24/01/2021 13:20  
Manchester United đã và đang trải qua khoảng thời gian đầy khó khăn sau sự chia tay của vị chiến lược gia vĩ đại Sir Alex Ferguson trên băng ghế chỉ đạo.

   

Không ai ngờ gần 10 năm trôi qua nhưng một đội bóng hàng đầu thế giới như Manchester United vẫn chưa thể tìm lại chính mình dù cho "Quỷ Đỏ" đã làm đủ mọi cách. Thống kê chỉ ra rằng, Man Utd đã đốt 1 tỷ bảng kể từ sau khi Sir Alex Ferguson nghỉ hưu. Tuy nhiên, ánh hào quang vẫn còn xa vời với đội chủ sân Old Trafford.

MU từng là thế lực không đối thủ ở giải Ngoại hạng Anh trong quá khứ nhưng kể từ sau khi HLV huyền thoại Sir Alex Ferguson nghỉ hưu vào năm 2013, đội bóng này đã không còn duy trì được vị thế ở giải đấu bóng đá số 1 xứ sương mù.

Thậm chí, giờ đây, việc cạnh tranh vé dự Champions League mỗi mùa giải cũng vô tình trở thành mục tiêu số 1 mà "Quỷ Đỏ" hướng tới. Các HLV đều cố gắng chi rất nhiều tiền để mang về nhiều ngôi sao nhưng điều đáng tiếc, cách làm đó vẫn chưa đủ để mang lại hiệu quả.

Theo thống kê, kể từ sau khi Sir Alex Ferguson ra đi, MU đã chi tới 1 tỷ bảng để tăng cường lực lượng (chỉ xếp sau Man City trong cùng khoảng thời gian). Trải qua 4 đời HLV là David Moyes, Louis Van Gaal, Jose Mourinho và Ole Gunnar Solskjaer, người hâm mộ MU chỉ thực sự nhìn thấy đôi chút bóng dáng của đội bóng ngày nào dưới triều đại cựu tiền đạo Solskjaer.

Dù còn quá sớm để khẳng định vị chiến lược gia người Na Uy có thể hồi sinh thế hệ vàng MU ngày nào, nhưng ít nhất, văn hóa bóng đá đang là điều được Solskjaer chú trọng và trở thành một nước đi được cho là đúng hướng.

Nhìn rộng hơn, MU đã thất bại trong việc "nuông chiều" thái quá những HLV như Van Gaal hay Mourinho. Dù là hai nhà cầm quân nổi tiếng bậc nhất châu Âu nhưng rõ ràng, cách mua sắm ồ ạt và thiếu chọn lọc sau mỗi mùa giải thất bát đã khiến MU trở thành một tập thể lủng củng và thiếu bản sắc.

Một nguyên nhân khác khiến quãng thời gian bết bát của MU kéo dài đến từ sự yếu kém trong chuyển nhượng. Trong thời đại mới, cơ cấu đội bóng được chia bớt công việc chứ không tập trung kiêm nhiệm quá nhiều. Sự xuất hiện của vị trí Giám đốc thể thao trong mỗi đội bóng để lo các công tác chuyển nhượng là vô cùng quan trọng.

Những Man City hay Chelsea chuyển mình cũng nhờ nhân vật có chuyên môn và tầm nhìn xa này. Tuy nhiên, cho đến giờ Man United vẫn khuyết vị trí này. Mọi quyết sách đều do Phó chủ tịch Ed Woodward đảm trách, kể cả việc duyệt danh sách mua sắm.

Xuất phát là một kế toán viên chỉ giỏi kiếm tiền, thật khó để chờ đợi Ed Woodward khôn ngoan trên thị trường chuyển nhượng. Dễ hiểu vì sao Man United luôn bị xem là "gã khờ" mỗi khi phiên chợ chuyển nhượng mở cửa. Nên nhớ, việc thành công trong các thương vụ chuyển nhượng là bước quan trọng có thể thay đổi tích cực cho mỗi đội bóng.

Dẫu vậy, lý do lớn nhất khiến MU liên tục phải "đập đi xây lại" chính là việc Ban lãnh đạo "Quỷ Đỏ" bị ảnh hưởng quá lớn bởi áp lực dư luận. Chiếc ghế nóng dành cho HLV trưởng MU liên tục trở thành cơn ác mộng với những tên tuổi từng được coi là có cá tính mạnh như Van Gaal hay Mourinho.

Sở dĩ những Pep Guardiola và Jurgen Klopp thành công tại Man City hay Liverpool là nhờ vào việc họ được trao niềm tin tuyệt đối cả về tiếng nói cũng như thời gian. Pep Guardiola trắng tay trong mùa đầu tiên dẫn dắt Man City. Jurgen Klopp chỉ mới gặt hái vinh quang cùng Liverpool sau khởi đầu bị nghi ngờ.

Trong khi đó, Jose Mourinho từng khẳng định ông không được trao thêm thời gian tại Old Trafford dù vẫn còn nhiều kế hoạch đang ấp ủ. 4 chiến lược gia đã xuất hiện trong vòng chưa tới 10 năm đã phần nào cho thấy MU đích thực là một "lò xay" HLV tầm cỡ, đồng thời cũng thể hiện sức nóng của chiếc ghế chỉ đạo đội bóng này.

Rõ ràng, "Quỷ Đỏ" đã rút ra được khá nhiều bài học qua từng thời kỳ và giờ là lúc họ phải áp dụng một cách hiệu quả nhất vào triều đại của HLV Solskjaer.

Nguồn tin: www.24h.com.vn


HLV   Man City   Ngoại hạng Anh   chiến lược   huyền thoại   kế toán  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...