08/12/2021 19:25  
Dịch diễn biến phức tạp khiến thành phố chưa chuẩn bị kỹ kịch bản an sinh xã hội, nên quá trình thực hiện gặp nhiều hạn chế, bị động, theo Chủ tịch UBND thành phố.

Thông tin được Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nói tại kỳ họp thứ tư HĐND thành phố (nhiệm kỳ 2021-2026), chiều 8/12. Đây là lần đầu tiên Chủ tịch TP HCM trả lời chất vấn đại biểu sau gần 4 tháng nhậm chức.

Trước đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Tú nêu câu hỏi: Đợt dịch vừa rồi, UBND thành phố rút kinh nghiệm gì để tránh những hạn chế như thời gian qua nếu không may dịch bùng phát trở lại?

Người đứng đầu chính quyền thành phố nhìn nhận việc thực hiện các gói an sinh xã hội trong giai đoạn dịch bùng phát là "chưa tròn". Ngay từ đợt giãn cách đầu tiên đầu tháng 6, thành phố sớm có chính sách hỗ trợ cho bà con. Tuy nhiên, khi ra chính sách, số lượng người bị ảnh hưởng tăng thêm, khi cấp phát lại phát sinh nhiều hơn dự tính làm quá trình thực hiện bị động, lúng túng.

"Thành phố ban hành chính sách, quy trình thực hiện, nhóm và mức hỗ trợ chưa chặt chẽ nên gặp vướng mắc. Việc này gây nhiều khó khăn cho cơ sở khi triển khai", ông Mãi nói. Đến nay, chính sách an sinh còn nhiều thắc mắc bởi người đã nhận, người chưa; nơi phát tiền theo hộ, nơi phát từng người. Có địa phương hỗ trợ 1,5 triệu đồng, có nơi phát một triệu đồng, kèm 500.000 đồng quà tặng...

Theo ông Mãi, dịch diễn biến bệnh nhanh, khó lường, thành phố chưa có sự chuẩn bị về kịch bản an sinh xã hội nên quá trình thực hiện còn nhiều hạn chế. Thời gian tới, thành phố tiếp tục bố trí đủ ngân sách để hoàn thành các gói hỗ trợ. Đồng thời, chính quyền rà soát danh sách, đảm bảo các trường khó khăn được hỗ trợ, giúp bà con phần nào giải quyết khó khăn.

"Số tiền hỗ trợ không lớn, thành phố xác định chỉ hỗ trợ phần nào thôi. Đây chủ yếu là tình cảm, tấm lòng thành phố với bà con", ông Mãi nói.

Trả lời câu hỏi về cơ chế tổ chức và tài chính cho y tế cơ sở phát huy hiệu quả trong dịch của đại biểu Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi cho biết vừa qua, chính quyền thành phố làm việc với Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. Cuộc làm việc đi tới thống nhất triển khai Đề án thí điểm xây dựng trạm y tế theo quy mô dân số.

"Việc này sẽ giải quyết được vấn đề là nhân sự y tế của các trạm chưa đáp ứng được quy mô dân số khi dịch bùng phát", ông Mãi nói và cho biết thành phố sẽ đẩy nhanh xây dựng các trạm y tế trong thời gian tới. Bên cạnh đó, thành phố sẽ lập các trạm y tế lưu động, huy động lực lượng quân y, y tế tư nhân, cán bộ y tế về hưu tham gia.

Về câu hỏi đầu tư các đường vành đai, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết, vành đai 2 dự kiến khởi động trở lại trong năm 2022 và hoàn thành trong nhiệm kỳ này.

Với Vành đai 3, Thủ tướng đã giao thành phố nghiên cứu đầu tư theo phương thức PPP, nhưng không khả thi vì dự án có thể kéo dài 29 năm. Thành phố đã báo cáo Thủ tướng nghiên cứu theo hình thức đầu tư công, hoàn thành trong nhiệm kỳ 2021 -2025.

" Thành phố đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí mặt bằng, TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai sẽ chủ động kinh phí xây lắp", ông Mãi nói. Thành phố sẽ quyết tâm thực hiện các dự án vành đai vì những công trình này tạo động lực cho sự phát triển của TP HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam...

Trước đó, báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch TP HCM cho biết, năm 2021 TP HCM chịu tác động nghiêm trọng của Covid-19. Từ 30/5 đến 30/9, toàn bộ hệ thống chính trị thành phố hầu như tập trung toàn lực chống dịch, hầu hết hoạt động kinh tế phải tạm dừng.

"Vì vậy, việc thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội do HĐND thành phố đặt ra từ đầu năm gặp khó khăn, nhiều chỉ tiêu không thể hoàn thành", ông Mãi nói và cho biết tốc độ phát triển kinh tế thành phố quý 3 giảm 24% so với cùng kỳ, kéo tăng trưởng cả năm xuống âm 6,7% - thấp nhất 35 năm qua.

Tuy nhiên, với sự chung sức, đồng lòng của người dân, doanh nghiệp, chính quyền, sự giúp đỡ của trung ương, các địa phương thành phố đã từng bước kiểm soát được dịch, từng bước khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội...

Về tình hình dịch bệnh, Chủ tịch UBND thành phố thông tin tính đến 7/12, TP HCM ghi nhận 480.103 ca nhiễm và 18.555 ca tử vong do Covid-19, đang điều trị 13.492 tại tầng 2 và 3; hơn 71.000 F0, trong đó 5.295 người cách ly tập trung và 66.564 người cách ly tại nhà...

Ông Phan Văn Mãi nhận định sự xuất hiện của biến chủng mới có nguy cơ đe dọa thành quả phòng chống dịch. Thành phố đang giám sát chặt chẽ, chủ động kiểm soát dịch, ngăn chặn nguy cơ xâm nhập, lây lan của biến chủng mới.

"Covid-19 vẫn chưa kết thúc, đòi hỏi chúng ta không được lơ là, chủ quan, cần tiếp tục đề cao cảnh giác, thực hiện hài hòa giữa các biện pháp phòng chống dịch và phục hồi kinh tế", ông Mãi nói.

Lãnh đạo UBND thành phố cũng cho biết, từ quý 4, thành phố mở cửa dần kinh tế. Tuy nhiên, thành phố vẫn đang chịu áp lực nguy cơ cao bùng phát dịch trở lại. Tăng trưởng kinh tế quý 4 vẫn chưa lấy lại đà phục hồi, một số hoạt động dịch vụ phải cân nhắc, chưa thể mở cửa trở lại.

Trước đó, trong buổi sáng và đầu giờ chiều nay, các đại biểu HĐND thành phố đã chất vấn Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng về công tác phòng chống dịch, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai về công tác đầu tư, Chủ tịch UBND quận 7 Hoàng Minh Tuấn Anh về chống dịch, an sinh.

Hữu Công - Hà An

Nguồn tin: vnexpress.net


Covid   Covid-19   HCM   Lãnh đạo   chính sách   doanh nghiệp   dịch vụ   kiến nghị   Đầu tư   Đồng Nai  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...