22/09/2021 22:40  
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, hậu kiểm, nhất là tại các trung tâm thương mại cần đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch, giữ khoảng cách, thực hiện 5K và cơ sở kinh doanh nào vi phạm kiên quyết yêu cầu dừng hoạt động...
Chiều 22/9, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng - Phó Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 TP, Phó Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 TP chủ trì giao ban trực tuyến giữa Sở Chỉ huy TP với sở chỉ huy các sở, ngành, quận, huyện, thị xã về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Tham dự giao ban trực tuyến có PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam; PGS.TS. Thầy thuốc Nhân dân Hoàng Đức Hạnh - nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội.
Ghi nhận 1 trường hợp F0 ngoài cộng đồng
Báo cáo tại giao ban, đại diện Sở Y tế cho biết, từ 18 giờ ngày 21/9 đến 14 giờ ngày 22/9, trên địa bàn TP ghi nhận 6 trường hợp F0, trong đó có 5 trường hợp tại khu vực cách ly tập trung và 1 trường hợp ngoài cộng đồng. Hiện toàn TP có 31 điểm còn phong tỏa, cách ly y tế tập trung. Về công tác xét nghiệm, từ 18h ngày 21/9 đến 14 giờ ngày 22/9, TP đã xét nghiệm được hơn 5.278 mẫu, chủ yếu thực hiện tại các khu vực phong tỏa, khu vực cách ly tập trung, trong đó có 6 mẫu dương tính.
Về công tác tiêm vaccine, đến nay TP đã tiêm được hơn 6,4 triệu mũi. Trong đó hơn 5,6 triệu là mũi 1 (chiếm tỷ lệ 68,6% dân số và so với độ tuổi từ 18 trở lên là 94,6%). Cùng với đó, hiện TP đang cách ly tập trung cho 3.647 người và đang điều trị cho 846 người. 
Đáng chú ý, sau khi có 1 trường hợp F0 xảy ra ngoài cộng đồng tại quận Hà Đông, Sở Y tế đề nghị các địa phương cần khẩn trương khoanh vùng diện hẹp và xử lý dứt điểm các trường hợp liên quan. Đồng thời tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ vừa được phép mở cửa trở lại và quản lý chặt người dân đi từ các tỉnh, thành khác về TP…. 
Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP Nguyễn Thị Mai Hương cho biết, việc triển khai các biện pháp tuyên truyền để cài đặt các nền tảng công nghệ phục vụ công tác giám sát, truy vết sau khi TP nới lỏng giãn cách, Sở đã có văn bản, kết nối với Bộ TT&TT, các quận, huyện, thị xã để có văn bản hướng dẫn; lấy toàn bộ dữ liệu liên quan tới các thông tin. Hiện đã có 609 tài khoản của các quận, huyện để chuyển thông tin hàng ngày cho các xã, phường nắm và thông qua đó thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, vận động.
Theo Phó Giám đốc Sở TT&TT, hiện nay Hà Nội đứng thứ 6 trên cả nước về cài đặt ứng dụng Bluezone. Sở TT&TT đề xuất các quận, huyện khi đã cài đặt rồi, cần tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân quét mã. Đồng thời, Sở sẽ cùng các cơ quan báo chí T.Ư và TP, hệ thống thông tin cơ sở để đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân khai báo y tế, quét mã phục vụ truy vết. Các quận, huyện cần tăng cường kiểm tra, hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng…
Không chủ quan kể cả khi đã tiêm 2 mũi vaccine
Tại cuộc giao ban, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh cho rằng, tình hình dịch trên địa bàn còn diễn biến phức tạp khi Hà Nội là trung tâm của cả nước với sự giao thương lớn. 
Nhận định thời gian tới Hà Nội vẫn còn xuất hiện các F0 trong cộng đồng khi nới lỏng giãn cách xã hội để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ông Hoàng Đức Hạnh cho rằng, việc kiên quyết xử lý dứt điểm các ổ dịch là hết sức quan trọng. TP tập trung xét nghiệm nhanh, xét nghiệm tập trung để không để các ổ dịch lan rộng trong cộng đồng; linh hoạt duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ bao phủ mũi 2 vaccine phòng Covid-19 cho người dân để tạo miễn dịch cộng đồng là phù hợp.
“Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong truy vết các trường hợp liên quan giúp công tác phòng, chống dịch của TP hiệu quả hơn. Đồng thời, TP thực hiện việc giám sát trọng điểm đối với các khu vực có ổ dịch và các đối tượng có nguy cơ cao để chủ động các biện pháp cách ly linh hoạt. Cùng với việc nới lỏng giãn cách thì công tác kiểm tra, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân thực hiện thông điệp 5k cần được quan tâm” – ông Hoàng Đức Hạnh thông tin.
Liên quan đến vấn đề “thẻ xanh” đối với người dân đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, ông Hoàng Đức Hạnh cho biết, đến nay Bộ Y tế vẫn chưa có quy định cụ thể về vấn đề này và trên thực tế người dân đã tiêm đủ 2 mũi vaccine nhưng vẫn bị mắc Covid-19. Vì thế, ông Hạnh khuyến cáo người dân đã tiêm 2 mũi vaccine cũng không nên chủ quan.

Còn theo PGS.TS Trần Đắc Phu, đến thời điểm này, dịch bệnh của Hà Nội không bùng phát lên là một thành công. Tuy nhiên, để trở về “Zero Covid” là rất khó, bởi dịch vẫn còn lẩn khuất trong cộng đồng. Sau khi tiêm 1 mũi vaccine thì miễn dịch còn kém và phải tiêm đủ 2 mũi mới đủ miễn dịch cộng đồng. 

Trước ý kiến Hà Nội nên nghiên cứu cấp thẻ xanh cho người tiêm đủ 2 mũi vaccine, ông Trần Đắc Phu cho rằng, Hà Nội không nên nóng vội. Để giữ vững thành quả phòng, chống dịch, Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh tiêm vaccine mũi 2 cho người dân. Đồng thời lưu ý, dịch Covid-19 biến chủng khó lường nên mỗi ngành, mỗi cấp cần có phương án để thích ứng an toàn với dịch bệnh.

Thực hiện nghiêm quy định "chỉ ra ngoài khi cần thiết"

Kết luận buổi giao ban, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, từ ý kiến chia sẻ của các chuyên gia y tế cho thấy, việc tiêm vaccine là cần thiết để tạo miễn dịch cộng đồng, song không vì thế mà người dân đã tiêm đủ 2 mũi vaccine lại chủ quan, lơ là. Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, việc người dân và phương tiện đổ về các tuyến phố trung tâm của Hà Nội để vui Tết Trung thu trong tối 21/9 là hình ảnh không đẹp đối với công tác phòng, chống dịch của TP. Qua việc này cho thấy một số địa phương của TP chưa thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch.

Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện, thị xã khẩn trương hoàn thành, xây dựng kế hoạch và triển khai Chỉ thị 22 của UBND TP, đảm bảo rõ người, rõ việc, trong đó phải nêu cao trách nhiệm người đứng đầu và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, cần tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch, thông điệp 5K, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết.

Các địa phương cần tiếp tục duy trì các chốt kiểm soát tại khu dân cư để nắm tình hình di biến độngChỉ thị 22 cũng nêu rất rõ, các quận, huyện phải triển khai nghiêm túc, tăng cường kiểm tra, giám sát, hậu kiểm, xử lý các trường hợp vi phạm; nhất là tại các trung tâm thương mại, các cửa hàng, dịch vụ trong trung tâm thương mại chỉ được hoạt động theo đúng danh mục tại Chỉ thị 22 và cần đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch, giữ khoảng cách, thực hiện 5K, phải có quét mã QRCode, cơ sở nào vi phạm kiên quyết yêu cầu dừng hoạt động.

 Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát, triển khai kế hoạch tiêm vaccine. Đặc biệt, cần đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, tác dụng của tiêm vaccine, tránh chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch sau khi đã tiêm vắc xin theo khuyến cáo của các cơ quan y tế. 

 Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng cũng nhấn mạnh yêu cầu phải nâng cao ý thức, trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, bởi đây là yếu tố hết sức quan trọng trong công tác phòng, chống dịch. Các địa phương, đơn vị tiếp tục triển khai đưa phần mềm quản lý xét nghiệm đến 11 quận, huyện còn lại; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quét mã QR Code phục vụ công tác quản lý, truy vết.

 Đồng thời đề nghị các địa phương, đơn vị căn cứ Chỉ thị 22 của UBND Thành phố, tổ chức kiểm tra theo các tiêu chí đảm bảo an toàn đối với từng loại hình đơn vị, công ty, công sở. Các sở, ngành cần cụ thể hóa, tham mưu với TP để hoàn thiện bộ tiêu chí an toàn phòng, chống Covid đối với từng loại hình, từng ngành nghề trên địa bàn.

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


Covid   Covid-19   Hà Nội   Trung thu   Việt Nam   chuyên gia   dịch vụ   sản xuất   trung tâm thương mại  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...