng thể ngay từ bây giờ, như đánh giá lại tất cả hệ thống phát thải, nguồn cung tác động ra sao để cân đối năng lượng, hạ tầng và các chính sách đi kèm theo. Riêng với xe điện, cần một cách tiếp cận toàn diện và tổng thể, từ sự chấp nhận của người tiêu dùng, xây dựng cơ sở hạ tầng các trạm sạc điện đến các chính sách quản lý liên quan… 

Ông Ruchik Shah dè dặt nói: “Tập đoàn Ford Motor đang có nhiều cải cách để giành tương lai cho xe điện với các giải pháp công nghệ và giải pháp di chuyển. Tuy nhiên, tuỳ thuộc thị trường cụ thể, theo từng giai đoạn và mức độ phát triển nhất định, Ford sẽ mang các sản phẩm thích hợp vào để cạnh tranh”. 

Cơ sở hạ tầng - một trong những vấn đề mà ông Ruchik nhắc đến như một sự chuẩn bị cơ bản - đang là trở ngại lớn nhất cho sự phát triển xe điện ở Việt Nam. 

Hiện nay, ngoài 200 trạm sạc điện của VinFast thì hầu như chưa có hạ tầng cho phát triển xe điện.

Tại toạ đàm về phát triển xe điện cuối năm 2021, TS. Nguyễn Quốc Khánh - chuyên gia năng lượng đã đưa ra các kịch bản phát triển xe điện ở Việt Nam với nhu cầu tiêu thụ điện cũng tăng tương ứng từ nay tới năm 2030 và 2050.

Trong đó, nếu năm 2030, xe máy điện chiếm 34% thị phần xe bán mới còn ô tô điện chiếm 30%, nhu cầu điện trong lĩnh vực giao thông là gần 4 tỷ kWh, tương đương nửa công suất nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình. Năm 2050, nhu cầu tiêu thụ điện là gần 17,6 tỷ kWh, tương đương 2 nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình.

Tương tự, với kịch bản xe điện phát triển cao hơn, nhu cầu điện cho lĩnh vực giao thông gần 8,5 tỷ kWh vào năm 2030, tương đương công suất nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình. Ở kịch bản này, xe máy điện chiếm 72% xe bán mới vào năm 2030, 100% vào năm 2050. Ô tô điện chiếm 30% vào năm 2030, 70% vào năm 2050.

Như vậy, nhu cầu điện sẽ tăng lên gần 72 tỷ kWh, tương đương 10 nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình.

Bên cạnh đó, một trở ngại khác là giá xe điện hiện vẫn ở ngưỡng cao so với xe xăng, dầu. Theo dữ liệu của VAMA, năm 2020, giá xe điện (chỉ tính chi phí sản xuất thuần) cao hơn khoảng 45% so với xe sử dụng động cơ đốt trong. Cùng với công nghệ sản xuất pin ngày càng tốt và rẻ hơn thì tới năm 2030, giá xe điện có giảm thì vẫn cao hơn 9-10% xe chạy xăng, dầu.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Chính phủ   HCM   Hyundai   Hà Nội   Tập đoàn   VinFast   Việt Nam   chuyên gia   chính sách   doanh nghiệp   sản xuất   Ô tô  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...