27/05/2021 6:10  
Sau một tháng (27/4-27/5) tái xuất, dịch Covid-19 đã "loang" ra 30 tỉnh thành, với gần 3.000 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Cả nước lao đao chống chọi với chủng virus mới cực kỳ mạnh và nguy hiểm.

Dịch đến "nhà", kinh tế cả nước đang trên đà phục hồi sau đợt dịch thứ 3 lại một lần nữa lao đao. Ngành du lịch "bế tắc", các địa phương đồng loạt đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu. Hàng trăm điểm khu dân cư trên cả nước bị phong tỏa, cách ly, cuộc sống nhân dân đảo lộn và khó khăn. 

Bắc Giang, Bắc Ninh quay cuồng dập dịch

Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, tỉnh Bắc Giang trở thành "chảo lửa" của cả nước với hơn 1.500 ca bệnh. Phần lớn là công nhân trong các khu công nghiệp. Chính vì vậy, ngày 17/5, tỉnh Bắc Giang phải quyết định tạm dừng hoạt động cả 4 khu công nghiệp Vân Trung, Quang Châu, Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng.

Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra ngoài cộng đồng, đến nay, tỉnh Bắc Giang đã thực hiện cách ly xã hội hoặc giãn cách xã hội thành phố Bắc Giang và nhiều huyện khác.

Trong một động thái quyết liệt hơn, từ ngày 21/5, tỉnh Bắc Giang kêu gọi người dân không gặp gỡ tiếp xúc với ai ở bên ngoài, không đến chơi nhà ai, không cho ai vào nhà mình với tinh thần "nhà nhà cửa đóng then cài".

Tỉnh Bắc Ninh có hơn 550 ca bệnh với 111 ổ dịch. Đến nay, trên địa bàn tỉnh này có 3 huyện và thành phố Bắc Ninh áp dụng cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng; 3 huyện áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15.

Tỉnh Bắc Ninh yêu cầu người dân không ra ngoài đường sau 20h trừ các trường hợp thực sự cần thiết.

Ngày 26/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Bắc Giang và Bắc Ninh đang có nguy cơ rất cao khi hàng vạn công nhân làm việc tại đây đến từ 61 tỉnh thành. Thủ tướng nhấn mạnh, 2 tỉnh lúc này đang là "pháo đài chống dịch" cho cả nước, vì cả nước, bởi vậy cả nước cũng phải dồn tổng lực chia sẻ vì Bắc Ninh và Bắc Giang.

Hà Nội phong tỏa 2 bệnh viện, hàng loạt chung cư

Sau một tháng, Hà Nội đã ghi nhận 344 ca mắc Covid-19, trong đó ổ dịch lớn nhất là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 2 với 90 bệnh nhân; Bệnh viện K Tân Triều 43 bệnh nhân. Ngoài ra có các chùm ca bệnh rải rác ở Công ty T&T; khu đô thị Times City, liên quan cựu Giám đốc Công ty Hacinco…

Liên quan đến các chùm ca bệnh, đến nay hai bệnh viện kể trên và nhiều tòa chung cư ở các khu đô thị như Times City (quận Hoàng Mai), tòa S202 chung cư Vinhomes Ocean Park (huyện Gia Lâm), tầng 8 tòa Hà Nội Center Point (quận Thanh Xuân), 4 tòa chung cư trong Khu đô thị Goldmark City (quận Bắc Từ Liêm), Trung tâm thương mại BigC Thăng Long (quận Cầu Giấy)… đều đã bị phong tỏa.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đến nay, Hà Nội đã tạm dừng mọi hoạt động tập trung đông người, các hàng quán ăn uống tuyệt đối không được cho khách ăn tại chỗ; các dịch vụ bia hơi, cắt tóc,… buộc phải đóng cửa.

TPHCM thần tốc "đuổi" dịch

TPHCM ghi nhận 2 chuỗi lây nhiễm Covid-19 với 8 bệnh nhân được công bố. Đến nay TPHCM có nhiều điểm bị phong tỏa, gồm: block A chung cư Sunview Town (TP Thủ Đức), hẻm 287 Nguyễn Đình Chiểu (Quận 3), số 129 Pasteur Quận 3, hẻm 200 Xóm Chiếu (Quận 4), phòng khám Đa khoa Medic Hòa Hảo (Quận 10), căn nhà 32D Vũ Huy Tấn (quận Bình Thạnh), hẻm 954 đường Quang Trung (quận Gò Vấp), phòng khám Y khoa Quang Trung số 1322 (quận Gò Vấp).

Để đối phó với dịch bệnh, tuy mới chỉ có 8 ca bệnh, TPHCM yêu cầu các cửa hàng ăn uống không bán tại chỗ (đối với hộ gia đình), chỉ được bán hàng mang về. Các nhà hàng được phép hoạt động phải bố trí chỗ ngồi thông thoáng, bảo đảm khoảng cách giữa 2 người từ 2 m trở lên, không phục vụ quá 20 người cùng một lúc. Trước đó, TP này cũng đã tạm dừng hoạt động các dịch vụ không thiết yếu.

Hải Dương: Nguy cơ dịch bệnh ảnh hưởng toàn tỉnh

Tỉnh Hải Dương ghi nhận 40 ca mắc Covid-19 trong đợt dịch lần thứ 4 này. Ngày 25/5, vừa qua, tỉnh này quyết định cách ly xã hội 10 phường (Trần Phú, Lê Thanh Nghị, Hải Tân, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Quang Trung, Thanh Bình, Tân Bình, Ngọc Châu), giãn cách xã hội 15 phường của TP Hải Dương.

Trong cuộc họp mới đây, ông Phạm Xuân Thăng - Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương lo ngại dịch bệnh nguy cơ ảnh hưởng đến toàn tỉnh.

Ban Quản lý Khu kinh tế (QLKKT) Quảng Ninh, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong các KCN của tỉnh đã kích hoạt mức cao nhất để luôn ở thế chủ động ứng phó dịch. 

Các điểm du lịch lớn như Vịnh Hạ Long, Chùa Yên Tử đều phải đóng cửa, ngừng đón khách.

Hải Phòng đang thực hiện phong tỏa 2 trường học cùng một số khu dân cư. Ngày 26/5, khi dịch tạm được khống chế, Hải Phòng cho phép hoạt động trở lại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trong nhà, cơ sở lưu trú, sân golf.

Đêm 9/5, khi xác nhận ca dương tính đầu tiên, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) đã quyết định phong tỏa tạm thời một khu dân cư.

Từ 0h ngày 15/5, huyện Nậm Pồ phong tỏa cách ly y tế toàn bộ xã Si Pa Phìn. Ngày 17/5, phong tỏa, cách ly khu dân cư thuộc tổ dân phố 5, phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ.

Thanh Hóa đang thực hiện phong tỏa 10 hộ dân với 34 nhân khẩu tại thôn Minh Ngọc, xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc. Ngoài ra một ngõ ở thôn Mật Thôn, xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hóa với hơn 10 hộ dân sinh sống cũng bị phong tỏa từ chiều tối 22/5.

Tất cả các nhà nghỉ, nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, trà chanh, trà đá trên địa bàn thị trấn Thiệu Hóa, huyện Thiệu Hóa phải tạm dừng hoạt động từ chiều tối 22/5. Bệnh viện Đa khoa huyện Thiệu Hóa, Bệnh viện Đa khoa Đại An tạm thời không tiếp nhận bệnh nhân vào khám và điều trị tại một số khoa, phòng liên quan đến bệnh nhân Covid-19.

Đà Nẵng: Nhiều ca bệnh mất dấu F0, nhiều hoạt động đình trệ

Đến nay, TP Đà Nẵng ghi nhận 154 ca mắc Covid-19 ở các quận nội thành, cùng đó nhiều tòa chung cư, khu dân cư ở các quận Liên Chiểu, Hải Châu, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà bị phong tỏa.

TP Đà Nẵng tiếp tục yêu cầu người dân không tập trung quá 5 người nơi công cộng, tạm dừng các hoạt động như karaoke, quán bar, vũ trường… Người dân Đà Nẵng chỉ được phép đi chợ với tần suất 3 ngày/lần để tránh tập trung đông người.

Vĩnh Phúc chuyển trạng thái chống dịch

Tính đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc ghi nhận gần 90 ca mắc Covid-19. Địa phương này đã phong tỏa, cách ly y tế 3 địa điểm, trong đó quy mô lớn nhất là cách ly xã hội toàn bộ phường Hùng Vương (TP Phúc Yên).

Trong thông báo mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu đơn vị liên quan chuyển trạng thái "sẵn sàng cao" trong phòng chống Covid-19. Theo đó, tỉnh yêu cầu cán bộ tuyệt đối không đi ra ngoài, không tiếp xúc nếu không có việc thật sự cần thiết, cấp bách.

Thái Bình từng giãn cách xã hội toàn tỉnh

Đến nay, tỉnh Thái Bình ghi nhận 19 ca mắc Covid-19. Trước diễn biến nhanh của dịch bệnh, từ ngày 6/5, tỉnh Thái Bình quyết định giãn cách xã hội toàn tỉnh. Đến ngày 20/5, tỉnh Thái Bình chính thức bãi bỏ biện pháp này trên toàn địa bàn. Tuy nhiên, đến nay nhiều khu vực của TP Thái Bình và nhiều làng xã vẫn bị phong tỏa.

Nhiều tỉnh thành chưa "nới tay" trong vùng dịch

Tỉnh Hòa Bình quyết định giãn cách xã hội TP Hòa Bình từ 0h ngày 10/5, sau khi ghi nhận ca bệnh ở phường Đồng Tiến. Đến nay, chưa có quyết định ngừng giãn cách xã hội tại thành phố Hòa Bình.

Tỉnh Hà Nam ghi nhận 38 ca bệnh. Đến nay, nhiều làng xã của tỉnh này được gỡ lệnh phong tỏa, nhưng vẫn phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15. Tỉnh này, vẫn đóng cửa các hàng quán vỉa hè và các hoạt động tập trung đông người.

Tỉnh Lạng Sơn có 44 ca mắc Covid-19 trong đợt dịch thứ 4. Địa phương này đã phong tỏa, cách ly y tế 22 địa điểm trong đó có  Bệnh viện Phổi Lạng Sơn ở TP Lạng Sơn.

Tỉnh Hưng Yên đã phát hiện được 36 ca mắc Covid-19 đợt này. Đến nay, tỉnh vẫn tạm dừng các dịch vụ không thiết yếu và yêu cầu người dân tạm thời không đi tham quan, du lịch, việc riêng ra ngoài tỉnh.

Nhóm phóng viên

Nguồn tin: dantri.com.vn


Bệnh viện   Bệnh viện Đa khoa   Covid   Covid-19   HCM   Hà Nội   Sơn Trà   TPHCM   Yên Tử   doanh nghiệp   du lịch   dịch vụ   sản xuất   Đa khoa   Đà Nẵng   đô thị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...