18/12/2021 20:10  
"Make in Viet Nam" có ý nghĩa để sinh viên, các giảng viên hình thành tư duy tự chủ, chúng ta dám làm những sản phẩm để cạnh tranh với thế giới.

Nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã phối hợp cùng Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam (REV) tổ chức Hội nghị Quốc gia lần thứ XXIV về Điện tử, Truyền thông và Công nghệ Thông tin với chủ đề "Make in Viet Nam, tư duy đổi mới và thực tiễn sáng tạo" vào ngày 18/12/2021.

  "Make in Viet Nam" có ý nghĩa để sinh viên, các giảng viên hình thành tư duy tự chủ, chúng ta dám làm những sản phẩm để cạnh tranh với thế giới.

Hội nghị REV-ECIT 2021 (The 24nd National Conference on Electronics, Communications and Information Technology, viết tắt là REV-ECIT) thu hút hơn 200 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp tham dự, dưới hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp. 

REV-ECIT là một trong những diễn đàn khoa học tầm cỡ quốc gia, hội tụ những nhà khoa học hàng đầu trên cả nước trong các lĩnh vực Điện tử, Viễn thông, Công nghệ Thông tin và các lĩnh vực liên quan.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN Nguyễn Việt Hà nhấn mạnh: "Chủ đề hội nghị năm nay không chỉ thể hiện tính định hướng cao trong hoạt động của Hội với bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mà còn kích thích tinh thần tự chủ, chủ động đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu và đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học. Trong bối cảnh giãn cách xã hội do dịch bệnh, hội nghị là cơ hội hết sức có ý nghĩa trong cộng đồng nghiên cứu và đào tạo cùng các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi. Đồng thời, là minh chứng rõ nét công nghệ của chúng ta có thể khắc phục, giải quyết các bài toán khó khăn của xã hội".

Theo Chủ tịch hội REV, TS. Trần Đức Lai, hội nghị REV-ECIT 2021 đã được khẳng định vị thế là một trong những sự kiện khoa học thường niên lớn nhất trong lĩnh vực điện tử, truyền thông, có bề dày lịch sử trên 30 năm với mục đích nhằm tập hợp và công bố các báo cáo, các công trình khoa học tiêu biểu trong lĩnh vực Điện tử, Viễn thông và Công nghệ thông tin tại Việt Nam.

REV-ECIT 2021 nhận được 102 công trình khoa học đến từ 25 trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức nghiên cứu khoa học trên toàn quốc. 79 công trình tiêu biểu đã được báo cáo và đăng trên kỷ yếu hội nghị, 33 công trình được báo cáo trong 6 phiên hội thảo và 46 công trình được trình bày dưới dạng poster.

Tại hội nghị, thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, TS. Phan Tâm chia sẻ: REV-ECIT 2021 được tổ chức với điểm nhấn là Giải thưởng Sản phẩm khoa học công nghệ Điện tử Viễn thông Việt Nam (REV Award 2021) nhằm tôn vinh các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu tại các trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam có các sản phẩm khoa học công nghệ thuộc lĩnh vực Điện tử - Viễn thông có ý nghĩa thực tiễn cao, có tính sáng tạo và đổi mới nhằm phục vụ sự phát triển của đất nước.

Giải thưởng góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của các trường, Viện, cơ sở nghiên cứu trong lĩnh vực điện tử, viễn thông. Đồng thời đây là nơi ghi nhận và góp phần nhân rộng những sản phẩm nghiên cứu khoa học công nghệ tiêu biểu make in Việt Nam với thực tiễn.

Sau sự kiện, Ban tổ chức kỳ vọng Giải thưởng sẽ thúc đẩy các nhà khoa học, sinh viên và các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Điện tử, Viễn thông và Công nghệ thông tin đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động nghiên cứu và phát triển góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành, lĩnh vực trong thời kỳ khôi phục kinh tế bằng bước đi tiên phong của công nghệ.

Trong khuôn khổ hội nghị, các chuyên gia trong lĩnh vực điện tử viễn thông đã chia sẻ nhiều chính sách thúc đẩy phát triển Công nghiệp số Make in Việt Nam; Giải mã xu hướng chuyển đổi năng lượng đến năm 2025, …

Bên lề hội nghị, Ban tổ chức đã phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức triển lãm và trưng bày một số sản phẩm công nghệ tiêu biểu trong lĩnh vực Điện tử Truyền thông và công nghệ thông tin theo đúng chủ đề "Make Việt Nam" của hội nghị.

Thùy Dương

Nguồn tin: dantri.com.vn


Công nghệ   Hà Nội   Technology   Việt Nam   chuyên gia   chính sách   diễn đàn   doanh nghiệp   sáng tạo  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...