26/11/2021 13:10  
Luôn giữ vị trí giàu nhất châu Á từ năm 2010, nhưng tới đây tỷ phú Mukesh Ambani sẽ phải dè chừng trước ước tính tài sản ngày càng tăng mạnh của tỷ phú đồng hương Gautam Adani.

Chỉ số tỷ phú Bloomberg gần đây đánh giá giá trị tài sản ròng hiện tại của Adani là 89,1 tỷ USD, thấp hơn chỉ 800 triệu USD so với người giàu nhất châu Á hiện nay là ông Mukesh Ambani.

Điều đáng nói, tài sản của ông Adani từ đầu năm đến nay được ghi nhận tăng hơn 55,3 tỷ USD, một phần nhờ nhu cầu than đá tăng mạnh. Điều này khiến giá cổ phiếu của Tập đoàn Adani Group giao dịch với giá cao hơn.

Trong khi đó, cổ phiếu của Reliance Industries phải hứng chịu sức ép và đang giao dịch thấp hơn 1,07% ở mức 2.360,70 rupee (khoảng 31 USD) sau khi hủy bỏ thỏa thuận liên quan đến công ty lọc dầu và hóa chất O2C mới đây.

Vì vậy, một số phương tiện truyền thông địa phương hiện gọi Adani là người giàu nhất châu Á, mặc dù ông vẫn đứng ở vị trí thứ hai trong chỉ số của Bloomberg tính đến ngày 25/11.

Theo Business Today đánh giá, cách biệt giữa hai tỷ phú không quá xa, tài sản đều phụ thuộc vào giá cổ phiếu của hai tập đoàn vì vậy sau tất cả cuộc chiến này mới chỉ bắt đầu.

Tỷ phú Mukesh Ambani

Tỷ phú giàu nhất châu Á là Chủ tịch đế chế đa ngành Reliance Industries. Tháng 10 năm nay, ông Ambani từng gia nhập câu lạc bộ tài sản từ 100 tỷ USD cùng với những tên tuổi nổi tiếng như Jeff Bezos - nhà sáng lập Amazon hay Elon Musk - CEO Tesla.

Ông Mukesh bắt đầu tham gia các công việc tại Reliance Industries vào những năm 1980. Ban đầu ông chỉ quản lý việc xây dựng nhà máy sợi của công ty, tuy nhiên nhờ vào tài năng của mình, ông đã được cha mình giao thêm trọng trách xây dựng nhà máy hóa dầu tại Patalganga cũng như quản lý các nhà máy khác của Reliance Industries.

Kể từ khi kế thừa mảng kinh doanh lọc hóa dầu, ông Ambani đã chuyển đổi tập đoàn năng lượng này thành gã khổng lồ bán lẻ, công nghệ và thương mại điện tử.

Năm 2002, sau khi cha mất, ông Mukesh Ambani có cuộc tranh chấp quyền lực căng thẳng trong công ty với chính em trai mình là ông Anil Ambani. Điều này dẫn đến việc đế chế Reliance bị chia đôi vào năm 2005. Ông Mukesh được sở hữu các doanh nghiệp lọc hóa dầu, phát triển chậm nhưng có lãi. Trong khi ông Anil nắm giữ các hoạt động có vẻ có tiềm năng lâu dài hơn - dịch vụ tài chính, sản xuất điện và viễn thông.

Kể từ sau khi thừa kế, ông Mukesh Ambani đã đưa Reliance Industries Ltd trở thành một tập đoàn quốc tế và là một trong các công ty hàng đầu thế giới về hóa dầu. Ông đã chỉ đạo xây dựng nhà máy lọc dầu lớn nhất Ấn Độ tại Jamnagar, biến nơi đây trở thành một trong những trung tâm lọc dầu của thế giới.

Không chỉ tập trung đầu tư vào hóa dầu, ông Mukesh còn thành lập hệ thống bán lẻ Reliance Retail vào năm 2006 và tập đoàn viễn thông Reliance Jio Infocomm Limited vào năm 2016. Hiện tại, đây đều là những công ty lớn nhất Ấn Độ trong lĩnh vực bán lẻ và viễn thông.

Công ty viễn thông của ông, bắt đầu cung cấp dịch vụ vào năm 2016, hiện là nhà mạng thống trị tại thị trường Ấn Độ. Các dự án bán lẻ và công nghệ của Ambani đã huy động được khoảng 27 tỷ USD vào năm ngoái thông qua việc bán cổ phần cho các nhà đầu tư từ Facebook, Google đến KKR & Co. và Silver Lake.

Hồi tháng 6 năm nay, tỷ phú 64 tuổi công bố kế hoạch đầy tham vọng là đầu tư 10 tỷ USD vào năng lượng sạch, đánh dấu một bước ngoặt mới cho công ty giá trị nhất Ấn Độ. Ông Ambani cũng cho biết công ty của mình sẽ "quyết liệt" theo đuổi việc sản xuất năng lượng sạch hydrogen với chi phí rẻ hơn. Mục tiêu này phù hợp với chiến lược của Thủ tướng Narendra Modi trong việc chống lại sự biến đổi khí hậu và giảm nhập khẩu của nước tiêu thụ dầu lớn thứ ba trên thế giới.

Tỷ phú Gautam Adani

Ông Gautam Adani là một trong những tỷ phú có tốc độ tăng trưởng tài sản ấn tượng nhất trong năm nay trên bảng xếp hạng người giàu của Bloomberg. Tỷ phú Ấn Độ 59 tuổi này là người sáng lập Adani Group, nhà khai thác cảng lớn nhất Ấn Độ. Tập đoàn cơ sở hạ tầng có trụ sở ở Ahmedabad này cũng là nhà sản xuất than nhiệt điện và kinh doanh than lớn nhất đất nước.

Khởi đầu với tư cách là một nhà kinh doanh hàng hóa vào cuối những năm 1980, công ty xuất khẩu Adani Limited, tiền thân của tập đoàn Adani Group ngày nay, chuyên hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tập đoàn của ông - Adani Group - thu hút đầu tư của nhiều doanh nghiệp lớn, từ Total đến Warburg Pincus. Adani đang tăng tốc mở rộng đế chế của mình, bổ sung cảng biển, sân bay, trung tâm dữ liệu và các mỏ than ở Ấn Độ.

Ông Adani bắt đầu được thế giới chú ý khi giành được dự án khai thác than ở Australia năm 2010. Bất chấp tình hình và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế toàn cầu đi xuống và phủ màu xám xịt, vốn hóa của 6 công ty niêm yết thuộc tập đoàn Adani Group vẫn tăng thêm 75 tỷ USD vào năm ngoái, đánh dấu năm tăng trưởng tốt nhất, mạnh mẽ nhất của tập đoàn trong lịch sử. Không dừng lại ở đó, trong vòng chưa đầy 2 năm, Adani còn giành quyền kiểm soát của 7 hệ thống sân bay và nắm trong tay gần 1/4 lưu lượng hàng không của Ấn Độ.

Bước đi tiếp theo của tập đoàn Adani là nâng công suất mảng nhiên liệu và năng lượng tái tạo lên gấp 8 lần vào năm 2025. Vị tỷ phú tin tưởng vào tập đoàn sẽ nhận về kết quả tốt đẹp, trái ngọt khi Chính phủ đã bắt đầu tiến hành kế hoạch cho việc sử dụng năng lượng cắt giảm lượng khí thải nhà kính. Với việc thu hút được nhiều sự đầu tư của nhiều tập đoàn lớn như gã khổng lồ dầu khí của Pháp - Total SE và Warburg Pincus LLC, toàn bộ cổ phiếu các công ty thuộc tập đoàn này tăng ít nhất 50%.

Đáng chú ý, Adani Green Energy tăng lên khoảng 12% năm nay và hơn 500% năm ngoái. Điều này đã giúp cho túi tiền của Gautam "nở ra" nhanh chóng, gia tăng tới 16,2 tỷ USD trong một khoảng thời gian ngắn. Đây là mức tăng trưởng và phát triển mạnh nhất thế giới, lớn hơn cả những người giàu nhất hành tinh như Jeff Bezos, Elon Musk.

Hằng Đoàn
Theo Bloomberg, Business Today, Insider

Nguồn tin: dantri.com.vn


CEO   Chính phủ   Covid   Covid-19   Mục tiêu   Tập đoàn   Tỷ phú   chiến lược   căng thẳng   doanh nghiệp   dịch vụ   sân bay   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...