22/12/2021 6:15  
2021 - năm thế giới tiếp tục chao đảo vì đại dịch Covid-19 và những tác động của nó, sắp sửa khép lại. Hãy cùng Doanh nhân Sài Gòn nhìn lại 12 sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội nổi bật trên thế giới trong 12 tháng qua.

1. Ông Joe Biden làm Tổng thống Mỹ

Sau phiên họp lưỡng viện Quốc hội Mỹ đầy sóng gió với nhiều lần nghị sĩ thách thức kết quả bầu cử và Điện Capitol xảy ra bạo loạn, Quốc hội Mỹ ngày 7/1/2021 đã xác nhận ông Biden giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng với 306 phiếu đại cử tri, chính thức trở thành Tổng thống Mỹ kế tiếp.

2. Hàng loạt biến chủng của SARS-CoV-2 và vaccine xuất hiện

Hiện, Omicron là biến chủng mới nhất của SARS-CoV-2 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào nhóm "đáng lo ngại" (V.O.C.). Kết quả giải trình tự gen cho thấy Omicron chứa hơn 50 đột biến. Đến giữa tháng 12/2021, thế giới đã ghi nhận hơn 273 triệu ca nhiễm Covid-19, 5,3 triệu người tử vong và hơn 245 triệu trường hợp bình phục.

Theo thống kê của Our World in Data, đến giữa tháng 12/2021, thế giới đã tiêm 8,55 tỷ liều vaccine, với 37,34 triệu liều được sử dụng mỗi ngày; 56,4% dân số thế giới đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa Covid-19, trong đó hơn 44% đã tiêm đủ liều.

Với mục tiêu tăng độ phủ vaccine càng nhiều càng tốt, các nước cũng dần mở rộng đối tượng được tiêm. Từ chỗ chỉ những người trưởng thành đủ điều kiện tiêm vaccine, ngày càng nhiều nước triển khai tiêm cho nhóm dưới 18 tuổi, với mục tiêu sớm mở cửa lại trường học.

3. Tàu Ever Given mắc kẹt

Ngày 23/3/2021, Ever Given - một trong số những con tàu lớn nhất thế giới, đã bị mắc cạn và xoay ngang, chắn toàn bộ kênh đào Suez trong lúc nó từ biển Đỏ tiến vào kênh đào này, trước khi nó được "giải cứu" vào sáng 29/3. Ở thời điểm mắc kẹt, siêu tàu hàng dài hơn 400m, nặng hơn 220.000 tấn này đang chở tổng cộng 18.300 container.

Sự cố tắc nghẽn kênh đào Suez do Ever Given đã khiến chi phí vận tải biển tăng vọt đối với tất cả tuyến đường, trong đó có chặng đi từ Trung Đông tới Trung Quốc. Theo Lloyd's List, mỗi ngày kênh đào Suez bị tắc nghẽn làm gián đoạn hoạt động thương mại hàng hóa trị giá 9,6 tỷ USD.

4. Chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy

Tình trạng thiếu chip kéo dài, vấn đề tắc nghẽn ở các cảng và thiếu tài xế xe tải đã và đang khiến các chuỗi cung ứng toàn cầu căng thẳng tột độ trong năm nay. Theo giới phân tích, cơn ác mộng chuỗi cung ứng sẽ còn tệ hơn trước khi cải thiện.

Trong một báo cáo hôm 11/10/2021, các nhà phân tích của Moody’s Analytics cảnh báo tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu "sẽ tệ hơn trước khi cải thiện". "Khi đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu tiếp tục được củng cố, điều ngày càng thấy rõ là đà phục hồi đó đang bị cản trở bởi các gián đoạn trong chuỗi cung ứng mà giờ đây xuất hiện ở mọi khía cạnh", báo cáo viết

5. Nhật sẽ xả hơn 1 triệu tấn nước thải hạt nhân ra biển

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga vào tháng 4 năm nay cho biết nước này sẽ xả hơn 1 triệu tấn nước đã xử lý từ nhà máy hạt nhân ở Fukushima ra biển sau nhiều năm tranh cãi, khẳng định nước này an toàn vì đã được loại bỏ hết phóng xạ.

Theo Chính phủ Nhật, số nước này đã được loại bỏ hầu hết phóng xạ như strontium, cesium, nhưng vẫn còn tritium vốn ít gây hại hơn ở nồng độ thấp, và làm loãng theo quy chuẩn quốc tế.

Dự kiến, việc xả nước sẽ bắt đầu trong 2 năm tới và toàn bộ quá trình có thể kéo dài hàng chục năm. Tuy nhiên, việc xả nước vấp phải sự phản đối từ các cộng đồng đánh bắt cá ở Nhật Bản cũng như lo ngại từ các nước láng giềng như Trung Quốc, Hàn Quốc.

6. G7 đạt thỏa thuận lịch sử về thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu

Các lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vào tháng 6 năm nay đã thông qua đề xuất của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc áp thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% với mục đích giải quyết tình trạng trốn thuế cũng như tạo bình đẳng về thuế giữa các nước.

Trong tuyên bố chung đưa ra sau Hội nghị, G7 cho biết: "Với thỏa thuận này, chúng tôi đã có một bước đi quan trọng hướng tới một hệ thống thuế công bằng hơn, phù hợp với thế kỷ XXI, chấm dứt cuộc chạy đua đánh thuế rất thấp kéo dài suốt 40 năm qua… Chúng tôi cam kết mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu ít nhất 15%, áp dụng tùy theo từng nước".

7. Taliban quay lại kiểm soát Afghanistan sau 20 năm

Trong bối cảnh quân đội Mỹ hoàn tất lộ trình rút quân, chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng Taliban đã chính thức giành quyền kiểm soát Afghanistan kể từ ngày 15/8/2021. Việc quay trở lại kiểm soát đất nước sau gần 20 năm của Taliban được cho là sẽ tạo ra bước ngoặt lớn trong lịch sử của Afghanistan.

Trong 4 tháng qua, quan chức ngoại giao Taliban đã tích cực tiếp cận và thuyết phục các quốc gia trong khu vực, với mục tiêu là tìm kiếm khả năng đối thoại lẫn xây dựng hình ảnh với thế giới bên ngoài. Ở chiều ngược lại, thế giới cũng muốn tiếp xúc nhiều hơn với Taliban, khi đại diện của ít nhất 6 quốc gia đã tới Kabul để trực tiếp làm việc với chính phủ do Hebatullah Akhundzada, lãnh tụ Tối cao của Taliban đứng đầu.

8. Khủng hoảng năng lượng toàn cầu

Kể từ cuối tháng 8/2021, tình trạng thiếu hụt năng lượng diễn ra ngày càng trầm trọng, gây lạm phát giá trên thị trường năng lượng quốc tế, dẫn đến phản ứng dây chuyền trên toàn cầu, tạo ra những nhân tố bất ổn, khủng hoảng khó lường cho thế giới vốn đã chật vật với Covid-19. 

Ở khắp nơi trên thế giới, ngành năng lượng đang lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn. Tại Trung Quốc, một số tỉnh phải hạn chế sử dụng điện; người dân châu Âu phải trả giá cao "ngất trời" cho khí tự nhiên hóa lỏng, trong khi các nhà máy điện ở Ấn Độ sắp cạn kiệt than, và giá một gallon xăng tại Mỹ đã tăng gần gấp đôi so mức chỉ 1,72 USD hồi tháng Tư.

9. AUKUS ra đời

Công bố ngày 15/9/2021, AUKUS là Hiệp định Đối tác tăng cường An ninh ba bên giữa Australia, Anh và Mỹ, đồng thời là liên minh quân sự chính thức và đa phương đầu tiên được hình thành ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong thế kỷ XXI. Đây được xem là bước đi đầu tiên và có thể khởi đầu cho sự ra đời tiếp theo, của các liên minh an ninh - quân sự bán chính thức, hoặc chính thức, ở khu vực trong tương lai.

10. Hiện tượng thời tiết cực đoan ngày một phổ biến

Năm 2021 đã chứng kiến hoàng loạt các hiện tượng thời tiết cực đoan trên toàn cầu. Hàng trăm người đã chết do mưa bão và nắng nóng, trong khi người nông dân phải vật lộn với hạn hán hoặc châu chấu. Nhiều hiện tượng thời tiết đã trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học dự đoán nhiều thảm họa khí hậu sẽ xuất hiện dày đặc hơn khi bầu khí quyển Trái đất tiếp tục ấm lên trong suốt 10 năm tới.

Tập đoàn tái bảo hiểm Thụy Sỹ Swiss Re ước tính, các thảm họa tự nhiên và hiện tượng thời tiết cực đoan đã gây thiệt hại khoảng 250 tỷ USD trong năm nay, tăng 24% so với năm trước. Trên thực tế, những tổn thất được bảo hiểm do thiên tai gây ra trong năm 2021 một lần nữa vượt mức trung bình 10 năm trước và tiếp tục có xu hướng tăng hàng năm 5-6% trong những thập niên gần đây.

11. Lạm phát và nợ toàn cầu tăng mạnh

Cùng với sự phục hồi của các nền kinh tế sau tác động lớn của đại dịch, lạm phát đã tăng mạnh ở nhiều nước trên thế giới, ghi nhận kỷ lục trong nhiều năm. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), rủi ro chính với kinh tế toàn cầu là lạm phát kéo dài hơn, với mức tăng cao hơn dự kiến hiện tại. Song, như hầu hết nhà hoạch định chính sách, OECD cho rằng mức tăng lạm phát đột biến chỉ là tạm thời và giảm dần khi nhu cầu và sản xuất trở lại bình thường.

Bên cạnh việc lạm phát tăng mạnh, báo cáo ngày 15/12/2021 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết mức nợ toàn cầu đã tăng 28.000 tỷ USD, lên 226.000 tỷ USD vào năm 2020, mức tăng mạnh nhất trong 1 năm kể từ Thế chiến thứ hai và phần lớn tập trung ở các nước giàu hơn. Đại dịch đã khiến nợ công của các nước lên mức tương đương 256% GDP toàn cầu vào năm 2020, tăng 28 điểm phần trăm so với năm trước đó.

12. Tài sản số bùng nổ

Năm 2021 chứng kiến một sự pha trộn to lớn trong lĩnh vực đầu tư, bằng việc kết hợp văn hóa đại chúng và tài chính hiện đại. Các token ban đầu như một trò đùa nay có giá lên đến hàng chục tỷ USD. Những bức tranh hoạt hình về loài vượn được bán với giá hàng triệu USD tại thị trường NFT, một thị trường mà hầu như không ai nghe nói đến hồi năm 2020. Hãng tinBloombergnhận xét, cổ phiếu meme như GameStop, tiền số 'trò đùa' kiểu Dogecoin và những tác phẩm NFT triệu USD đã tạo nên một năm đầu tư "hoang dại và đầy cảm xúc". 

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Chính phủ   Covid   Covid-19   Joe Biden   Kinh tế   Nhà Trắng   Nhật Bản   Trung Quốc   Tập đoàn   Tổng thống   chính sách   căng thẳng   doanh nghiệp   khủng hoảng   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...