30/10/2020 20:10  
Cựu Tư lệnh các lực lượng vũ trang Philippines cảnh báo Bắc Kinh có thể tìm cách kiểm soát một số tuyến đường biển của nước này nếu xảy ra một cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ.

Tại một diễn đàn trực tuyến được tổ chức tuần trước, tướng Emmanuel Bautista, cựu Tư lệnh các lực lượng vũ trang Philippines, cho rằng vị trí chiến lược của Philippines, với các tuyến đường kết nối Biển Đông với Thái Bình Dương, đã biến nước này thành nơi có “địa hình then chốt”.

Ông Bautista chỉ ra các tuyến đường chiến lược gồm kênh Bashi, nằm cạnh các đảo Batanes và Babuyan gần Đài Loan, các eo biển Mindoro, Cebu, Balabac, San Bernardino và Surigao.

“Nếu bạn muốn chi phối Biển Đông, bạn cần kiểm soát những điểm cốt yếu này”, Tướng Bautista, người từng phục vụ quân đội trong 30 năm, nói.

Theo Tướng Bautista, Bắc Kinh ngày càng quyết liệt hơn, không chỉ tại Biển Đông, mà còn ở khu vực biên giới với Ấn Độ - nơi binh sĩ hai nước liên tục đối đầu từ tháng 6.

“Các tranh chấp lãnh thổ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là những điểm nóng có thể thổi bùng xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc. Giả sử mọi việc vượt tầm kiểm soát và nổ ra một cuộc chiến, Trung Quốc sẽ tìm cách kiểm soát Philippines”, Tướng Bautista, cựu chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm Quốc gia ở vùng biển Tây Philippines, nhận định.

Tướng Bautista cho rằng nếu xảy ra cuộc xung đột giữa hai siêu cường, cả Trung Quốc và Mỹ đều sẽ tìm cách kiểm soát Philippines. Mỹ có một hiệp ước phòng thủ với Philippines, trong đó các bên cam kết hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp bên còn lại bị tấn công.

“Việc Trung Quốc quân sự hóa (các đảo), xây dựng các căn cứ trên đảo bây giờ trở thành mối đe dọa trực tiếp. Từ những căn cứ này, Trung Quốc có thể phóng tên lửa và triển khai máy bay chiến đấu tới đảo chính của chúng ta chỉ trong vài phút”, tướng về hưu của Philippines cho biết.

Theo Reuters, giới chức Philippines từng cáo buộc lực lượng quân sự Trung Quốc tăng cường cảnh báo qua vô tuyến đối với máy bay tuần tra của không quân Philippines xung quanh các đảo nhân tạo được Trung Quốc bảo vệ bằng tên lửa.

Phát biểu của Tướng Bautista đã cho thấy mối lo ngại gia tăng của giới chức quân sự Philippines. Hãng tin Rappler ngày 13/10 dẫn lời Phó Đô đốc, Tư lệnh Hải quân Philippines Giovanni Carlo Bacordo tiết lộ một đề xuất trang bị vũ khí cho ngư dân Philippines và triển khai lực lượng này như “lực lượng dân quân hàng hải” để đối phó với lực lượng dân quân biển của Trung Quốc.

Theo đó, Philippines dự tính sẽ điều 240 dân quân biển tới Biển Đông để thực hiện tuần tra và bảo vệ ngư dân trước hành vi “quấy rối” từ phía Trung Quốc, đồng thời làm nhiệm vụ tình báo, giám sát và trinh sát để thu thập thông tin hữu ích cho quân đội Philippines.

Tuy nhiên, Tướng Bautista nói rằng ông chỉ muốn khuyến khích ngư dân Philippines “đánh bắt cá và làm những công việc của họ ở những vùng biển của Philippines” dưới sự hỗ trợ của Cảnh sát biển Philippines.

Tính toán của Trung Quốc

Theo SCMP, khi được hỏi về viễn cảnh do Tướng Bautista đưa ra, chuyên gia phân tích quốc phòng Collin Koh đồng tình với quan điểm rằng nếu một cuộc xung đột bùng phát, quân đội Trung Quốc sẽ tìm cách kiểm soát các tuyến đường biển quan trọng, đặc biệt là kênh Bashi.

“Nếu lực lượng Mỹ hiện diện ở Philippines vào thời điểm đó, họ rất có thể sẽ trở thành mục tiêu của các đòn tấn công, hoặc bị cô lập và vô hiệu hóa, do vậy họ không thể tham gia vào cuộc chiến”, ông Koh cho biết.

“Tôi dự đoán rằng ít nhất quân đội Trung Quốc cũng tìm cách kiểm soát các tuyến hàng hải chiến lược xung quanh Philippines vì đây là cách cần thiết để phát động các chiến dịch quân sự nhằm vào Mỹ”, chuyên gia Koh nhận định.

Ông Koh, chuyên gia nghiên cứu thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam tại Singapore, cho rằng khi nhìn vào bản đồ, Philippines là một phần của “Chuỗi đảo Thứ nhất (FIC)”, bao gồm Nhật Bản và Đài Loan.

“FIC về cơ bản là nơi quân đội Mỹ bố trí lực lượng dày đặc nhất, và cũng là nơi nhiều đồng minh của Mỹ lập thành lá chắn tự nhiên chống Trung Quốc”, chuyên gia Koh nhận định.

Tuy nhiên theo chuyên gia Koh, ngay cả trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công, Trung Quốc cũng không nhất thiết phải kiểm soát toàn bộ Philippines hay những khu vực lớn của nước này. Thay vào đó, Trung Quốc có thể hành động bằng nhiều hình thức khác, như triển khai riêng lực lượng không quân và hải quân để giành quyền kiểm soát các tuyến đường biển chiến lược mà không cần chiếm các cơ sở then chốt trên mặt đất, xua đuổi lực lượng Philippines đang đóng ở gần hoặc ngay trên bãi cạn Scarborough trước khi quân sự hóa bãi cạn này, thậm chí phá hủy các mục tiêu quân sự Mỹ trên lãnh thổ Philippines.

Trung Quốc giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarboroughtừ Philippines sau một cuộc đối đầu căng thẳng trên biển vào năm 2012. Philippines đã đưa tranh chấp ra tòa trọng tài quốc tế vào năm sau. Năm 2016, Tòa trọng tài thường trực tại La Hay, Hà Lan đã bác bỏ các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông, tuy nhiên Bắc Kinh cho đến nay vẫn bác bỏ phán quyết này.

Cũng tại diễn đàn trực tuyến, Tướng Bautista cảnh báo về các hoạt động “vùng xám” của Trung Quốc. Đây là những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kiểm soát các khu vực chiến lược của Philippines, nhưng không để xảy ra kịch bản xung đột.

“Trung Quốc đã tiến hành nhiều hoạt động nhằm tiếp cận Philippines, như xây dựng các sân bay và cảng biển. Trung Quốc không chỉ nhắm tới đảo Fuga, một trong những vị trí quan trọng, mà còn xây dựng sân bay Sangley (ở ngay lối vào vịnh Manila)”, ông Bautista cảnh báo.

Thành Đạt

Tổng hợp

Nguồn tin: dantri.com.vn


Nhật Bản   Reuters   Trung Quốc   chiến lược   chuyên gia   căng thẳng   diễn đàn   hành vi   sân bay  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...