17/12/2021 11:40  
Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô, cùng với các thành tựu về kinh tế, chính trị, văn hóa, TP Hà Nội tự hào trở thành một điểm sáng về công tác đối ngoại địa phương. Sự phát triển và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt ngày càng sâu rộng, đem lại hiệu quả thiết thực cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển Thủ đô, nâng cao vị thế của Hà Nội trên trường quốc tế. Đóng góp vào thành công chung đó, có vai trò tích cực của cơ quan Sở Ngoại vụ trong suốt hành trình 25 năm xây dựng và phát triển.
Từ tổ chức chính thức đầu tiên đảm nhiệm công tác đối ngoại của Thủ đô là Ban Ngoại vụ TP (được thành lập năm 1982), sau đó mở rộng là Ban Đối ngoại Hà Nội (năm 1989), rồi đến Sở Kinh tế đối ngoại (thành lập năm 1992), đến năm 1996, UBND TP đã ra Quyết định số 4372/QĐ-UB ngày 17/12/1996 về việc thành lập Sở Ngoại vụ Hà Nội. Sở là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP, giúp Thành uỷ, HĐND và UBND TP làm chức năng tham mưu và quản lý Nhà nước về công tác đối ngoại.
Kể từ khi thành lập, trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, bằng tinh thần đoàn kết, nỗ lực, chủ động, sáng tạo, các thế hệ cán bộ, nhân viên Sở Ngoại vụ Hà Nội ngày càng làm tốt hơn công tác tham mưu và thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại trong tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và đối ngoại Nhân dân. Qua đó, đưa Hà Nội trở thành một điểm sáng về công tác đối ngoại địa phương, góp phần phát triển và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt, thúc đẩy tiến trình hội nhập của Thủ đô và Đất nước với các nước trong khu vực và trên thế giới, đem lại nhiều hiệu quả thiết thực cho sự phát triển Thủ đô, nâng cao vị thế của Hà Nội trên trường quốc tế.
Quan hệ hợp tác hữu nghị song phương và đa phương của Hà Nội ngày càng được mở rộng và thúc đẩy hiệu quả. Đến nay, Hà Nội đã có quan hệ hợp tác với gần 100 thủ đô, TP của các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó đã ký kết thiết lập quan hệ hợp tác chính thức với hơn 50 thủ đô, TP, vùng địa phương của các nước.
Không chỉ mở rộng hợp tác song phương, Hà Nội còn là thành viên chính thức có trách nhiệm tích cực của nhiều tổ chức quốc tế lớn như: Mạng lưới các Thành phố thông minh ASEAN (ASCN), Hiệp hội Thị trưởng các Thành phố Pháp ngữ (AIMF), Nhóm các Thành phố dẫn đầu về chống biến đổi khí hậu (C40), Tổ chức Thành phố thông minh bền vững thế giới (WeGO) và mới đây nhất là Mạng lưới các Thành phố sáng tạo UNESCO…
Thông qua các sân chơi này, TP có cơ hội trao đổi, chia sẻ tri thức và kinh nghiệm, gặp gỡ, kết nối với các đối tác quốc tế nhằm thu hút thêm nguồn lực đầu tư phát triển cho Thủ đô, đồng thời, góp phần khẳng định và nâng cao hình ảnh, uy tín, vị thế của Hà Nội trên trường quốc tế.
Đối ngoại kinh tế tiếp tục là trụ cột chính và là mục tiêu ưu tiên của công tác đối ngoại. Trong giai đoạn 2016 - 2020, kinh tế Thủ đô tăng trưởng khá, ước khoảng 7,39%. Hà Nội hiện đứng thứ 2 cả nước về thu hút FDI chiếm 19,42% tổng số dự án, 10,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và 8,4% tổng vốn giải ngân so với cả nước; đóng góp khoảng trên 16% GDP, 18,5% tổng thu ngân sách Nhà nước và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu.

Một loạt các sự kiện đối ngoại kinh tế quy mô lớn do TP Hà Nội chủ trì hoặc được tổ chức trên địa bàn hàng năm như Hội nghị Hà Nội – Hợp tác đầu tư và Phát triển các năm 2017, 2018, 2020; các hội nghị của năm APEC Việt Nam 2017, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018; Diễn đàn khởi nghiệp sáng tạo Hà Nội 2019… đã nhận được sự đánh giá cao của bạn bè quốc tế, đặc biệt là cộng đồng DN. Ngày càng nhiều tập đoàn, công ty đa quốc gia lớn đã và đang triển khai kế hoạch đầu tư hợp tác tại Hà Nội.
Công tác đối ngoại văn hóa và đối ngoại Nhân dân được triển khai sôi nổi, phong phú về hình thức và đa dạng về đối tác. Hàng năm, các sự kiện chào mừng kỉ niệm năm tròn, năm chẵn trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước, hoạt động văn hóa và giao lưu Nhân dân với các nước trên thế giới được tổ chức thường xuyên và đa dạng, đặc biệt vào các dịp cuối tuần. Nhiều sự kiện văn hóa đối ngoại lớn như: Những ngày Hà Nội tại Matxcova – Liên Bang Nga, Paris, Toulouse - Pháp, Fukuoka - Nhật Bản, Roma - Italia, Geneva - Thụy Sĩ… và Những ngày văn hóa các TP bạn tại Hà Nội, với nhiều hoạt động giao lưu phong phú, quảng bá về văn hóa, đầu tư, thương mại, du lịch… đã góp phần quảng bá về văn hóa, con người đất nước và Thủ đô Hà Nội với bạn bè quốc tế; đồng thời mở rộng giao lưu, giúp Nhân dân Hà Nội hiểu biết về lịch sử, văn hóa thủ đô, TP và đất nước bạn.

Năm 1999, trước thềm kỷ niệm 990 năm Thăng Long – Hà Nội, TP Hà Nội là TP duy nhất ở khu vực châu Á Thái Bình Dương được UNESCO trao tặng “Thành phố vì hòa bình”. Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (2010), Ủy ban Di sản Văn hóa thế giới (UNESCO) đã công nhận khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới, Lễ hội Gióng là di sản văn hóa phi vật thể; 82 bia đá các Khoa thi tiến sĩ triều Lê và Mạc (1442 – 1779) tại Văn miếu Quốc tử giám Hà Nội đã được Ủy ban ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới. Năm 2019, tròn 20 năm sau sự kiện được công nhận là “Thành phố vì hòa bình”, TP Hà Nội chính thức gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN).
Trong những năm qua, công tác đối ngoại Nhân dân trên địa bàn TP cũng được quan tâm. Các tổ chức đối ngoại Nhân dân được củng cố và phát triển; hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị đối với Nhân dân thủ đô các nước, các tổ chức quốc tế được mở rộng. UBMT Tổ quốc TP Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP, Liên đoàn Lao động TP; Hội liên hiệp Phụ nữ, Thành đoàn Hà Nội và một số quận, huyện đã mở rộng hợp tác với các đơn vị tương ứng của các thủ đô, TP trong khu vực và trên thế giới; tổ chức nhiều hoạt động giao lưu hữu nghị, trao đổi đoàn học tập lẫn nhau; tranh thủ sự giúp đỡ trong các dự án về xóa đói giảm nghèo, chăm sóc y tế, hỗ trợ người khuyết tật…

Tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, hợp tác phát triển, nâng cao uy tín, vị thế Thủ đô. Bước sang một giai đoạn phát triển mới, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đứng trước môi trường quốc tế có không ít thách thức nhưng cũng chứa đựng nhiều cơ hội. Đại dịch Covid-19 tuy vẫn diễn biến phức tạp và khó lường nhưng đang dần được kiểm soát tại nhiều nước. Phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm trên thế giới; kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu.
Do đó, nhiệm vụ của ngành đối ngoại càng nặng nề, nhưng cũng rất quan trọng. Đó là, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; tiếp tục huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển và nâng cao vị thế, uy tín của thủ đô và đất nước, góp phần vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ TP đã đề ra.

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


Covid   Covid-19   Hiệp hội   Hà Nội   Kinh tế   Nhật Bản   Việt Nam   du lịch   hành vi   hợp tác   sáng tạo  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...