01/04/2021 7:10  
Dự án giường thông minh hỗ trợ người bị liệt tay chân có thể tự phục vụ cho chính mình bằng giọng nói, nhận diện khuôn mặt. Còn giường I.o.T giúp người chăm sóc bệnh nhân vận hành từ xa qua Internet.

Liên quan đến dự án "Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà" dành giải Nhất cuộc thi KHKT cấp quốc gia 2021 (do Bộ GD&ĐT tổ chức), đang gây xôn xao vì gần giống dự án từng tham dự cuộc thi năm 2019, phóng viên Dân trí đã có trao đổi với nhóm tác giả, thầy giáo hướng dẫn để hiểu rõ hơn về dự án và sự khác biệt của 2 dự án.

Hai học sinh Nguyễn Trần Đạt (lớp 12A) và Đinh Hoàng Nam (lớp 11B) trường THPT Hoa Lư A (Ninh Bình) là tác giả của dự án "Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà" vừa dành giải Nhất cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2020-2021 (do Bộ GD&ĐT tổ chức).

Trở về sau cuộc thi (tổ chức từ 25 - 27/3 tại Huế), Đạt và Nam vẫn còn nguyên vẹn niềm vui, sự tự hào sau khi dành được giải cao nhất. Bên cạnh đó, những lo lắng, áp lực trong những ngày diễn ra cuộc thi vẫn còn in hằn trên khuôn mặt hai cậu học trò khi phải căng thẳng, mệt mỏi và thiếu ngủ.

Dự án "giường bệnh thông minh" hỗ trợ người liệt tay chân của Đạt và Nam được nhiều người biết đến từ cuối năm 2020 khi xuất sắc vượt qua hơn 100 dự án tại cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học năm học 2020-2021 tỉnh Ninh Bình, giành giải nhất ở lĩnh vực y tế với số điểm 94/100 điểm.

Để có được những thành tích tự hào nêu trên, 2 cậu học trò đã phải nỗ lực, mày mò gần 2 năm trời, với sự hỗ trợ, động viên sát sao, thường xuyên về cả vật chất và tinh thần của nhà trường, gia đình và thầy giáo hướng dẫn.

Một trong 2 tác giả của chiếc giường thông mình này là em Nguyễn Trần Đạt. Hiện đang học lớp 12 nhưng cậu học trò này khá nhỏ bé, cao chưa đến mét rưỡi và chỉ cân nặng hơn 40kg. Tuy nhiên, Đạt lại nổi tiếng ở trường bởi niềm đam mê cháy bỏng với công nghệ thông tin và lĩnh vực lập trình.

Năm học lớp 11, Đạt được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Tin học. Kỳ thi này em không đạt giải nhưng mọi người rất khâm phục tài năng của em. Là học sinh lớp 11 nhưng được chọn vào đội tuyển đi thi cùng lớp anh chị đã khẳng định những nỗ lực của cậu học trò nhỏ. Đến năm lớp 12, Đạt tiếp tục được chọn vào đội tuyển dự thi HSG quốc gia năm học 2020-2021, nhưng em từ chối để dành toàn tâm sức cho dự án mà mình cùng bạn theo đuổi.

Người đồng hành của Đạt trong dự án là Đinh Hoàng Nam. Từ năm lớp 6, cậu học trò này đã bắt đầu tham gia cuộc thi "Sáng tạo trẻ", đến năm lớp 9 đạt giải nhất cấp tỉnh cuộc thi KHKT với dự án về sinh học - khoa học nghiên cứu động vật; lớp 10 đạt giải khuyến khích cấp tỉnh về dự án hóa học, nghiên cứu về máy đo vật lý.

Em Nguyễn Trần Đạt cho biết, sau khi dự án đạt giải nhất cấp tỉnh, được chọn dự thi cấp quốc gia, bản thân em phụ trách lĩnh vực lập trình đã khẩn trương khắc phục những hạn chế, thiếu sót đã được Ban giám khảo chỉ dẫn.

"Em và bạn Nam đã thay đổi một số phần nhỏ của sản phẩm, như tích hợp thêm các phần trong màn hình điều khiển, để màn hình linh hoạt hơn; bổ sung thêm các câu lệnh để thông báo về nhịp tim cao hay thấp nhằm thông báo cho người nhà biết...", em Đạt nói.

Em Nam tâm sự: "Để có được thành công cho dự án, có những thời điểm, một công đoạn trong sản phẩm bọn em phải làm đi làm lại nhiều lần, thất bại cũng không ít. Cả thầy và trò mệt mỏi, muốn dừng lại. Nhưng rồi vì đam mê mà chúng em lại quyết tâm hơn cả, lên mạng tìm hiểu, tra cứu từ nhiều nguồn thông tin, sản phẩm dần dần khắc phục được những nhược điểm để hoàn thiện".

Thầy Nguyễn Mạnh Tú, giáo viên môn Vật Lý, trường THPT Hoa Lư A (người hướng dẫn 2 em Đạt và Nam) chia sẻ, các em đều là những học sinh đam mê nghiên cứu khoa học. Kết quả đạt được không phụ sự cố gắng của các em.

"Từ khi 2 em có ý tưởng về dự án "giường bệnh thông minh" đến khi hoàn thiện dự thi cấp tỉnh đạt giải nhất; sau đó tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện dự thi cấp quốc gia và đạt giải cao như vậy, là sự cố gắng, đam mê và cả quyết tâm của các em, đến thầy giáo cũng phải nể phục", thầy Tú nói.

Cũng theo thầy Tú, cả Đạt và Nam, mỗi em đều phát huy hết sức thế mạnh của mình về công nghệ thông tin và lĩnh vực cơ khí để tìm tòi, mày mò, đưa sản phẩm có nhiều tính năng, ứng dụng cao, đạt được ý nghĩa, mục tiêu đề ra.

Được biết, dự án "Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà" được đánh giá cao và trao giải nhất cuộc thi KHKT cấp quốc gia năm 2021 do đây là sản phẩm mang tính sáng tạo cao, chưa có dự án nào từng tham dự.

Bên cạnh đó, chiếc "giường thông minh" này còn được xem là "cứu cánh" cho người bệnh bị liệt cả tay lẫn chân. Điểm ưu việt của "giường bệnh thông minh" này là tự người bệnh (liệt cả chân lẫn tay) có thể phục vụ cho chính mình bằng giọng nói mà không cần sự trợ giúp của người thân trong việc tập phục hồi cả chân lẫn tay, cũng như tự mình bật các chức năng giải trí bằng cử chỉ há miệng (nhận diện khuôn mặt) để người bệnh tự chủ động điều khiển, giúp giải phóng sự vất vả cho người chăm sóc.

Ngoài ra, dự án này còn có thể gửi được nhịp tim và nồng độ oxy trong máu tới phần mềm viết trên di động cho người thân thông qua App do tác giả lập trình trên smartphone, máy tính bảng. Cùng với đó, sản phẩm có giá thành hợp lý, tiện dụng và phù hợp cho nhiều gia đình có thể trang bị cho người thân của mình sử dụng.

Theo đại diện trường THPT Hoa Lư A, cũng như thầy giáo Nguyễn Mạnh Tú, dự án của em Đạt và Nam hoàn toàn khác so với dự án "Giường I.o.T hỗ trợ người mất khả năng vận động tay chân" năm 2019 của Cao Nguyễn Hùng và Nguyễn Đình Nhật Tân. Dự án này là hệ thống được người chăm sóc bệnh nhân vận hành từ xa thông qua mạng internet một cách linh hoạt để cho người bệnh ăn uống, vệ sinh, di chuyển giường đi lại chính xác và an toàn.

Còn dự án "Giường thông minh" của Đạt và Nam là hệ thống tích hợp được các chức năng để giúp bệnh nhân tự hồi phục như tập tay, tập chân, tập trí nhớ và giải trí do chính bệnh nhân tự điều khiển thông qua giọng nói. Một số ít phần có chung cấu tạo như khung giường, bánh xe gắn động cơ, nhưng không bao giờ có chuyện làm lại cái cũ và 2 dự án là 2 vấn đề được nghiên cứu và giải quyết cũng như có bản chất hoàn toàn khác nhau.

Nhóm tác giải chia sẻ, nếu dự án được chọn dự thi quốc tế, nhóm sẽ tiếp tục tham khảo thêm ý kiến của các thành viên trong Ban giám khảo, ngày càng hoàn thiện sản phẩm. Đặc biệt phải trau dồi thêm kiến thức tiếng Anh để thuận lợi hơn trong quá trình thuyết minh, thuyết trình nhằm thuyết phục cho sản phẩm mà mình đã nghiên cứu, chế tạo, phấn đấu đạt giải cao tại cuộc thi.

Thái Bá

Nguồn tin: dantri.com.vn


căng thẳng   hành vi   lập trình   sáng tạo  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...