05/10/2021 12:10  
Nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh, với việc chống dịch trên quy mô lớn, chưa từng có tiền lệ, sẽ có những việc thành phố đã làm được và cũng có việc chưa làm được cần rút kinh nghiệm.

Sáng 5/10, tổ đại biểu đơn vị số 6, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM có buổi tiếp xúc cử tri quận Bình Tân trước thềm kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Các đại biểu tiếp xúc cử tri gồm ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM; ông Dương Ngọc Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM và ông Hà Phước Thắng, Chánh Văn phòng UBND TPHCM.

Là một trong những địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 tại TPHCM với số ca mắc và ca tử vong cao, hầu hết ý kiến của cử tri quận Bình Tân đều xoay quanh vấn đề phòng, chống dịch của thành phố. Trong đó, người dân quận Bình Tân đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực y tế, vấn đề tiêm chủng vaccine, công tác an sinh và một số nội dung khác liên quan đến dịch.

Dịch Covid-19 và những vấn đề về quy hoạch

Gửi ý kiến đến hội nghị, ông Hoàng Đình Thanh, cử tri phường An Lạc, chia sẻ, đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua cho thấy thành phố có nhiều điều cần rút kinh nghiệm. Trong đó, vấn đề quy hoạch - một lĩnh vực tưởng như không liên quan đến phòng, chống dịch lại mang đến nhiều suy nghĩ - cử tri nêu ý kiến.

"Quận Bình Tân có hàng trăm nghìn công nhân, gấp nhiều lần so với các tỉnh, thành khác trong các đợt dịch là Bắc Giang, Hải Dương. Với việc diện tích, dân số, mức độ tập trung công nhân đông, quận gặp khó khăn hơn nhiều nơi khác trong công tác phòng, chống dịch", cử tri phường An Lạc chia sẻ.

Việc tập trung đông dân cư, khu công nghiệp là điều TPHCM cần rút kinh nghiệm trong công tác quy hoạch. Ông Thanh nhận định, thành phố chưa thể chắc chắn còn đợt dịch nào lớn hơn, nguy hiểm hơn sẽ diễn ra, bởi vậy, việc sắp xếp lại quy hoạch, phân tán dân cư, tránh tập trung đông người là cần thiết.

Cùng ý kiến trên, cử tri Tạ Thanh Tâm (phường Bình Hưng Hòa A) góp ý, các đại biểu Quốc hội và Quốc hội cần xem xét, hình thành những quy hoạch khoa học hơn về những khu vực nhà ở công nhân. Hiện nay, các dãy nhà trọ công nhân trên địa bàn phường có diện tích rất hẹp, không đảm bảo an toàn.

"Chỉ cần một phòng trọ có F0 thì dịch sẽ lây lan sang cả dãy. Các đại biểu cần xem xét, cho ý kiến để tạo điều kiện tốt nhất về nơi sinh hoạt của công nhân, giúp họ an tâm sản xuất, lao động", cử tri phường Bình Hưng Hòa A kiến nghị.

Bên cạnh đó, các cử tri cũng chỉ ra những bất cập trong phòng, chống dịch liên quan đến công tác quy hoạch. Cụ thể, trong việc áp dụng cách ly tại nhà đối với F0, một số nơi trọ chật hẹp, không đảm bảo nhưng vẫn áp dụng cách ly tại chỗ.

"Khi test nhanh phát hiện F0, nếu không rà soát lại bằng PCR vẫn có thể dương tính giả. Nếu kết quả test nhanh không chính xác, việc yêu cầu cách ly tại nhà và phải 6 tháng sau mới cho tiêm vaccine Covid-19 sẽ rất nguy hiểm", cử tri chia sẻ thêm.

"Ngăn người dân về quê là sai lầm"

"Vấn đề bà con, người lao động từ TPHCM về miền Tây sau đợt giãn cách, chúng ta không thể ngăn cản. Giống như cách chúng ta nói, trong hoạn nạn, gia đình là điểm tựa lớn nhất", cử tri Huỳnh Trần Thanh Phong, phường Bình Hưng Hòa A nhìn nhận.

Tuy nhiên, vị cử tri này cho rằng, vấn đề của các cấp quản lý là thực hiện tốt công tác cách ly, ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong bối cảnh ngành y nhiều địa phương đã quá tải. Để giải quyết vấn đề trên, thời gian tới, nguồn vaccine Covid-19 cần được bố trí lượng lớn cho các tỉnh miền Tây để đảm bảo công tác phòng dịch, tránh bùng phát.

Ông Huỳnh Trần Thanh Phong cũng nêu thực trạng, dù Sở GTVT TPHCM đã có chính sách hỗ trợ phụ huynh đón con em từ các tỉnh, thành khác, tuy nhiên, còn nhiều người phản ánh chưa thuận tiện. Cụ thể, có địa phương cho di chuyển nhưng cũng có tỉnh, thành phản đối do một số thủ tục. 

"Cử tri chúng tôi mong các địa biểu có ý kiến với các cơ quan, tạo điều kiện mở luồng xanh cho người dân đón con em mình về. Rất nhiều gia đình mong muốn đón con em về để việc học tập thuận lợi hơn", cử tri chia sẻ.

Tại buổi tiếp xúc cử tri, ông Phạm Ngọc Cấn, phường An Lạc, thẳng thắn cho rằng, việc cấm người dân về quê là biện pháp sai lầm. Thay vào đó, các cơ quan cần có biện pháp hỗ trợ người dân đăng ký về quê, hỗ trợ giải quyết các thủ tục theo đợt, các tỉnh, thành tiếp nhận có biện pháp cách ly phù hợp.

"Khi nới lỏng giãn cách, người dân đổ về quê đông cùng một thời điểm sẽ dồn áp lực lên các tỉnh. Nếu được tổ chức trình tự, bài bản theo từng đợt, tôi tin tình hình sẽ khả quan hơn", cử tri phường An Lạc góp ý.

Tại buổi làm việc, nhiều cử tri khác của quận Bình Tân cùng chung ý kiến, thành phố cần những chính sách cụ thể để người dân ở lại thành phố, khuyến khích người đã về quê trở lại lao động, sản xuất. Nếu làm được vậy, thành phố mới khôi phục được nền kinh tế và tạo đà phát triển thời gian tới.

Có những việc thành phố cần làm tốt hơn

Trả lời các kiến nghị của cử tri, ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, chia sẻ thành phố có nhiều bài học trong suốt 4 tháng phòng, chống dịch vừa qua. Để đạt được kết quả hôm nay, lãnh đạo thành phố đã tập trung, các địa phương đã quyết liệt áp dụng nhiều biện pháp.

"Khi nhìn lại, sẽ có những việc chúng ta cần làm khác đi, làm tốt hơn. Có thể cuối tháng 10, thành phố sẽ tổng kết 4 tháng phòng, chống dịch nhằm đúc rút kinh nghiệm và biểu dương những đóng góp trong công tác đẩy lùi dịch bệnh của thành phố", ông Nguyễn Thiện Nhân thông tin.

Nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh, với việc chống dịch trên quy mô lớn, chưa từng có tiền lệ, sẽ có những việc thành phố đã làm được và cũng có việc chưa làm được cần rút kinh nghiệm.

Nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM phân tích thêm, tinh thần của thành phố và cả nước trong công tác phòng, chống dịch là áp dụng các biện pháp nhằm giảm sự lây nhiễm xuống mức không còn đe dọa nhiều tới người dân. Bên cạnh đó, các biện pháp phòng, ngừa cần được áp dụng để sống trong trạng thái bình thường mới.

"Chúng ta phòng, chống dịch nhưng không phải không còn dịch, không còn lây nhiễm. Trạng thái bình thường mới là sống và làm việc trong bối cảnh sự lây nhiễm được hạn chế ở quy mô nhỏ", ông Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ.

Ông Nguyễn Thiện Nhân phân tích thêm, tiền đề của cuộc sống bình thường mới là tiêm chủng vaccine Covid-19. Trước đây, nhiều nước quy định tỷ lệ tiêm chủng để đạt trạng thái bình thường mới là 70% rồi 80% và hiện nay là càng nhiều càng tốt.

Tuy nhiên, dù đạt tỷ lệ nào, người đã tiêm vaccine Covid-19 vẫn cần áp dụng đúng quy tắc 5K.

Hiện tại, TPHCM đã đề nghị sớm được nhận thêm vaccine Covid-19 để hoàn thành bao phủ mũi 2 cho người dân. Ngoài ra, Chính phủ cũng tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tìm nguồn mua và ngoại giao vaccine để đáp ứng nhu cầu cả nước.

Về vấn đề phục hồi kinh tế sau đại dịch, ông Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ, qua nghiên cứu, các nước trên thế giới dành khoảng 10% GDP để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Hiện tại, nguồn kinh phí của nước ta dành cho phần việc này còn thấp, với chỉ 2%. Tuy nhiên, Trung ương, Chính phủ sẽ tiếp tục đưa ra các giải pháp để ổn định xã hội, thúc đẩy kinh tế thời gian tới.

Nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM nêu con số, trong 2 năm qua, tăng trưởng kinh tế của cả nước đều dưới 4%, đây là điều chưa từng xảy ra trong từ năm 1995 tới nay. TPHCM cùng cả nước cần những điều chỉnh, tính toán phù hợp hơn trong thời gian tới.

"Bài học là năm 1997-1990, hiện tượng khủng hoảng tài chính diễn ra ở khu vực Châu Á; năm 2007-2009, khủng hoảng nợ công diễn ra ở toàn cầu; năm 2019-2020, dịch Covid-19 gây ra khủng hoảng trên quy mô lớn. Như vậy, cứ 10 năm, sự khủng hoảng ở quy mô thế giới sẽ diễn ra, chúng ta cần sẵn sàng cho 10 năm tới nếu còn đợt khủng hoảng lớn hơn nữa", ông Nguyễn Thiện Nhân nêu quan điểm. 

Quang Huy

Nguồn tin: dantri.com.vn


Bài học   Chính phủ   Covid   Covid-19   HCM   TPHCM   chính sách   doanh nghiệp   khủng hoảng   kiến nghị   quy hoạch   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...