24/12/2021 17:10  
"Nhiều người lao động bị mất tiền khi được thông báo làm thủ tục, hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đây là hành vi lợi dụng của các đối tượng xấu chứ không phải của cơ quan bảo hiểm", LS Hanh nói.

Độc giả đặt câu hỏi với báo Dân trí xung quanh việc gần đây một số người có phản ánh bị trừ mất 35 triệu đồng trong tài khoản sau khi nhận được tin nhắn thông báo và hướng dẫn nhận tiền hỗ trợ từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, luật sư, chuyên gia am hiểu lĩnh vực đều lên tiếng.

Tại tọa đàm "Nguồn động viên kịp thời giúp người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19" được báo Dân trí tổ chức mới đây, người đọc đặt nhiều câu hỏi xung quanh vấn đề bảo hiểm thất nghiệp được các luật sư, người có trách nhiệm giải thích khá cặn kẽ.

Trả lời về câu hỏi người lao động bị đối tượng xấu lợi dụng, LS Bùi Khắc Hanh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội thông tin thực tế, thời gian qua nhiều người lao động bị nhắn tin vào điện thoại với nội dung: "đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp". Sau đó, người nhắn tin gửi kèm một đường dẫn lạ và gợi ý "nếu quá hạn sẽ không được chấp nhận".

"Ngoài tin nhắn SMS, tin nhắn zalo thì các đối tượng còn liều lĩnh gọi điện thoại cho người dân. Khi người dân mất cảnh giác, ấn vào đường dẫn hoặc làm theo yêu cầu của người gọi thì sẽ bị mất tiền trong tài khoản", ông Hanh nói.

Bên cạnh đó, theo đại diện Đoàn Luật sư Hà Nội, ngành chức năng đã khẳng định đây là thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao, lợi dụng tình hình dịch bệnh để chiếm đoạt tiền của người lao động. Thủ đoạn tuy không mới nhưng lại đánh trúng tâm lý của người lao động. Cơ quan chức năng quản lý quỹ BHTN không gửi bất kỳ tin nhắn nào có nội dung như trên.

Ông Hanh nhấn mạnh, vì thế, nếu có nhận được tin nhắn, cuộc gọi với nội dung tương tự, người lao động không nên nhấp cào bất kỳ đường dẫn nào, nếu không sẽ có khả năng lộ thông tin cá nhân và bị hack tài khoản chiếm đoạt tiền.

Luật sư Hanh khẳng định, chính sách BHTN là một trong những chính sách ưu việt của nhà nước ta, vì thế, không có chuyện lợi dụng dịch bệnh để chiếm đoạt tiền của người lao động. Mà hơn hết, trong giai đoạn khó khăn bởi dịch bệnh, chính sách này thực sự đã phát huy vai trò đồng hành, trở thành "nguồn động viên" lớn đối với người lao động, nhất là lao động thất nghiệp, mất việc làm.

Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, việc người lao động bị đối tượng xấu lừa gạt vì tin nhắn hướng dẫn, hưởng Bảo hiểm Thất nghiệp là mặt trái của công nghệ.

"Chúng tôi đã từng được nghe và có giải thích cho người lao động để họ hiểu đây là chính sách của Nhà nước, triển khai công bằng, minh bạch chứ không bao giờ có hình thức dối trá như trên", ông Thành nhấn mạnh.

Về câu hỏi của đọc giả xung quanh chuyện chuyển đổi học nghề sau thời gian bị thất nghiệp do Covid-19, TS Phạm Xuân Khánh, đại diện Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội cho rằng, chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được học nghề đã được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi không chỉ trường Cao đẳng Nghề công nghệ Cao nói riêng mà các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn.

"Theo dự báo các nghề thịnh hành trong bối cảnh tình hình mới, nhà trường đều sẵn có như: công nghệ ô tô, công nghệ thông tin, chăm sóc sắc đẹp, cơ khí - điện tử…Tôi nghĩ là việc lựa chọn ngành nghề theo năng lực, nhu cầu thị trường là yếu tố quan trọng nhất", ông Khánh cho hay.

Hiện tại mặc dù đã vào năm học mới, song với tình hình dịch bệnh như hiện tại, học sinh sinh viên vẫn phải học online, nên cũng chưa triển khai được việc hỗ trợ học nghề cho người lao động. Song tôi tin, thời gian tới sẽ có nhiều người lao động sẽ tìm đến học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp, thích ứng với thị trường lao động.

"Việc học nghề ở trường chúng tôi không giới hạn độ tuổi, bạn có thể học bất cứ ngành nghề nào mà trường tổ chức đào tạo ở bất cứ độ tuổi nào, chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để các bạn tiếp thu được kiến thức nghề tốt nhất, đảm bảo có công việc ổn định sau khi ra trường", vị đại diện trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội cho hay.

Xung quanh câu hỏi của bạn đọc về thực hiện được thủ tục hưởng BHTN bằng hình thức online, đảm bảo được quyền lợi cho người lao động, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, Hà Nội trải qua 3 lần giãn cách xã hội để phòng chống dịch. Trong thời gian này, tất cả hoạt động liên quan đến giải quyết thủ tục, giao dịch với người dân đều được thông báo qua phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử của Sở, của phòng và Trung tâm DV VL ở các huyện, thị.

"Thực tế đã chứng minh, mặc dù không trực tiếp đến Trung tâm làm thủ tục, song hồ sơ được người lao động gửi qua bưu điện, zalo… đã đáp ứng phần nào yêu cầu hoàn thiện thủ tục, hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tạo thuận lợi, an tâm cho người lao động", ông Thành nói.

Ông Thành khẳng định, trước mắt hoàn toàn có thể tin tưởng đến một giai đoạn nhất định, việc chuyển đổi số trong các thủ tục, giấy tờ sẽ giúp người lao động có thêm nhiều điều kiện thuận lợi trong việc hưởng chế độ, chính sách về BHTN.

Bên cạnh đó, theo ông này hiện để tránh việc bị lừa gạt trên không gian mạng trong các hình thức hưởng bảo hiểm, cơ quan chức năng cần xây dựng tốt cơ sở dữ liệu đồng bộ, trang thiết bị đầy đủ, hiện đại; người dân người dân cũng cần nắm bắt cơ bản việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào giải quyết thủ tục hành chính, có như vậy mới thực hiện nhanh gọn, an toàn cho mình được.

An Linh

Nguồn tin: dantri.com.vn


Cao đẳng   Covid   Covid-19   Công nghệ   Hà Nội   chuyên gia   chính sách   doanh nghiệp   dịch vụ   hành vi  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...