11/06/2021 17:26  
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng cách chống dịch dễ nhất là giãn cách sớm, khoanh vùng rộng và ngăn cản giao thương, song "lãnh đạo có bản lĩnh không làm như vậy".

Hai năm Việt Nam chống Covid-19, lãnh đạo Chính phủ từng nhiều lần nhắc nhở các địa phương không được "ngăn sông, cấm chợ".

Hồi tháng 4/2020, khi đại dịch mới bùng phát, một số địa phương đã cẩu bê tông, đổ đất chặn đường, không cho người dân và phương tiện qua lại. Ngay lúc đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các nơi bãi bỏ biện pháp này.

Các biểu hiện chống dịch quá mức cần thiết diễn ra ở nhiều nơi, nhiều mức độ khác nhau, khiến lãnh đạo Chính phủ không ít lần phải đăng đàn nhắc nhở trong suốt thời gian qua.

Gần đây, hôm 5/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính ra công điện để chấn chỉnh việc một số địa phương áp dụng những biện pháp giãn cách cứng nhắc, "có mức cực đoan gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất quy mô lớn".

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, nhìn nhận các chốt kiểm soát dịch bệnh ở nhiều địa phương đã áp dụng biện pháp phòng dịch "quá mức cần thiết", khi không cho phép xe chở nông sản của địa phương khác đi qua, dù có giấy xác nhận an toàn dịch bệnh với lái xe và hàng hóa.

"Nông sản có tính thời vụ, ngắn ngày nên bị chậm vận chuyển không chỉ phát sinh chi phí mà còn làm hư hao chất lượng, giảm giá trị. Các bộ, ngành cần cùng ngồi thống nhất quy trình tháo gỡ nút thắt này", ông Hoan nói trong cuộc họp hôm 7/6.

Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân), hai biểu hiện rõ nhất của "ngăn sông, cấm chợ" trong chống dịch, đầu tiên là việc áp dụng các biện pháp ngăn cản giao thương, hoạt động vận tải, hàng hóa, vận chuyển hành khách, công nhân. Thứ hai, áp dụng biện pháp cách ly y tế không đúng quy định đối với người đến từ địa phương có dịch.

Đơn cử, hồi tháng 2/2021, khi Hải Dương bùng phát dịch, một số tỉnh, thành xung quanh đã ngăn cản xe chở hàng hóa từ tỉnh này đi qua, khiến các container nông sản gặp vướng mắc trên đường vận chuyển đến cảng biển để xuất khẩu.

Vừa qua, khi dịch bùng phát tại TP HCM, tỉnh Đồng Nai yêu cầu người về, đến từ thành phố phải cách ly 21 ngày ở nhà hoặc nơi lưu trú. Sau hơn 10 tiếng, quy định này được điều chỉnh, người dân được qua lại giữa hai địa phương.

Phân tích nguyên nhân tình trạng trên, ông Hoàng Văn Cường cho rằng lãnh đạo một số tỉnh, thành đã đặt ưu tiên phòng, chống dịch mà không chú ý đúng mức đến việc đảm bảo "mục tiêu kép". Chính phủ quy định trách nhiệm người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra dịch bệnh. Vì vậy một số nơi "sợ trách nhiệm" đã chọn cách ngăn cấm phương tiện, người dân qua lại từ địa phương có dịch.

"Đây là điều dễ hiểu. Nhưng nếu cứ để xảy ra tình trạng này thì việc thực hiện mục tiêu kép khó thành hiện thực. Bởi phòng chống dịch bệnh nhưng vẫn cần đảm bảo thông thương hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất, ít ảnh hưởng đến người dân mới là thành công", ông Cường nói.

Ông cho rằng, để cân nhắc giữa việc áp dụng các biện pháp giãn cách cứng nhắc và phát triển kinh tế, đòi hỏi bản lĩnh của lãnh đạo các cấp dựa trên cơ sở khoa học. "Chẳng hạn trong quản lý hoạt động vận tải, thay vì ngăn cấm tuyệt đối thì các địa phương có thể thiết kế luồng riêng với vận chuyển hành khách, kiểm soát nghiêm ngặt; luồng riêng cho vận chuyển công nhân, hàng hóa, nguyên liệu sản xuất, bố trí bãi trung chuyển, yêu cầu tài xế khai báo y tế, xét nghiệm...", Ông Cường nêu ý kiến.

Theo ông, thời gian tới đây khi số lượng người được tiêm vaccine phòng Covid-19 nhiều lên, Chính phủ và các địa phương nên có chính sách tạo thuận lợi trong di chuyển với tài xế, công nhân, thương gia... đã tiêm vaccine.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cũng nhìn nhận nguyên nhân của tình trạng "ngăn sông, cấm chợ" nằm ở chỗ lãnh đạo cấp tỉnh muốn đảm bảo an toàn tuyệt đối trên địa bàn. "Khi chống dịch cực đoan, lãnh đạo địa phương chỉ nhìn thấy vấn đề của riêng tỉnh mình, cố gắng bảo vệ an toàn cho tỉnh, nhưng không thấy sẽ ảnh hưởng ra sao đến địa phương khác và cả nước. Đây là giới hạn về tầm nhìn", ông Dũng nói.

Để gỡ nút thắt "ngăn sông, cấm chợ", ông Hoàng Văn Cường nhấn mạnh khi các tỉnh áp dụng biện pháp giãn cách, cần thực hiện đúng yêu cầu của Chính phủ là "trao đổi với các địa phương liên quan để thống nhất biện pháp".

"Các bộ ngành cần tham mưu cho Chính phủ đưa ra nguyên tắc chống dịch và chỉ đạo thống nhất để buộc các địa phương thực hiện đúng, tránh tình trạng mỗi nơi đặt ra một rào cản khác nhau", ông Cường nói.

Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, "thành quả chống dịch thì dễ đong đếm, nhưng thiệt hại về kinh tế từ những biện pháp cực đoan nhiều khi rất lớn song khó đong đếm". Vì vậy, mặc dù các địa phương được phân cấp, phân quyền, nhưng khi áp dụng biện pháp chống dịch gây ảnh hưởng tiêu cực đến nơi khác thì phải có sự thống nhất và được Trung ương đồng ý.

"Trong nền kinh tế hiện nay, chỉ một địa phương ngăn cấm phương tiện hàng hóa, nguyên vật liệu có thể ảnh hưởng đến cả nước, thậm chí đổ vỡ dây chuyền sản xuất vì nhiều doanh nghiệp xây dựng nhà máy tại các tỉnh khác nhau", ông Dũng nói.

Từ góc độ địa phương từng là tâm dịch giữa năm 2020, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, nói các chỉ đạo của Trung ương về việc không "ngăn sông cấm chợ" đã rất rõ ràng, không cần quy định thêm. Vấn đề còn lại là việc triển khai thực hiện ở địa phương.

"Điều quan trọng là đặt lợi ích của người dân, doanh nghiệp lên trên, chứ không chỉ thực hiện các biện pháp hành chính để thuận lợi cho cơ quan chức năng", ông Quảng nêu quan điểm.

Theo ông, khi xảy ra dịch bệnh trên địa bàn, người đứng đầu phải đưa ra những quyết sách chính xác, hạn chế tối đa việc xâm phạm đến quyền đi lại của người dân, phục vụ được mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Ông dẫn chứng, thời điểm Đà Nẵng có dịch, có nhiều ý kiến đề xuất giãn cách xã hội. Sau nhiều cuộc thảo luận, thành phố không tuyên bố giãn cách xã hội diện rộng mà áp dụng các biện pháp cụ thể trong từng lĩnh vực của đời sống. Khi đó có ý kiến cho rằng lãnh đạo thành phố thiếu quyết liệt, song thực tế cho thấy cách chống dịch của Đà Nẵng đã phát huy hiệu quả, ít ảnh hưởng nhất đến người dân.

"Ban hành một mệnh lệnh hành chính về giãn cách xã hội là việc rất dễ. Việc khó là không phải dùng đến biện pháp này nhưng vẫn chống dịch hiệu quả. Đà Nẵng đã lựa chọn việc khó", ông Quảng nói.

Viết Tuân - Nguyễn Đông - Tất Định

Nguồn tin: vnexpress.net


Chính phủ   Covid   Covid-19   HCM   Kinh tế   Nông nghiệp   Nông sản   Việt Nam   chính sách   doanh nghiệp   sản xuất   Đà Nẵng   Đồng Nai  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...