24/11/2021 17:15  
"Dù TP.HCM trở lại hoạt động trong trạng thái "bình thường mới", việc sản xuất, kinh doanh (SX-KD) của hầu hết doanh nghiệp (DN) đã được nối lại. Tuy vậy, dịch Covid-19 có thể lại bùng phát, nên Sở Công Thương TP.HCM đã dự liệu những tình huống xấu có thể xảy ra để chủ động trong việc ứng phó với thị trường và hỗ trợ DN". Đó là ý kiến của ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM khi trao đổi với phóng viên Doanh Nhân Sài Gòn.

* Thưa ông, Sở Công Thương đánh giá thế nào về sự phục hồi SX-KD của DN?

- Hiện nay, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất có 1.355 DN hoạt động trở lại, đạt 96%. Khu công nghệ cao có 88 DN hoạt động trở lại, đạt 100%. Trên 90% DN ngoài những khu tập trung trên đã sản xuất trở lại. Trong đó, ngành cơ khí, cao su - nhựa, điện tử - công nghệ thông tin, chế biến lương thực - thực phẩm, chế biến gỗ, dệt may, da giày đều trở lại sản xuất đạt tỷ lệ từ 85 đến 100%. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng trong tháng 10, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đã tăng 23,6% so với tháng trước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 43.602 tỷ đồng, tăng 26,95% so với tháng trước.

* Để hỗ trợ DN, Sở Công Thương đã và sẽ có những kế hoạch gì, thưa ông? 

- Lãnh đạo Thành phố đã chỉ đạo các sở, ban ngành rà soát cung cầu lao động. Sở Công Thương đã làm việc với các sở, ngành liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi đưa người lao động trở lại Thành phố. Hiện DN rất muốn tăng công suất sản xuất như trước giãn cách nhưng đang thiếu lao động. Sở Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các hội ngành nghề nắm bắt nhu cầu lao động để giúp DN. Thời gian qua, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ người dân ổn định đời sống, hỗ trợ DN duy trì và từng bước phục hồi SX-KD, trong đó có các giải pháp hỗ trợ về vốn, như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí; hỗ trợ DN tiếp cận các nguồn vốn vay với lãi suất thấp, vốn vay không lãi suất để trả lương cho người lao động ngừng việc. Vừa qua, tại Hội nghị Sơ kết chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trong ba tháng cuối năm 2021, lãnh đạo Thành phố đã tổ chức ký kết cho vay giữa 13 chi nhánh NH thương mại đối với 65 DN là hơn 15.000 tỷ đồng. Dự kiến từ nay đến cuối năm, Thành phố tiếp tục chương trình kết nối ngân hàng - DN với gói hỗ trợ tín dụng khoảng 70.000 tỷ đồng.

* Dịch bệnh đang có chiều hướng tăng trở lại. Theo ông, DN cần phải chuẩn bị gì nếu Covid-19 lại bùng phát và Sở Công Thương có những giải pháp nào tiếp tục hỗ trợ DN?

- DN phải thực hiện nghiêm Bộ Tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 tại các cơ sở SX-KD và Hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM về công tác phòng chống dịch tại DN trong giai đoạn bình thường mới để chủ động phòng chống dịch theo nguyên tắc kiểm soát nguy cơ lây nhiễm, phát hiện sớm ca nhiễm, cách ly, khoanh vùng kịp thời, không để dịch lây lan; và thực hiện mục tiêu vừa chống dịch, vừa đảm bảo SX-KD, đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động.

Sở Công Thương đang phối hợp với Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức rà soát, đánh giá năng lực, phương án sản xuất và cung ứng hàng hóa của DN, đảm bảo kế hoạch cung ứng lương thực, thực phẩm, trước mắt là phục vụ thị trường Tết Nhâm Dần 2022; đồng thời nghiên cứu xây dựng mô hình hoạt động mang tính bền vững hơn trong thời gian tới, nhất là đối với chuỗi sản xuất 4 ngành công nghiệp trọng điểm (cơ khí, hóa dược, chế biến thực phẩm, sản xuất hàng điện tử) và hai ngành công nghiệp truyền thống (dệt may, da giày), chuỗi liên kết cung ứng nông sản thực phẩm qua ba chợ đầu mối nhằm thích ứng với bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài và chuyển đổi số nền kinh tế. Trong đó tính toán đầu tư vùng nguyên liệu, cơ sở hạ tầng, logistics, công nghệ, áp dụng thương mại điện tử nhằm giảm thiểu tiếp xúc.

* Cảm ơn ông!

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Covid   Covid-19   Doanh Nhân   HCM   Lãnh đạo   doanh nghiệp   dịch vụ   logistics   sản xuất   thực phẩm   Đồng Nai  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...