01/07/2022 12:15  
Đô thị thông minh (ĐTTM) được xác định gồm ba thành phần cần phải xây dựng, đó là chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Một thành phần nữa rất quan trọng, đóng vai trò trung tâm của xã hội số, mang tính quyết định thành công của ĐTTM cần phải quan tâm phát triển, đó là công dân số. 

Xây dựng và phát triển ĐTTM đang là một xu thế tất yếu nhằm tận dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam đã xây dựng đề án chuỗi ĐTTM bền vững đến 2025-2030, dựa trên cơ sở quy hoạch gắn với quản lý ĐTTM, cung cấp các tiện ích và tạo thuận lợi cho giao dịch thông minh giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp (DN)... 

Theo ông Nguyễn Hồng Hải - Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT, nói đến ĐTTM là nói đến việc trang bị công nghệ, thiết bị thông minh để làm cho người dân được thụ hưởng cao nhất thành quả của công nghệ. Xây dựng ĐTTM cần phải đặt câu hỏi và trả lời được câu hỏi: Người dân có được thụ hưởng đầy đủ và thuận lợi thành quả của ĐTTM hay không?

Thời đại công nghiệp 4.0, công nghệ số có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data)... Việt Nam đã có những quyết sách kịp thời nhằm tận dụng công nghệ 4.0, thúc đẩy chuyển đổi số để bắt kịp các quy trình sản xuất tự động hóa, quản trị DN, quản trị xã hội hiện đại, tiên tiến. Chiến lược chuyển đổi số quốc gia đã xác định ba trụ cột chính, đó là chính phủ số (nhằm thúc đẩy hoạt động các cơ quan chính phủ), kinh tế số (đưa công nghệ vào phát triển kinh tế địa phương và DN), xã hội số (tạo ra những giá trị mới cho người dân).

Chuyển đổi số là một quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của các cá nhân và tổ chức về cách sống, cách làm việc, phương thức sản xuất... dựa trên nền tảng công nghệ. AI, IoT, Big Data, điện toán đám mây (Cloud)... là các công nghệ có thể làm thay đổi cách thức tổ chức sản xuất, cách thức và quy trình quản lý, vận hành xã hội cũng như DN ưu việt, nhanh chóng, hiệu quả hơn. Thế nhưng, đây không đơn giản chỉ là vấn đề của công nghệ, mà đó là quá trình thay đổi của nhận thức, thói quen, quy trình và giải pháp làm việc của con người từ lãnh đạo đến nhân viên, người dân một cách tổng thể và toàn diện. 

Theo khảo sát của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trong hai thập niên vừa qua, tác động của công nghệ đã làm cho khu vực sản xuất tăng năng suất, hiệu quả cao hơn, giảm bớt nhu cầu lao động, làm cho khu vực dịch vụ tăng 27% nhu cầu việc làm.

Công nghệ "lên ngôi" đã khiến cho khoảng 50% người lao động thiếu các kỹ năng công nghệ để thực hiện các công việc chuyên môn. Điều đó đòi hỏi thị trường lao động mới cần có những con người có khả năng tự làm chủ được công việc, làm được nhiều việc một lúc, làm những công việc đòi hỏi có kỹ năng cao. Chiến lược đào tạo lao động (đào tạo và tái đào tạo) phải có sự chuẩn bị tốt cho người dân một tâm thế học tập, trau dồi và tiếp thu các kỹ năng sống mới, dựa trên nền tảng công nghệ để thích ứng.

Công dân số đóng vai trò là trung tâm của xã hội số, khi xây dựng các ĐTTM phải tính đến phát triển kỹ năng cho công dân số. Nếu chỉ đơn thuần trang bị thiết bị thông minh cho ĐTTM mà không chú trọng trang bị tốt những kỹ năng cần thiết cho công dân số nhằm sử dụng, khai thác hiệu quả các thành tựu công nghệ, thì triển khai ĐTTM cũng sẽ thất bại.

Phát triển ĐTTM cần phải đi đôi với phát triển khả năng truy cập các nguồn thông tin số cho người dân, thúc đẩy người dân sử dụng thương mại điện tử nhiều hơn, tăng khả năng giao tiếp số cho người dân, phát triển tinh thần công dân số bao gồm cả các chuẩn mực đạo đức trong môi trường số, phát triển giáo dục số (học tập trên môi trường số), y tế số (đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào chăm sóc sức khỏe cho người dân)... xây dựng cơ sở hạ tầng luật pháp số, đề cao quyền và trách nhiệm của công dân trong môi trường số, đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân khi hoạt động trong môi trường số.

Các chính sách an sinh xã hội cũng cần phải quan tâm đến các đối tượng lao động phi chính thức (thời vụ, nhập cư...); đào tạo và đào tạo lại cho những người trưởng thành do họ không có điều kiện tiếp cận công nghệ, lạc hậu trong bối cảnh thay đổi nhanh của công nghệ; phát triển cơ sở hạ tầng số dựa trên dữ liệu, thấu hiểu người dân thông qua dữ liệu để triển khai các công nghệ nhằm tạo ra các lợi ích cho xã hội và người dân. 

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Công nghệ   Kinh tế   Tập đoàn   Việt Nam   chính sách   doanh nghiệp   dịch vụ   quy hoạch   sản xuất   thói quen   đô thị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...