21/11/2021 13:10  
Những "ngôi sao" mạng xã hội làm việc 12 tiếng/ngày và hầu như không còn thời gian dành riêng cho bản thân...

Vén bức màn sau ánh hào quang

Đứng trước một quán cà phê sành điệu trong một khu phố cao cấp ở Jakarta, Indonesia, Syifa Aulia Putri (22 tuổi) vui vẻ tạo dáng chụp ảnh, cô ấy diện một chiếc áo sơ mi trắng và váy xanh rêu sang trọng.

Trong một bài đăng khác trên Instagram, cô ngồi bên bộ sưu tập các sản phẩm chăm sóc da, những ngón tay nhẹ nhàng chạm lên má.

Influencer 22 tuổi này bắt đầu sáng tạo nội dung trên mạng xã hội từ thời đại học. Trong suốt 5 năm qua cô đã thu hút 115.000 người theo dõi Tik Tok và 7.000 lượt follow Instagram.

Ngoài ra, Putri cũng lọt vào mắt xanh của các thương hiệu thời trang và làm đẹp. Cô trở thành người mẫu quảng cáo cho các chiến dịch truyền thông hoặc làm người dẫn chương trình cho các sự kiện của họ.

Nhưng ngay cả những người hâm mộ lâu năm cũng chỉ nhìn thấy một phần nhỏ cuộc sống hàng ngày của cô. Phía sau "ánh hào quang" trên mạng, cô phải sắp xếp công việc của một influencer (người có sức ảnh hưởng) bên cạnh nghề chính là chuyên gia phát triển ở một công ty truyền thông.

Thông thường, Putri tan làm lúc 9h tối; sau đó cô phải thức đêm để có thể sản xuất nội dung trên mạng xã hội.

"Mọi người nghĩ rằng tất cả những gì tôi làm chỉ là nói vài dòng cho một video ngắn trên Instagram hoặc TikTok và tôi được trả tiền. Họ không biết được điều đó khó khăn đến mức nào.

Tôi phải lên ý tưởng, phát triển kịch bản, thảo luận với khách hàng, quay video và chỉnh sửa. Đồng thời, tôi cũng phải thu hút người theo dõi bằng cách trả lời bình luận và tin nhắn", cô chia sẻ với CNA.

Những influencer mới nổi như Putri gặp khá nhiều khó khăn, khi họ bắt đầu được trả tiền quảng cáo nhưng không đủ nhiều để có thể từ bỏ nghề nghiệp chính.

Đôi khi, các "ngôi sao" mạng xã hội làm việc 12 tiếng/ngày; và họ hầu như không còn thời gian dành riêng cho bản thân. Các influencer này cũng phải lưu tâm đến những phát ngôn đăng lên mạng do các chính sách truyền thông xã hội nghiêm ngặt.

Trên mạng xã hội, họ phải thể hiện tính cách vui vẻ và hạnh phúc, bất kể ngày hôm đó của họ diễn ra như thế nào, hay họ có thể cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức ra sao.

Nhiều lúc, influencer phải chiều lòng những vị khách hàng khó tính và những yêu cầu vô lý. Họ còn phải vượt qua những bình luận ác ý, không tránh khỏi ám ảnh tổn thương với chỉ trích không đáng có.

"Đó là phần mà mọi người không nhìn thấy. Chúng tôi cũng là con người bình thường và có những thăng trầm riêng", Putri bộc bạch.

Influencer là "công việc kinh doanh sinh lời"

Số lượng influencer ngày càng tăng lên, khi smartphone chụp ảnh chất lượng cao ngày càng có giá mềm, đồng thời là sự nở rộ của các nền tảng truyền thông xã hội mới xuất hiện.

"Ngày nay, ai cũng có thể là người sáng tạo nội dung. Nhiều người đến với công việc này vì nghĩ rằng có thể kiếm sống từ nó", Lidia Nofiani (quản lý tài năng tại PositiVibe Entertainment) nói.

Nofiani cũng chia sẻ, cô từng đồng hành cùng một trong những ngôi sao của công ty mình khi tổ chức hội thảo trực tuyến cho nhóm học sinh tiểu học. Khi được hỏi rằng muốn trở thành ai khi trưởng thành, một số em nói rằng: "Em muốn trở thành một Youtuber".

Trong khi đó, các doanh nghiệp ngày càng nhận thức rõ hơn về sức mạnh của các influencer. Người quản lý cho biết, kể cả những người có lượt follow khiêm tốn cũng có khả năng tạo ra các giao dịch thực tế.

Theo Nofiani, ngay cả những thương hiệu lớn không phải lúc nào cũng thuê những ngôi sao đình đám. Cô cho biết, làm sáng tạo nội dung là "một công việc kinh doanh sinh lời". Công ty cô hiện đang hợp tác với 18 influencer, một số người do cô quản lý kiếm được vài nghìn USD từ các hợp đồng tài trợ, MC và người mẫu.

Alamanda Shantika, giám đốc của nền tảng học tập trực tuyến Binar Academy, là một trong những người có tầm ảnh hưởng vi mô, hay còn gọi là micro influencer.

Shantika chỉ có 39.000 người theo dõi trên Instagram, nhưng cô có sức ảnh hưởng với tư cách là một doanh nhân công nghệ và là thành viên của đội ngũ đồng sáng lập Gojek; cô đã nhận được các hợp đồng quảng cáo từ một số thương hiệu lớn như Levis, Samsung và Hewlett Packard.

Shantika cho hay: "Tôi biết mình nhận được các hợp đồng không phải vì tôi có nhiều lượt theo dõi mà vì họ coi tôi là người của công chúng". Cô cũng nói thêm, những lời mời quảng cáo bắt đầu đến vào năm 2018, hai năm sau khi cô rời Gojek để thành lập công ty riêng.

"Ban đầu, đó là một trải nghiệm khó xử đối với tôi. Tôi phải chụp ảnh cả ngày và tôi không hề quen với công việc này. Tôi không phải là người mẫu, đây không phải là con người mình".

Nhưng chính trở thành influencer đã giúp cô có thêm nhiều cơ hội kết nối. Bởi cô đã gặp gỡ nhiều doanh nhân, tạo cơ hội kinh doanh cho công ty.

Vững tâm lý trước "cơn bão" chỉ trích

Muốn trở thành influencer không phải là chuyện dễ dàng mà đòi hỏi nhiều công sức, đặc biệt là khi người đó chưa nổi tiếng hay chưa có thành công được nhiều người biết đến.

"Mọi người nghĩ rằng trở thành influencer rất dễ dàng. Họ chỉ thấy chúng tôi nhận được nhiều sản phẩm miễn phí, có các hợp đồng tài trợ. Nhưng lại không hề biết chúng tôi đã mất nhiều thời gian để có được vị trí như ngày hôm nay", influencer Dana Paramita tâm sự.

Paramita (28 tuổi) hoạt động tích cực trên mạng xã hội từ năm 2012. Trang Instagram của cô bắt đầu được nhiều người biết đến vào năm 2016 khi cô ấy trở thành phóng viên truyền hình và chia sẻ về nghề làm truyền thông.

Dần dần, các thương hiệu bắt đầu tiếp cận cô, gửi sản phẩm miễn phí để cô đánh giá.

"Tôi nhận được hợp đồng đầu tiên khi có gần 100.000 người theo dõi trên Instagram. Đó chỉ là một khoản phí nhỏ nhưng tôi cảm thấy thật sự hạnh phúc. Tôi đã nói với chính mình rằng có thể kiếm tiền từ đây", Paramita nói.

Tuy nhiên, cô cũng phải trải qua khá nhiều khó khăn. "Tôi phải làm việc và đáp ứng rất nhiều kỳ vọng của khách hàng. Đôi khi, họ muốn tôi sửa đổi nội dung cho đến khi vừa lòng mới thôi".

Khi lượng người theo dõi tăng lên, cô càng phải để ý đến những lời nói và chia sẻ trên mạng xã hội. "Bạn phải xuất hiện như một phiên bản hoàn hảo của chính mình. Nếu phạm một sai lầm, có thể bị chỉ trích không thương tiếc".

Năm 2018, Paramita đã viết dòng trạng thái có chút đùa cợt khi đăng ảnh chụp với một vị quan chức mà cô phỏng vấn. Điều này khiến vợ của vị quan chức ấy tỏ ra khó chịu và không ngần ngại chỉ trích Paramita trên trang cá nhân. Với Paramita "đó là một sai lầm nghiêm trọng".

Ngay sau đó, Paramita phải hứng chịu làn sóng chỉ trích dữ dội. Cô choáng ngợp, sợ hãi bởi những bình luận và tin nhắn chửi bới cay nghiệt, cô khóa tài khoản trong một tháng. Thậm chí, Paramita còn bị tổng biên tập tòa soạn triệu tập và buộc phải giải trình sự việc.

"Đó là một trải nghiệm thực sự khủng khiếp. Đó là bài học để tôi biết sử dụng mạng xã hội một cách khôn ngoan hơn. Tôi đã mất 3 tháng để những bình luận ác ý không còn ám ảnh", Paramita nhớ lại.

Temilasari Dwenty, một influencer thường chia sẻ về đam mê viết lách và văn hóa đại chúng của Hàn Quốc, cho biết những bình luận ác ý đôi khi khiến bạn rơi vào khủng hoảng tâm lý.

"Để trở thành influencer, bạn không chỉ phải sáng tạo và có thương hiệu của riêng mình mà còn chịu trách nhiệm về tất cả nội dung bạn tạo ra. Đồng thời, hãy chuẩn bị tinh thần rằng một ngày nào đó có thể cảm thấy tổn thương vì những chỉ trích trên mạng".

Đừng mải mê chạy theo "lượt like"

Theo Nofiani, thay vì đuổi theo lượt thích và lượt xem bằng cách chạy đua với xu hướng hay thực hiện các thử thách lan truyền; thì điều quan trọng là phải tìm ra tiếng nói của chính mình hoặc sứ mệnh truyền cảm hứng và tạo động lực cho người khác thông qua mạng xã hội.

Putri cho biết nhiều người theo dõi cô đã liên hệ và bày tỏ rằng họ được truyền cảm hứng từ nội dung của cô về cách vượt qua thử thách cuộc sống khi học đại học.

"Một số người nói rằng, họ nhận được học bổng nhờ nội dung của tôi; hay thành công trong buổi phỏng vấn xin việc nhờ lời khuyên vượt qua rào cản tâm lý nói chuyện trước đám đông. Tôi chưa bao giờ nhận ra rằng những video chỉ 30s - 60s mà tôi sản xuất lại có thể tác động đến cuộc sống của người khác như vậy.

Đó cũng chính là động lực giúp tôi vượt qua khi bị xuống tinh thần, cảm thấy kiệt sức hoặc vực tôi dậy lúc bản thân muốn tạm dừng mạng xã hội. Chính họ đã thúc đẩy tôi sáng tạo nội dung tích cực nhiều hơn nữa", Putri hãnh diện cho hay.

Paramita nói rằng những phản hồi tích cực đáng giá hơn số tiền cô kiếm được từ mạng xã hội.

"Một số giảng viên đã gửi email cho tôi xin phép sử dụng nội dung của tôi làm tài liệu giảng dạy. Nhiều người nói rằng họ muốn trở thành một phóng viên chỉ bằng cách xem nội dung của tôi. Có những người mong đợi nội dung của tôi", cô hào hứng chia sẻ.

T.N

Theo CNA

Nguồn tin: dantri.com.vn


MC   Tik Tok   TikTok   chuyên gia   chính sách   doanh nghiệp   hành vi   hợp tác   khủng hoảng   sáng tạo   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...