28/09/2020 8:09  
Cao Thị Thùy Uyên, sinh viên (SV) năm 4 Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM đã có cuộc khảo sát khá thú vị về văn hóa đọc sách của các bạn SV trong trường. Sau đây là những cảm nhận của Uyên:

Tình cờ nhận được lời đề nghị viết bài văn hóa đọc của các bạn SV từ Báo Doanh Nhân Sài Gòn (Nhân tuần lễ Doanh nhân và sách, từ 8/10-14/10/2020), mình đã dành nhiều ngày dạo quanh thư viện của trường cũng như gặp, trao đổi với nhiều bạn SV.

Bắt đầu từ thư viện, nơi lui tới của hầu hết SV. Nhìn chung, mình nhận thấy số lượng SV đến đây học nhóm thì nhiều nhưng nghiên cứu thì ít, một phần do mới bắt đầu năm học nên SV chưa quan tâm đến hoạt động nghiên cứu khoa học, làm đề tài tốt nghiệp. ĐH Nông Lâm có hẳn một câu lạc bộ Sách và Hành động Nông Lâm. Vào thứ 5 hàng tuần trước sảnh thư viện, các bạn SV có thể tới đây đọc, mượn sách. Xuân Trúc – SV năm 4, đang “giữ chức” Chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết các đầu sách ở của câu lạc bộ phong phú, từ sách kinh tế, kỹ năng, khởi nghiệp, văn học, kỹ thuật, tự truyện...

"Nguồn sách ở đây chủ yếu từ các bạn SV trường ký gửi cho câu lạc bộ và một nguồn nữa từ Trung tâm ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ của trường", Xuân Trúc nói. Xuân Trúc nhận xét về văn hóa đọc trong SV thường có xu hướng tìm sự mới mẻ qua các tác phẩm, bài học về cách sống, thái độ sống để phục vụ cho sự trưởng thành của họ.

Với riêng bản thân mình, Trúc cho rằng đọc sách của tác giả doanh nhân không hẳn là vì họ là doanh nhân mà là vì đó là câu chuyện thật về hành trình lập nghiệp của họ. Từ đó giúp người đọc nhìn nhận cuộc sống, tìm cách phấn đấu để tìm được con đường của bản thân.  

Còn bạn Cẩm Phương, cô SV năm 4 thì cảm nhận việc đọc sách doanh nhân là duyên lành để bạn biết đến những người thầy lớn như thầy Phan Văn Trường, cô Nguyễn Phi Vân. Sách của họ chia sẻ rất chân thành, thấm đượm cảm xúc từng trải và qua đó bạn học được rất nhiều điều, có thêm nhiều cách nhìn mới.

Hiện thư viện trường Nông Lâm tiếp nhận trung bình mỗi ngày có khoảng 50 lượt mượn sách. Trong năm 2019, các đầu sách về tế, khởi nghiệp, tự truyện của doanh nhân có 60 lượt mượn/ngày, chiếm khoảng 13% trong tổng số 460 lượt. Một con số có thể nói lên mức độ quan tâm của các bạn đến chủ đề này còn hạn chế. Khi được hỏi bạn có hay đọc các thể loại sách kinh tế, sách do doanh nhân viết không? Vũ Hoàng Kim - sinh viên năm 4 chia sẻ: "Hiện tại thì chưa, mình chỉ hay nghe doanh nhân 'thầy 5' thôi - kênh youtube chỉ cách kinh doanh".

Văn hóa đọc trong SV hiện nay tuy phát triển hơn. Tuy nhiên, nhìn vào sự hỗ trợ thì thư viện hay các câu lạc bộ về sách chưa truyền thông tốt đến đọc giả, thời gian cũng như cách thức mượn chưa phù hợp, SV chưa thật sự thấy được lợi ích của việc đọc sách, đa phần đọc để giải trí, lo chạy theo bài vở trên trường... Nhiều đầu sách mang tính lý thuyết, không có tính thực tế khiến người đọc chán và thói quen lười đọc lâu nay chưa thay đổi...

Chúng ta dễ dàng tìm thấy sách do doanh nhân nước ngoài viết như Jack Ma, Donald Trump, Bill Gates..., nhưng sách do doanh nhân Việt Nam viết thuộc loại hiếm, tiêu biểu có một số doanh nhân viết sách như Giáo sư Phan Văn Trường, chị Nguyễn Phi Vân, anh Nguyễn Tuấn Quỳnh, thầy Giảng Tư Trung, anh Lâm Minh Chánh, cô Lê Thị Thanh Lâm...

Thế hệ trẻ Việt Nam mong muốn được đọc những tác phẩm do chính doanh nhân Việt viết, vì đó là những chia sẻ rất thực, rất Việt và rất "người". Các vị là những người góp phần thúc đẩy văn hóa đọc trong SV Việt Nam nói chung và bạn đọc nói riêng.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Donald Trump   truyện   cuộc sống   thói quen   Sách   Doanh Nhân   doanh nhân  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...