27/09/2020 22:57  

Khác với không khí sôi động, tấp nập trước đây, nay các trung tâm thương mại (TTTM) lớn ở TP.HCM mang màu ảm đạm. Dịch Covid-19 khiến các gian hàng đìu hiu, giới kinh doanh đang từng ngày chống chọi với tình cảnh ế ẩm. 

Ngày cuối tuần, lượng khách đến Vincom Center Đồng Khởi (Q1, TP.HCM) khá vắng vẻ, chỉ lác đác vài người. Đa phần người đến để ăn uống, nhâm nhi ly cafe ở khu ẩm thực hoặc lên tầng 3 xem phim. Một vài nhóm bạn trẻ trong thời gian chờ đến giờ xem phim đi lang thang đến các gian hàng quần áo, thời trang, mục đích chỉ để giết thời gian chứ không mua.

Chị Bùi Kim Hoa, chủ một gian hàng bán đồ thời trang trong TTTM này cho biết: “Lượng khách đến mua sắm giảm hẳn so với thời điểm trước dịch Covid-19. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của cửa hàng. Nhân viên cũng đã cho nghỉ bớt để giảm gánh nặng tài chính vì bán buôn ế ẩm”.

Theo chị Hoa, người mua ngại đến các TTTM vì tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, công việc họ bị ảnh hưởng, thu nhập giảm nên việc mua sắm cũng thắt chặt. Chị cũng cho hay kinh tế gia đình chị cũng đi xuống do bán ế, không đủ tiền để tiếp tục cho con theo học trường quốc tế mà phải chuyển đến trường tư để giảm nhẹ chi phí.

Với những thương hiệu lớn có mặt bằng rộng hàng trăm m2, tình cảnh vẫn không khá hơn. Anh Đức Trung, cửa hàng trưởng một thương hiệu đồ thể thao nổi tiếng chia sẻ, mặt bằng cửa hàng cửa hàng khá lớn, tiền thuê hàng tháng cả trăm triệu đồng nhưng doanh số gần đây cứ giảm dần.

“Tiền thuê mặt bằng đắt đỏ nhưng khách vào đây chủ yêu ăn uống hoặc đi dạo, hưởng không khí mát là chính chứ ít khi mua sắm. Doanh số sụt giảm nên phải cho nhân viên nghỉ, nhiều người chủ động bỏ việc”, anh Trung cho hay.

Anh nói thêm, dù kinh doanh ế ẩm nhưng công ty vẫn cố gắng duy trì vì đây là nơi có mặt bằng đẹp, vị trí đắt đỏ bậc nhất trong khu TTTM. Ngoài ra, đây cũng là chuỗi thương hiệu toàn cầu nên doanh số bán online tăng hơn cũng phần nào bù đắp lại thua lỗ cho kinh doanh mặt bằng hiện hữu.

Ghi nhận tại TTTM Takashimaya trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1, TP.HCM), có khuôn viên tầng trệt rất rộng nhưng vẫn vắng khách. Ngày thường, nơi đây tập trung rất đông khách hàng đến vui chơi, mua sắm nhưng vài tháng qua trở nên vắng vẻ, đìu hiu.

Không có khách, nhân viên ngồi túm tụm tán gẫu, bấm điện thoại. Chị Ngọc, nhân viên văn phòng gần Takashimaya nói trước đây chị vẫn hay vào đây để ăn trưa hoặc ngồi cafe với khách hàng và đồng nghiệp, lượng khách vào giờ này rất đông nhưng những tháng gần đây, TTTM này không còn là địa điểm ăn trưa và gặp gỡ công việc nữa, chị chọn giải pháp mang cơm nhà để ăn cho đảm bảo.

Chị Thanh, nhân viên kinh doanh một gian hàng nước hoa buồn bã chia sẻ, dù đã tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá, tặng quà nhưng các cửa hàng thời trang, mỹ phẩm, quán ăn trong TTTM vẫn rất vắng, nhiều gian hàng cả ngày không có khách vào, doanh số ngày càng giảm, thu không bù chi.

“Với tình hình kinh doanh tệ hại như thế này, tôi nghĩ những tháng cuối năm không khá hơn để bù lại thì nguy cơ trả mặt bằng, nhân viên mất việc là rất cao”, chị Thanh nói.

Dạo qua các TTTM lớn tại khu vực trung tâm TP.HCM cũng đìu hiu. Giờ, 10 khách vào thì cả 10 vào để trốn nóng, đi dạo hoặc lui tới các khu vực giải trí, ẩm thực nhiều hơn là mua sắm.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Hoa   Covid   trung tâm thương mại   Vincom   TTTM   Covid 19  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...