11/12/2021 12:15  
Trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 11, Chính phủ giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhanh chóng hoàn thành chính sách điều chỉnh tăng giờ làm thêm trong tháng phù hợp với diễn biến của dịch, song đảm bảo không quá 300 giờ mỗi năm.

Hồi tháng 9/2021, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng dự thảo điều chỉnh giờ làm thêm, theo hướng vượt quy định 40 giờ mỗi tháng song không quá 300 giờ mỗi năm, áp dụng cho tất cả ngành nghề thay vì một số ngành đặc thù. Thời gian dự kiến điều chỉnh quy định kéo dài đến ngày 31/12/2024.

Theo Luật Lao động hiện hành có hiệu lực từ đầu năm nay, quy định làm thêm không quá 200 giờ mỗi năm, nới mức trần làm thêm theo tháng lên 40 giờ thay vì 30 giờ như cũ. Chủ sử dụng lao động khi tổ chức làm thêm giờ phải được người lao động đồng ý, đảm bảo giờ làm thêm không quá 50% giờ làm việc bình thường trong ngày.

Luật chỉ mở rộng khung giờ làm thêm tối đa 300 giờ mỗi năm cho một số ngành nghề, gồm diêm nghiệp, điện, điện tử, bên cạnh các nghề hiện hành là sản xuất gia công xuất khẩu hàng dệt may, da giày, chế biến nông lâm, thủy sản, sản xuất và cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu, cấp thoát nước.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động lâu dài, quy định làm thêm hiện nay dễ ảnh hưởng đến các ngành kinh tế, đặc biệt là nông sản, thủy sản, hải sản thiếu công nhân. Việc điều chỉnh nhằm phục hồi sản xuất, chống đứt gãy chuỗi cung ứng.

Một số đơn vị như Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) đồng tình với việc bỏ trần làm thêm trong tháng để linh hoạt cho sản xuất và muốn tăng lên 400 giờ mỗi năm, không phụ thuộc ngành nghề sản xuất. Song Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không đồng tình. Bởi nếu làm thêm triền miên, người lao động dễ suy kiệt sức khỏe.

Nhiều chuyên gia nhấn mạnh cần đánh giá tác động toàn diện của việc gỡ trần làm thêm 40 giờ mỗi tháng; chỉ nên tăng giờ làm thêm ở một số lĩnh vực; giãn giờ làm thêm trong tháng để người lao động phục hồi sức khỏe. Bởi nếu gỡ trần 40 giờ mỗi tháng và không phân biệt ngành nghề, nhiều doanh nghiệp sẽ áp ngay cho người lao động, buộc họ phải tăng theo, công nhân trẻ không có thời gian chăm sóc gia đình, con cái.

Thời gian áp dụng cũng không nên kéo dài đến cuối năm 2024 mà trước mắt nên hết năm 2022; sau đó căn cứ tình hình kinh tế phục hồi hoàn toàn khi nào thì dỡ quy định khi ấy hoặc tính toán tiếp.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Chính phủ   Covid   Covid-19   Hiệp hội   Việt Nam   Xã hội   chuyên gia   chính sách   doanh nghiệp   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...