16/08/2021 9:45  
Content_lblContentHtml">

Cứ như là đến hẹn lại lên, cứ mỗi lần cây ươi bay trên rừng đến mùa trái là điệp khúc “chặt cây hái trái” lại ngân lên, người chặt cây hái trái cùng người buôn trái ươi vui tươi với tiền nong có được nhưng núi rừng lại thêm xác xơ bởi một loài cây quý đang đến gần bờ tuyệt diệt.

Trái ươi bay là trái cây bổ dưỡng, khi khô chỉ bằng đầu ngón trỏ người lớn, chỉ cần rửa sơ qua, bỏ chừng dăm trái vào một bát nước trong, thêm ít đường, ngâm chừng mươi phút là trái nở tung ra đầy bát là có một bát chè ươi đủ cho một người dùng giải nhiệt và tẩm bổ. Có lẽ để bù cho những khó khăn, thua thiệt của cư dân vùng Trường Sơn, Tây Nguyên, thiên nhiên đã ưu ái cho vùng núi rừng ở đây có được loại cây cho trái quý như là một phương dược tẩm bổ này.

Không giấu che của quý, Mẹ thiên nhiên còn có cách ra dấu cho những sơn dân thụ hưởng nhận ra sắc màu của mùa trái chín. Cây ươi bay mọc dày rừng, từng chùm trái chín ken dày với màu đỏ nhạt lấn át cả màu xanh của tán lá, khi nhìn lên thấy rừng xanh chuyển màu đỏ nhạt lác đác là biết mùa ươi đang chín tới!

Mỗi trái ươi có hai cánh mỏng tựa hai cánh dù trên đầu cuộn trái, khi tới độ chín, gió thổi nhẹ qua là từng trái hay từng chùm trái bay tà tà với cánh dù xòe, số rơi xuống đất, số mắc lại trên cành cây, ai đến trước chỉ cần lượm dưới đất là đủ, còn phần trái mắc trên cành sẽ dành cho người đến chậm.

Trái ươi bay dần rộng đường xuất khẩu từ hơn vài chục năm nay, thật không may lại là khởi đầu của thảm nạn rừng ươi. Cư dân của xứ sở cây ươi bay bao đời không ai chặt cây hái trái dù trái ươi bay có được giá cao đến mấy. Giỏi leo trèo, họ chỉ chặt, bẻ những cành nhánh hay những chùm trái họ có thể vươn tới, còn phần lớn họ chỉ giỏi lùng sục rộng ra mặt rừng để bòn lượm.

Trải đời với rừng xanh, họ quý rừng như quý sự sống của chính mình. Với họ, những sản phẩm phụ của rừng như mật ong, cây dược liệu, các loại linh chi, trái ươi bay... là của ăn của để suốt đời mà thiên nhiên, hay nói theo họ là Yàng núi, Yàng sông đã ban cho tổ phụ họ rồi đến họ, họ phải quý, phải giữ gìn để mà sống lâu bền với cõi giang sơn gắn bó với mình.

Những rừng ươi bay sung nẫm ở Trường Sơn, Tây Nguyên bắt đầu mùa tang thương khi những chiếc rìu, những lưỡi cưa đơn của người miền xuôi chỉ biết “hái cho đầy túi tham” chạm đến. Sự tăng tốc của sự hủy hoại đau lòng này, thật kinh khủng: thay thế dần cho chiếc rìu, cho lưỡi cưa đơn là máy cưa lốc cầm tay. Một cây gỗ có đường kính 1 mét bị hạ chỉ chừng mươi lăm phút, rừng ươi nào chịu nổi với những tốp người săn ươi bay tỏa khắp mặt rừng. Một cây ươi có trái phải mất từ 25 năm sinh trưởng trở lên!

Càng đau lòng cho cây ươi rừng, vài năm lại đây, một ít cư dân bản địa của rừng ươi cũng hạ cây ươi để hái trái. Nhưng khó mà nặng lời trách họ khi mà họ đã cứ nấn ná giữ rừng, dõi theo sự an nguy của từng vùng ươi quê mình và rồi đành phải ngậm ngùi nhìn chúng chết thảm dưới lưỡi cưa của người chặt cây hái trái miền xuôi lũ lượt dồn đến. “Mình giữ miết mà giữ không lại. Còn lại mấy cây thôi thì mình không chặt họ cũng chặt!”, trách họ sao đây?

Đưa lưỡi cưa hạ những cây ươi quê mình gục xuống để ăn vét lần cuối nguồn của còn lại của rừng quê mình, những người Cor, Ca Dong, Cơ Tu... bản địa (ở rừng Trường Sơn Quảng Nam) này nói họ rất xót bụng. Mỗi ki lô gam trái ươi hiện có giá bán là 250.000 đồng, nếu cây ươi không bị chặt hạ, họ sẽ có nguồn thu truyền đời từ rừng ươi bay của xứ sở mình.

Chặt cây hái trái, lại là chặt hàng loạt, không chừa không để. Đây lại là cây lưu niên, sống đến năm - bảy chục năm hơn, trái có giá trị kinh tế cao, cây chặt rồi rất khó tái sinh: quả là chuyện nghịch thường, chuyện xưa nay chưa hề có. Thật lắm đau buồn!

Nhưng cũng may trước vài tin vui có được từ vài vùng cao có cây ươi bay ở Trường Sơn Quảng Nam. Đó là vài làng bản của cư dân Cơ Tu ở huyện Nam Giang đã lập nên những đội giữ rừng ươi bay vào mùa trái chín từ vài mùa trái đến nay. Còn ở huyện Nam Trà My đã có vài hộ người Ca Dong ươm trồng cây ươi bay vào vườn rừng gần nhà gần mươi năm nay. Cầu cho những tia sáng cuối đường hầm này sẽ bật lên thành nguồn sáng tốt lành, kịp cứu cho một nguồn tài nguyên không dễ có của một cõi Trường Sơn, Tây Nguyên.  

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


bổ dưỡng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...