17/04/2021 10:06  
Qua hội đàm lần này, diễn ra tại Nhà Trắng, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga trở thành lãnh đạo nước ngoài đầu tiên mà Tổng thống Mỹ Joe Biden hội đàm trực tiếp kể từ khi ông nhậm chức.
Trước khi hội đàm với Tổng thống Biden, Thủ tướng Suga đã có cuộc gặp với Phó tổng thống Kamala Harris.

Đồng minh quan trọng

Trả lời Thanh Niên ngày 16.4, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận định Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật lần này ẩn chứa thông điệp quan trọng.
“Mỹ tập trung vào cuộc cạnh tranh Trung Quốc và để đối phó Trung Quốc, Nhật Bản sẽ là đồng minh quan trọng nhất của Mỹ. Sở dĩ Washington tập trung vào cuộc cạnh tranh với Bắc Kinh, như các tài liệu do chính phủ Mỹ công bố, là vì Washington đang đối mặt 3 thách thức từ Bắc Kinh gồm quân sự, kinh tế và giá trị”, TS Nagao nói.
Ông cũng dẫn lại rằng hồi tháng trước, sau hội đàm 2+2 gồm ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng cả 2 nước, tuyên bố chung được đưa ra đã đề cập rõ ràng đến tên của quốc gia “Trung Quốc” và chỉ ra nhiều vấn đề liên quan. Trong đó, vấn đề Đài Loan đang khiến nhiều bên quan ngại, do Trung Quốc đại lục đẩy mạnh áp lực của họ đối với Đài Bắc.
“Chính vì thế, Đài Loan là chủ đề đang khiến cả Mỹ lẫn Nhật quan tâm”, TS Nagao đánh giá.

Vẫn còn khác biệt

Tương tự, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản; học giả tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương ở Canada) cũng cho rằng Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật thể hiện tầm quan trọng của Tokyo đối với Washington.
“Cụ thể, với Mỹ thì Nhật Bản không chỉ là đồng minh, mà còn có vai trò quan trọng đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific)”, PGS Nagy đánh giá và nhận định trong các mối quan tâm chung, cả Washington lẫn Tokyo đều quan ngại sâu sắc về hành động “cơ bắp” của Bắc Kinh đối với Đài Bắc, điển hình như vụ hàng chục máy bay chiến đấu của Trung Quốc đại lục đã xâm nhập Vùng nhận diện phòng không của Đài Loan mới đây.
“Tuy nhiên, giữa hai bên vẫn còn một số khác biệt khi thực thi chính sách đối với Trung Quốc. Nổi bật phải kể đến việc Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và là nước láng giềng tiếp theo của Nhật Bản. Tuyên bố chung Mỹ - Nhật nếu chỉ trích Trung Quốc quá mạnh mẽ thì có thể gây ra phản ứng kinh tế đối với Tokyo. Đây là điều mà chúng ta từng thấy qua các hành động cưỡng ép kinh tế của Trung Quốc nhằm vào Úc, Hàn Quốc, và Nhật Bản trong quá khứ”, PGS Nagy đặt vấn đề.
Bên cạnh đó, theo ông, năm nay là dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đài Loan vẫn là “lằn ranh đỏ” mà Bắc Kinh đặt ra, nên nếu thông cáo chung Mỹ - Nhật đề cập đến Đài Loan thì nhiều khả năng sẽ gây ra phản ứng mạnh mẽ chống lại Tokyo. Bởi Trung Quốc cần giữ hình ảnh cho chính quyền đương nhiệm của nước này.
Bên cạnh việc ép buộc kinh tế, Bắc Kinh còn có những con bài khác để gây áp lực với Nhật Bản, bao gồm tăng cường các hoạt động vùng xám xung quanh quần đảo Senkaku/Điều Ngư mà hai bên đang tranh chấp, hoặc ngầm hỗ trợ Bình Nhưỡng.
“Trong khi đó, bất cứ chiến lược nào của Washington ở khu vực muốn đạt được thành công và bền vững, thì đều phải cần Tokyo vì vai trò quan trọng của Nhật. Vì thế, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật lần này nhằm đảm bảo tái khẳng định sự hợp tác, cũng là để trấn an các bên trong khu vực Indo-Pacific về sự tham gia của Washington và Tokyo”, ông Nagy đánh giá.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Joe Biden   Nhà Trắng   Nhật Bản   Trung Quốc   Tổng thống   chiến lược   chính sách   hợp tác  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...