03/11/2021 15:20  
Chương trình phục hồi kinh tế này có quy mô gấp 3,5 lần gói hỗ trợ của Chính phủ năm 2021, cao nhất từ trước đến nay...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) vừa trình Chính phủ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh Covid-19 với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, khoảng 800 nghìn tỷ đồng (gần 35 tỷ USD).

Hơn 200 nghìn tỷ phát triển hạ tầng giao thông

Theo Bộ KHĐT, Chương trình phục hồi kinh tế được thực hiện trong giai đoạn 2022-2023, gồm 4 chương trình thành phần: Chương trình tổng thể mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh Covid-19; Chương trình an sinh xã hội và việc làm; Chương trình phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.

Chương trình phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2023 tập trung vào các đối tượng bao gồm: Người dân, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19; Các doanh nghiệp không phân biệt thành phần kinh tế và quy mô và tình trạng hoạt động; Các hợp tác xã, hộ kinh doanh; Các ngành, lĩnh vực, hoạt động kinh tế tạo động lực phục hồi và phát triển cho nền kinh tế.

Nội dung cụ thể của gồm: Giảm thuế, giảm lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng, cấp bù lãi suất cho vay của một số ngành, tạo cơ chế cho Tổng công ty Đầu tư và Quản lý vốn nhà nước (SCIC) mua lại, đầu tư vào các doanh nghiệp trong một số ngành quan trọng đang gặp khó khăn.

Chương trình có một số chính sách mới như giảm thuế giá trị gia tăng đối với hàng hoá, dịch vụ cho mục đích kích cầu tiêu dùng, cho phép doanh nghiệp chuyển lỗ về trước. Kinh phí cho chương trình này khoảng 370 nghìn tỷ đồng.

Chương trình phục hồi cũng có chính sách đặc biệt hỗ trợ với các ngành chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh như hàng không, du lịch, nông - lâm nghiệp và thủy sản, khởi nghiệp sáng tạo…

Chương trình phát triển hạ tầng giao thông dự kiến kinh phí 220 nghìn tỷ đồng, phát triển nhà ở cho công nhân - nhà ở xã hội khoảng 55 nghìn tỷ đồng….

Huy động tiền từ đâu?

Quy mô Chương trình hỗ trợ kinh tế lần này cao nhất từ trước đến nay. Vậy huy động vốn từ đâu? Bộ KHĐT cho rằng có thể thực hiện theo tiến độ thực hiện, giải ngân của từng chương trình thành phần, nhiệm vụ chi cụ thể, gồm các nguồn: Nguồn tiết kiệm chi thường xuyên; Nguồn phát hành trái phiếu chính phủ; Các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và Quỹ dự trữ ngoại hối trong trường hợp cần thiết; Nguồn vay các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)…

Việc huy động các nguồn lực trên để thực hiện Chương trình kích thích có thể làm quy mô nợ công theo các kịch bản khoảng 47% năm 2022 và 49% năm 2023, tuy nhiên theo Bộ KHĐT vẫn trong tầm kiểm soát.

Bộ KHĐT cho rằng, quy mô nợ công năm 2021 khoảng 43,6% GDP, thấp hơn nhiều mức cảnh báo 55% GDP. Trong khi đó, quy mô dự trữ ngoại hối của Việ Nam hiện đã đạt gần 100 tỷ USD; Lãi suất cho vay trong nước và quốc tế đang ở mức thấp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, đây là nguồn lực huy động quan trọng để sử dụng nguồn vốn vào phục hồi kinh tế.

Bộ KHĐT cũng nhấn mạnh không gian chính sách tiền tệ vẫn còn dư địa để nới lỏng thêm; Lạm phát được dự báo còn ở mức thấp, lãi suất chiết khấu, tái cấp vốn còn có thể giảm thêm; Chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi còn dư địa giảm; Thị trường chứng khoán phát triển nhanh làm giảm áp lực các kênh huy động qua tín dụng…

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, khi triển khai Chương trình hỗ trợ cần rút kinh nghiệm của các gói hỗ trợ, chương trình kích thích kinh tế trước đây. Bên cạnh nguồn lực rất quan trọng thì cần phải chú trọng thời gian thực hiện phải nhanh, hiệu quả và phải giám sát tốt để đi đúng đối tượng, tránh thất thoát.

Nguồn tin: www.24h.com.vn


Chính phủ   Covid   Covid-19   Lãi suất   Ngân hàng   chuyên gia   chuyên gia kinh tế   chính sách   doanh nghiệp   du lịch   dịch vụ   hợp tác   sáng tạo   Đầu tư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...