11/11/2021 10:25  
Các đại biểu nêu ra tình trạng sai sót trong sách giáo khoa và đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời rõ, đồng thời yêu cầu các Hội đồng biên soạn rà soát và có giải pháp cụ thể.
Mới nhất Cũ nhất
  • 10h00

    Rà soát quy định mở mã ngành sức khỏe

    Trả lời đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình), Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, nhiều trường đa ngành hiện có xu hướng mở mã ngành về sức khỏe. Với chủ trương tự chủ đại học, đây là quyền của các đơn vị. Nhưng hai nhóm ngành về sức khỏe và sư phạm vẫn thuộc Bộ thẩm định và quyết định. Bộ đã yêu cầu mở chương trình phải đảm bảo tiêu chuẩn, tiêu chí nghiêm ngặt. Trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp tục rà soát các quy định xem có vấn đề gì chưa chặt chẽ để tiếp tục bổ khuyết thêm.

    Với câu hỏi của đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh, Bộ trường nói chương trình học trực tuyến không bê nguyên từ giáo án bình thường vào giảng dạy. Trong bối cảnh mới, Bộ đã ban hành văn bản xác định chương trình học cốt lõi theo hướng tinh giản để phục vụ dạy trực tuyến và dạy trên truyền hình. Các địa phương đang dạy trực tiếp sẽ dạy theo chương trình cốt lõi, sau đó quay lại củng cố mở rộng thêm. Với những nơi học trực tuyến, giáo viên bám theo chương trình cốt lõi và sẽ củng cố mở rộng thêm khi trở lại học trực tiếp.

    "Chương trình cốt lõi là giải pháp chuyên môn ứng phó với việc dạy học đa dạng. Dạy trực tuyến được xây dựng bám trên chương trình cốt lõi, bao gồm cả việc học và kiểm tra, không phải bê nguyên chương trình bình thường vào dạy trực tuyến", Bộ trưởng nói.

  • 9h30

    Việt Nam chuẩn bị mô hình đại học trực tuyến

    Đại biểu Phạm Thúy Trinh nêu vấn đề, giáo dục qua mạng ngày càng phát triển, Bộ có giải pháp gì cho việc này?

    Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời, việc phát triển đào tạo qua mạng đã được triển khai ở các cấp độ, quy mô, hoạt động trong suốt thời gian vừa qua. Tương lai thế giới cũng đặt ra mô hình đại học ảo, đào tạo từ xa, trực tuyến. Đây là tất yếu mà quá trình chuyển đổi số và công nghệ đào tạo của thế giới hướng đến. "Chúng tôi đang chuẩn bị, về cơ sở pháp lý, nền tảng, nhân lực, các mô hình thí điểm. Chắc chắn nó là công việc của tương lai, nên cần có sự chuẩn bị", ông nói.

  • 9h30

    Điều chỉnh quy trình nâng cao chất lượng SGK

    Đại biểu Nguyễn Thị Huế hỏi, bộ sách khoa học tự nhiên, tiếng Việt của NXB Giáo dục Việt Nam có một số điểm thiếu tính khoa học và giáo dục. Trong đó, môn học tích hợp trong chương trình sách giáo khoa mới đang nảy sinh tình trạng một môn học có ba giáo viên được lên lớp, do chuyên môn giáo viên khác nhau.

    Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời, khi có các ý kiến về sách giáo khoa, hội đồng chuyên môn đã trao đổi với các đơn vị, kịp thời điều chỉnh, sửa chữa nội dung trước khi đến tay học sinh. "Về lâu dài Bộ đang điều chỉnh về quy trình, điều kiện để đảm bảo sách giáo khoa có chất lượng ngày càng cao hơn", ông Sơn nói.

    Về dạy học tích hợp, Bộ trưởng nói việc này đang thực hiện ở lớp 6. Bộ đã hướng dẫn các nhà trường sắp xếp sao cho ba giáo viên của các phân môn khác nhau dạy học theo logic nội dung. "Đơn vị nào sắp xếp theo đúng nội dung chương trình thì triển khai thuận lợi. Đơn vị nào sắp xếp cả ba giáo viên dạy song song thì có phần lúng túng. Quá trình triển khai bộ có tập huấn cho các đơn vị. Chúng tôi tiếp tục tăng cường triển khai các môn tích hợp trong thời gian tới", ông nói.

  • 9h30

    Mong gia đình phối hợp nhà trường dạy kỹ năng cho học sinh

    Đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) cho rằng, giáo dục đào tạo cần hướng tới tăng cường kỹ năng mềm cho học sinh - sinh viên. Việc này liên quan trách nhiệm gia đình, nhà trường, xã hội. Nhưng do đại dịch, nhiều thời điểm, nhiều nơi phải chuyển dạy sang hình thức trực tuyến, giáo dục kỹ năng cho các em gặp khó khăn. "Giải pháp khắc phục tình trạng trên khi dịch bệnh còn có thể kéo dài là gì?", ông chất vấn.

    Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong giáo dục, đặc biệt là chương trình phổ thông 2018 thì phát triển năng lực, kỹ năng là yêu cầu quan trọng. Đổi mới giáo dục cũng hướng đến mục tiêu này. Tuy nhiên, đúng như đại biểu nêu, dạy học trực tuyến rất ảnh hưởng đến quá trình trang bị kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng hình thành thông qua trực quan, thực hành.

    "Đây là điều mà dạy học trực tuyến chưa thể và khó có thể thay được dạy học trực tiếp", lãnh đạo ngành Giáo dục nói. Ông cho biết, thời gian tới, khi học sinh quay trở lại trường, một trong những điều cần củng cố, ngoài kiến thức sẽ là các kỹ năng. Ông mong gia đình phối hợp với nhà trường để việc tăng cường các kỹ năng cho học sinh tốt, hiệu quả hơn.

    Trong điều kiện dịch bệnh có thể còn kéo dài, những vùng miền phải tiếp tục dạy học trực tiếp cần củng cố, tăng cường hạ tầng, công nghệ thông tin, trang thiết bị. Các bài giảng truyền hình cần tiếp tục thực hiện. Các cơ quan chức năng cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để đảm bảo thực hiện đúng các thông tư hướng dẫn của Bộ trong việc đảm bảo thời gian, nội dung, chương trình giảng dạy; tăng cường hỗ trợ tâm lý, tư vấn sức khỏe để tránh sự căng thẳng của học sinh. Bộ Giáo dục cũng sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ cho phù hợp tình hình.

  • 9h25

    Nhiều chính sách giáo dục bộc lộ hạn chế trong dịch bệnh

    Về câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh về bài học cho ngành giáo dục trong bối cảnh dịch bệnh, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói, "chúng ta test để tìm virus, nhưng virus cũng test lại cả hệ thống của chúng ta". Trong thời gian qua, Bộ đã hết sức cố gắng, tận tình, trách nhiệm, tuy nhiên qua dịch bệnh vẫn nhìn thấy một số điều chắc chắn phải điều chỉnh.

    Theo Bộ trưởng, về thể chế, khi áp dụng, vận hành ứng phó, nhiều văn bản, chính sách bộc lộ khiếm khuyết. Bình thường, những vấn đề này có thể vẫn tồn tại nhưng chưa đến mức gay gắt. Giai đoạn dịch bệnh, mức độ ảnh hưởng lớn hơn. Về quản lý nhà nước, Bộ trưởng nhìn nhận Bộ đã làm tốt việc ban hành văn bản, nhưng cần hoàn thiện hơn nữa khả năng ứng phó với trạng thái khẩn cấp bằng nghiệp vụ, hiểu biết, tinh thần của ngành. Theo đó, chính sách hỗ trợ văn bản hướng dẫn thời gian tới cần thực tế hơn.

    "Dịch bệnh cho thấy kỹ năng của đội ngũ quản lý, kỹ năng của nhà giáo, kỹ năng của học sinh, đặc biệt là vấn đề tự học, phải tăng cường rất nhiều", Bộ trưởng nêu quan điểm.

    Với vấn đề tăng cường chất lượng dạy và học trong thời gian tới, Bộ cho biết sẽ đưa ra nhiều giải pháp khác nhau. Bởi trong 716 quận huyện trực thuộc, hiện có 350 quận, huyện áp dụng dạy học trực tiếp và 316 đã đi học trực tiếp. "Nhóm đang học trực tiếp bình thường thì cần giải pháp tăng chất lượng riêng, nhóm chuẩn bị đưa học sinh quay lại trường, nhóm có thể phải tiếp tục học trực tiếp cần có những giải pháp khác", Bộ trưởng nói và cho biết thêm, đây là chủ đề lớn nên sẽ trả lời lồng ghép vào câu hỏi của các đại biểu tiếp theo.

  • 9h20

    Chấm dứt tình trạng văn mẫu

    Trả lời câu hỏi của đại biểu Nàng Xo Vi về giải pháp chấm dứt tình trạng chép văn mẫu. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, Ngữ Văn là môn học có tầm quan trọng trong việc bồi đắp tình cảm, năng lực thẩm mỹ, phẩm chất làm người. "Tăng cường năng lực ngoại ngữ là quan trọng nhưng trước hết, học sinh phải giỏi tiếng Việt trước", Bộ trưởng nhấn mạnh.

    Theo đó, vừa qua, Bộ trưởng đã yêu cầu chấm dứt việc dạy ngữ văn theo văn mẫu. Bởi, tình trạng giáo viên đọc cho học sinh chép sẽ tác động rất tai hại tới việc phát huy tính chủ động, sáng tạo, cảm xúc chân thực, chân thành của học sinh. Để giải quyết vấn đề này, ngành giáo dục sẽ có hàng loạt biện phá điều chỉnh mang tính chuyên môn. "Công việc kiểm tra, đánh giá, tổ chức dạy và học phải triển khai nhiều động tác thì mới có thể thực hiện, đây là công việc lâu dài", Bộ trưởng nói.

  • 9h10

    Cần kiểm tra tình trạng dạy thêm trực tuyến

    Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) đặt vấn đề, dạy thêm - học thêm bị ngành nghiêm cấm, nhưng ngay cả trong dịch bệnh, tình trạng học thêm - dạy thêm vẫn diễn ra. Ông đề nghị Bộ trưởng chia sẻ quan điểm.

    Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, bình thường, việc dạy thêm học thêm đã cần phải ngăn chặn, khi học trực tuyến, học sinh căng thẳng hơn nên việc dạy thêm giờ cần lên án.

    Theo ông Sơn, Thông tư số 09 ngày 30/3 do Bộ ban hành quy định dạy và học trực tuyến đã quy định số giờ được dạy cho các cấp, các lớp. Vì vậy, ông đề nghị các Sở Giáo dục Đào tạo, các địa phương kiểm tra, thanh tra việc học trực tuyến xem có dạy quá giờ không. "Chúng tôi cũng sẽ tăng cường thanh kiểm tra để ngăn chặn việc này", Bộ trưởng Giáo dục nói.

  • 9h05

    Trên 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn vì Covid-19

    Phát biểu trước chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, gần hai năm qua, Covid-19 đã làm đảo lộn và tàn phá tất cả các lĩnh vực của đời sống, trong đó giáo dục là lĩnh vực chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi; gần 20 triệu học sinh sinh viên không được tới trường trong một thời gian rất dài; trên 70.000 nghìn sinh viên không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng tới việc cung cấp nguồn nhân lực.

    "Việc học tập trực tuyến, học qua truyền hình trong điều kiện hạ tầng còn rất nhiều khó khăn thiếu thốn đã gây ra nhiều hệ lụy và ảnh hưởng tiêu cực, học sinh căng thẳng mệt mỏi, thầy cô cực nhọc và áp lực, phụ huynh bức xúc, xã hội lo lắng, những chuyện bi hài, cả những việc đau lòng đã diễn ra, khó có thể kể xiết", Bộ trưởng nói.

    Nhưng với tinh thần "ngừng tới lớp không ngừng học tập", toàn ngành đã chủ động chuyển trạng thái sang dạy và học ứng phó với dịch bệnh, "ra sức cố gắng" để hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh tới giáo dục, kiên trì theo đuổi mục tiêu chất lượng. Bộ GD&ĐT đã động viên toàn thể cán bộ nhân viên, nhà giáo và quản lý toàn ngành khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần trách nhiệm với nghề nghiệp và với học sinh để cùng nhau đoàn kết ứng phó với dịch, "tất cả vì học sinh thân yêu".

    Ông Sơn khẳng định, khó khăn thách thức đối với ngành giáo dục trước ảnh hưởng dịch bệnh bị tăng lên, khi mà năm học 2020-2021 và 2021-2022 là những năm học rất then chốt trong quá trình triển khai đổi mới giáo dục phổ thông nói riêng và đổi mới giáo dục đào tạo nói chung.

    "Dịch bệnh đang dần được kiểm soát, cuộc sống bình thường mới đang dần xác lập, kinh tế và các hoạt động xã hội sẽ dần phục hồi... Nhưng ngành giáo dục lại bắt đầu một chặng đường mới với những khó khăn thách thức vẫn còn nguyên và thậm chí còn lớn hơn nữa đang chờ phía trước", lãnh đạo ngành Giáo dục nói, "hậu quả do dịch bệnh gây ra để lại lâu dài và sự khắc phục nó không phải một sớm một chiều".

    Ngành đã triển khai đánh giá ảnh hưởng của dịch bệnh, bước đầu có những con số và chỉ số về tác động tiêu cực, có những điều nhìn thấy ngay và đã thấy, nhưng cũng có những điều còn ảnh hưởng lâu dài chưa đo đếm được, đặc biệt là những chỗ hổng về kiến thức, những tác động tâm lý, tinh thần, cảm xúc... của học sinh.

    Trong sự chuyển trạng thái và ứng phó với dịch bệnh vừa qua, ông Sơn cho biết rất cảm động khi ngành giáo dục được cả nước chung sức, được lãnh đạo đảng, nhà nước, quốc hội, MTTQ, các cấp, các đoàn thể, các đối tượng rất quan tâm, chăm lo, chia sẻ, chung tay, hỗ trợ. "Thay mặt cho trên 1,5 triệu giáo viên và người lao động, cùng 25 triệu học sinh, sinh viên, tôi xin được trân trọng bày tỏ sự biết ơn với tất cả", Bộ trưởng nói.

  • 9h00

    Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn là thành viên Chính phủ thứ ba trả lời chất vấn, sau Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long.

    Nhóm vấn đề dành cho ông là việc bảo đảm chất lượng dạy và học, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo trong điều kiện dịch Covid-19; công tác dạy và học trực tuyến; việc giảm tải chương trình học cho học sinh; thu hẹp khoảng cách về giáo dục giữa thành thị và nông thôn, đặc biệt là vùng xa; công tác an toàn trường học, y tế học đường để học sinh, sinh viên có thể trở lại trường học; phương án tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia trong bối cảnh dịch bệnh.

    Cùng tham gia giải trình có Phó thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Lao động, Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông.

    Theo báo cáo của Bộ Giáo dục Đào tạo gửi đến Quốc hội, trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, một số địa phương phải cho học sinh tạm dừng đến trường để đảm bảo công tác phòng, chống dịch thì việc triển khai dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình là giải pháp cần thiết của các nhà trường nhằm giúp học sinh không "quên" kiến thức. Việc này cũng duy trì nền nếp học tập, thực hiện phương châm "tạm dừng đến trường, không dừng học", đảm bảo hiệu quả, công bằng trong việc tiếp cận các điều kiện giáo dục, học tập giữa học sinh các vùng miền.

    Thời gian đầu, do việc triển khai hình thức dạy học trực tuyến diễn ra trên diện rộng; cán bộ quản lý, giáo viên chưa được tập huấn; học sinh chưa được chuẩn bị tâm thế; điều kiện hạ tầng kỹ thuật còn tự phát, chưa đồng bộ... nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của việc dạy và học. Ngày 30/3, Bộ đã ban hành Thông tư quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, tạo hành lang pháp lý với mục đích hỗ trợ hoặc thay thế dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, giúp các cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng dạy học và hoàn thành chương trình giáo dục.

    Tính đến ngày 30/10, cả nước có 23 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức dạy học trực tiếp; 15 tỉnh, thành kết hợp cả dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình; còn lại 25 tỉnh, thành chỉ tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình.

    Để hỗ trợ học sinh học trực tuyến và học qua truyền hình, Bộ Giáo dục Đào tạo phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai chương trình Sóng và máy tính cho em nhằm vận động các doanh nghiệp tài trợ, quyên góp phương tiện học tập trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đến 25/10, ngành đã huy động được 142,43 tỷ đồng, gần 28.500 máy tính bảng, trên 28.500 điện thoại thông minh và trên 79.400 thiết bị hỗ trợ học trực tuyến khác. Bộ vẫn đang tiếp tục huy động thiết bị học trực tuyến để hỗ trợ cho các địa phương.

Nguồn tin: vnexpress.net


Chính phủ   Covid   Covid-19   Giáo dục   Tài chính   Tương lai   Việt Nam   Xã hội   chính sách   căng thẳng   doanh nghiệp   hành vi   hạ tầng kỹ thuật   sáng tạo   Đầu tư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...