03/04/2021 7:25  
Thế giới ghi nhận hơn 131 triệu người nhiễm, hơn 2,8 triệu người chết do nCoV, ca mới tuần qua tăng ở khắp nơi nhưng vẫn thấp so với kỷ lục hồi tháng một.

Thế giới đã ghi nhận 130.780.396 ca nhiễm nCoV và 2.849.609 ca tử vong, tăng lần lượt 615.397 và 9.824, trong khi 105.256.543 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.

Trung bình ca Covid-19 mới mỗi ngày tăng 11% tuần qua, lên khoảng 582.000, theo thống kê của AFP. Xu hướng tăng này đã bắt đầu từ một tháng trước nhưng số ca nhiễm mới hiện nay vẫn kém kỷ lục 743.600 ca mới mỗi ngày trong tuần từ 5-11/1.

Ca mới tăng ở hầu hết khu vực trên thế giới, tăng 32% ở châu Á, 15% ở Mỹ và Canada, 9% ở châu Âu, 6% ở châu Phi, Mỹ Latinh và vùng Caribe, 2% ở Trung Đông.

Ở châu Đại Dương, ca nhiễm giảm 31%, sau khi tăng đột biến trong vài tuần trước do diễn biến dịch ở Papua New Guinea. Các nước khác tại khu vực này gần như "sạch bóng" nCoV.

Tunisia là nước ghi nhận tốc độ gia tăng dịch bệnh nhanh nhất trong số các quốc gia báo cáo hơn 1.000 trường hợp hàng ngày trong tuần qua, khi ca mới tăng 77% lên 1.000 ca mỗi ngày. Theo sau là Azerbaijan (74%, 1.900 ca), Bangladesh (72%, 4.800 ca), Argentina (66%, 12.200 ca) và Croatia (51 ca, 1.700 ca).

Mức giảm lớn nhất trong tuần này được ghi nhận ở Bờ Tây, nơi ca mắc mới giảm 41% nhưng vẫn ở mức trung bình 1.000 ca mỗi ngày. Theo là Kuwait (giảm 29%, 1.100 ca), Estonia (giảm 28%, 1.000 ca), Cộng hòa Czech (giảm 21%, 6.300 ca) và Anh (giảm 19%, 4.400 ca).

Brazil vẫn là quốc gia ghi nhận nhiều ca tử vong và ca nhiễm mới nhất trong tuần qua, với trung bình 74.200 ca mới một ngày, giảm 4% so với tuần trước. Họ báo cáo trung bình 3.117 ca tử vong một ngày. Mỹ ghi nhận trung bình 66.200 ca mới một ngày, tăng 14% và trung bình 962 người chết một ngày.

Tháng ba là tháng ghi nhận nhiều ca tử vong vì nCoV cao nhất ở Brazil kể từ khi đại dịch bùng phát. Với 57.606 ca tử vong từ 1/3 đến 30/3, Bộ Y tế ghi nhận số người chết nhiều hơn 75% so với tháng chết chóc thứ hai trong đại dịch ở Brazil là tháng 7/2020.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro hôm 30/3 ký sắc lệnh giải ngân 918 triệu USD vốn vay để đối phó đại dịch Covid-19, trong bối cảnh nước này ghi nhận số người chết vì đại dịch trong một ngày cao chưa từng có. Các khoản vay sẽ được chuyển cho Bộ Y tế Brazil để sử dụng trên 2.600 phòng khám công và bổ sung giường bệnh, giúp củng cố hệ thống y tế Brazil.

Tính bình quân trên đầu người, Hungary là nước báo cáo nhiều ca mới nhất tuần này, với 604 trên 100.000 dân. Israel đang dẫn đầu thế giới về tiêm chủng và đã chứng kiến tỷ lệ lây nhiễm giảm mạnh từ 650 trên 100.000 người xuống còn 31.

Số người chết vì nCoV toàn cầu đã tăng 13% lên 10.337 người một ngày trong tuần này, nhưng vẫn thấp so với mức 15.000 người một ngày hồi cuối tháng một.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tiêm chủng cho 100 triệu người. Cụ thể, CDC ngày 2/4 thông báo 101.804.762 người đã được tiêm ít nhất một liều, tức hơn 30% dân số Mỹ. Gần 58 triệu người trong số đó đã tiêm chủng đầy đủ, theo phác đồ một hoặc hai mũi. Hơn một nửa trong số này là người từ 65 tuổi trở lên.

Tổng thống Joe Biden tuần trước đã hứa rằng 90% người lớn ở Mỹ sẽ đủ điều kiện nhận vắc xin trước ngày 19 tháng 4.

Biden đã cam kết rằng 200 triệu liều sẽ được sử dụng trong 100 ngày đầu tiên tại vị, tăng gấp đôi so với mục tiêu ban đầu đã đạt được vào cuối tháng Ba.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 29/3 công bố loạt động thái mới nhằm mở rộng chiến dịch tiêm chủng và đảm bảo 90% người lớn đủ điều kiện tiêm vaccine Covid-19 trước ngày 19/4. Tuy nhiên, ông cảnh báo người Mỹ cuộc chiến đánh bại Covid-19 "còn lâu mới thắng" và kêu gọi người dân nâng cao ý thức phòng bệnh khi đất nước trên bờ vực sóng lây nhiễm thứ tư.

Biden cũng kêu gọi các bang đã nới lỏng quy định đeo khẩu trang và hạn chế với các doanh nghiệp nên đảo ngược động thái này. Hiện 6 bang ở Mỹ đã dỡ bỏ quy định về khẩu trang và một số bang khác có kế hoạch tương tự vào nửa đầu tháng 4.

CDC ngày 2/4 ra chỉ dẫn mới rằng những người đã tiêm chủng đầy đủ sẽ không phải cách ly hoặc làm xét nghiệm Covid-19 sau khi đi lại trong Mỹ. Tuy nhiên, người từ nước ngoài đến Mỹ phải có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính trước khi lên máy bay, làm xét nghiệm sau khi đến và cách ly nếu chính quyền địa phương yêu cầu. Những người đã tiêm phòng đẩy đủ có thể ra nước ngoài mà không cần xét nghiệm nCoV trước khi đi, trừ khi điểm đến quốc tế yêu cầu.

Phương Vũ (Theo AFP)

Vũ Anh

Nguồn tin: vnexpress.net


Azerbaijan   Covid   Covid-19   Joe Biden   Tổng thống   Xu hướng   doanh nghiệp  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...