02/10/2021 13:25  
Đánh giá đây là thời kỳ khó khăn nhất sau 35 năm đổi mới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói còn nhiều thách thức nhưng "ánh sáng" đã xuất hiện cuối đường hầm.

"Những khó khăn hiện nay là tạm thời. Tương lai còn nhiều thách thức nhưng ánh sáng đã xuất hiện. Giai đoạn cuối đường hầm này, nhiều cơ hội kinh tế đã mở ra, không chỉ bù đắp lại những mất mát đã qua mà còn là cơ hội lớn để phát triển thời gian tới", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu mở đầu hội nghị tiếp xúc trực tuyến của Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM với các cử tri doanh nghiệp trên địa bàn, sáng 2/10.

Chia sẻ với người dân TP HCM về những đau thương, mất mát do đại dịch gây ra, Chủ tịch nước bày tỏ sự cảm thông đối với nhân dân, các doanh nghiệp do phải dừng các hoạt động khi trải qua 4 tháng giãn cách xã hội nghiêm ngặt để phòng chống Covid-19.

"Tác động của dịch, thời gian qua ở TP HCM có hàng trăm nghìn người nhiễm bệnh phải điều trị, gần 15.000 người đã tử vong, hàng nghìn trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ, hoàn cảnh hết sức thương tâm", ông nói và cho biết cùng với đó là hàng chục nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa, giải thể và ngừng hoạt động.

Theo người đứng đầu Nhà nước, trong 9 tháng đầu năm nay, cả nước có 90.300 doanh nghiệp dừng hoạt động, riêng TP HCM có gần 16.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể. Kinh tế quý 3/2021 của TP HCM âm 24,39%, cả ba quý âm 4,98%. Đây là mức thấp nhất trong 10 năm qua.

Biểu dương các doanh nghiệp, dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn nỗ lực chung sức, đồng lòng cùng chính quyền TP HCM chống dịch, Chủ tịch nước khẳng định Đảng, Nhà nước và chính quyền thành phố cùng các bộ, ngành Trung ương đang và sẽ tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, từng bước nới dần giãn cách xã hội, giúp phục hồi kinh tế thành phố. Đặc biệt, các cơ quan Trung ương sẽ có chính sách cụ thể hỗ trợ cho doanh nghiệp về tài chính, tiền tệ.

Ghi nhận 12 ý kiến đại diện cho các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực tại hội nghị, Chủ tịch nước đề nghị đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM tổng hợp đầy đủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng cũng như Thành ủy, UBND thành phố.

Lãnh đạo Nhà nước cũng cho rằng cần tăng cường chính sách miễn, giảm thuế thay vì chỉ hoãn một số loại thuế để hỗ trợ doanh nghiệp; đồng thời tiếp tục nuôi dưỡng nguồn thu bền vững. Đặc biệt, ông đề nghị ngành ngân hàng tiếp tục chia sẻ hơn nữa với khó khăn của ngành kinh tế, nhất là chủ động giảm lãi suất đến mức có ý nghĩa để hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân.

"Chúng ta không đặt vấn đề lợi nhuận lên trên mà phải chia sẻ lợi nhuận này một phần cho sản xuất kinh doanh. Đây là điều hết sức cần thiết trong lúc này. Việc này cần được làm tốt hơn với mọi ngân hàng chứ không chỉ các ngân hàng lớn của nhà nước", ông nói.

Tại hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM Chu Tiến Dũng, cho biết tác động của Covid-19, hầu hết các ngành nghề, các lĩnh vực đều rơi vào tình trạng tê liệt, phải đóng cửa, ngừng kinh doanh trong thời gian giãn cách xã hội từ 9/7 đến nay, chỉ có gần 20% năng lực sản xuất được duy trì hoạt động theo mô hình "3 tại chỗ", "một cung đường 2 địa điểm".

Các doanh nghiệp còn duy trì hoạt động chủ yếu để bảo đảm sản xuất cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân... nhưng chi phí cao, thua lỗ nặng, không thể kéo dài bền vững được. "Khách hàng sụt giảm, doanh thu không đủ bù đắp chi phí, dòng tiền bị thu hẹp đáng kể thậm chi không đủ trả nợ tiền vay và lãi tiền vay đến hạn, chuỗi cung ứng trong nước và nước ngoài bị đứt gãy nghiêm trọng", ông Dũng nói.

Ông Dũng cũng cho rằng tác động của phí vận chuyển làm điêu đứng các doanh nghiệp xuất nhập khẩu; tác động ngành logistics còn gây tác động lớn cho các ngành nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, kể cả ngành xây dựng - bất động sản. Thống kê đến tháng 8 năm nay, TP HCM có 24.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường tính từ đầu năm, chiếm hơn 28% và tăng 6,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, con số thực tế còn cao hơn nhiều vì một số lớn doanh nghiệp chưa khai báo.

Về tình hình lao động, ông Dũng cho biết qua số liệu khảo sát, khoảng gần 30% lao động bị mất việc làm; trong đó ngành da giày giảm rất sâu ở mức 62%; ngành dệt may giảm hơn 42%; ngành dịch vụ lưu trú (khách sạn) giảm 37%; ngành dịch vụ ăn uống giảm 38%.

Theo ông Dũng, do mất việc, không có thu nhập tăng cao áp lực lên công tác an sinh xã hội của thành phố. Số người lao động phải rời thành phố về quê ước tính vài trăm ngàn người. Một bộ phận người lao động do bị tác động của đại dịch có tâm lý hoảng loạn, sang chấn tâm tý, không muốn quay lại doanh nghiệp làm việc, hoặc về tỉnh rồi thì không muốn quay lại TP HCM tiếp tục làm việc. Đây sẽ là khó khăn lớn khi doanh nghiệp phục hồi sản xuất trở lại.

Trước tình hình đó, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM đề nghị Chính phủ và chính quyền thành phố và các tỉnh cần có giải pháp tạo điều kiện thuận lợi để người lao động có thể quay lại doanh nghiệp sản xuất sau khi kiểm soát được dịch bệnh (lưu thông đi lại và tiêm vaccine cho người lao động).

Hữu Công

Nguồn tin: vnexpress.net


Chính phủ   Covid   Covid-19   HCM   Hiệp hội   Kinh tế   Lãnh đạo   Tương lai   chính sách   doanh nghiệp   dịch vụ   logistics   sản xuất   thực phẩm  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...