27/11/2021 19:10  
Ý kiến chung của các Bộ, ngành đưa ra đều cho rằng đề xuất của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam về việc nhập khẩu và khai thác toa xe tự hành DMU đã qua sử dụng của Nhật Bản là không đúng với quy định.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc nhập khẩu và khai thác 37 toa xe tự hành DMU đã qua sử dụng của Nhật Bản, trong đó nêu rõ ý kiến từ các Bộ Tư pháp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam.

Trước đó, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) đề xuất Thủ tướng xin được nhập khẩu về Việt Nam là các phương tiện giao thông đường sắt đã qua sử dụng bị cấm nhập khẩu theo quy định tại Nghị định số 65/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Đường sắt. Đề xuất này được Văn phòng Chính phủ chuyển Bộ GTVT xem xét, cho ý kiến. 

Trong văn bản báo cáo Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, việc giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp theo đề xuất nói trên vượt thẩm quyền của Bộ GTVT theo quy định của pháp luật hiện hành.

Để có cơ sở báo cáo Chính phủ xem xét, giải quyết cho doanh nghiệp theo đúng thẩm quyền, tháng 10/2021, Bộ GTVT đã gửi văn bản xin ý kiến của các Bộ Tư pháp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường về kiến nghị của Tổng công ty ĐSVN. Trên cơ sở ý kiến của các Bộ, Bộ GTVT đã tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

"Ý kiến chung của các Bộ, ngành đưa ra đều cho rằng đề xuất của Tổng công ty ĐSVN về việc nhập khẩu và khai thác toa xe tự hành DMU đã qua sử dụng của Nhật Bản là không đúng với quy định của Nghị định 65/2018/NĐ-CP ngày 12/5/20218 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Đường sắt.

Các Bộ, ngành đề nghị Bộ GTVT yêu cầu doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định. Ngoài ra, báo cáo cũng nêu rõ việc Tổng Công ty ĐSVN chưa được đánh giá một cách cụ thể, chi tiết về các nội dung về tình trạng kỹ thuật an toàn, chi phí hoán cải, hiệu quả đầu tư, kế hoạch dự kiến vận hành, công tác vận hành, bảo trì, giải pháp xử lý nếu các toa xe không đáp ứng quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của Việt Nam..." - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nêu rõ.

Bên cạnh đó, việc nhập khẩu những toa xe sản xuất từ năm 1979 - 1982 cũng sẽ có những ảnh hưởng, tác động đến môi trường nếu vận hành tại Việt Nam, việc nhập khẩu các phương tiện đã sử dụng quá lâu có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành nghề này trong nước.

Ngày 18/11, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 8467/VPCP-KTTH gửi Bộ GTVT kèm theo văn bản số JF971/2021 ngày 05/11/2021 của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam. Theo Bộ GTVT, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng dự án chuyển giao 37 toa xe miễn phí đang được phối hợp giữa Công ty Đường sắt phía Đông Nhật Bản và Tổng công ty ĐSVN là một hoạt động hợp tác tượng trưng cho mối quan hệ hữu nghị giữa Nhật Bản và Việt Nam.

"Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cũng nhận thức được vấn đề là việc nhập khẩu 37 toa xe nêu trên là không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành tại Việt Nam về niên hạn sử dụng được phép nhập khẩu đối với phương tiện đường sắt. Vì vậy, với mong muốn rằng dự án này là hoạt động tượng trưng cho mối quan hệ hữu nghị Nhật Bản và Việt Nam, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam mong muốn Việt Nam chấp thuận cho phép Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nhập khẩu 37 toa xe để khai thác vận hành" - Thứ trưởng Bộ GTVT thông tin.

Trên cơ sở đề xuất của Tổng công ty ĐSVN, tổng hợp ý kiến của các Bộ và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Bộ GTVT có ý kiến như sau: Theo quy định tại Nghị định số 65/2018/NĐ-CP ngày 12/5/2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Đường sắt quy định đối với đầu máy, toa xe chở khách chạy trên chính tuyến của đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng, đường sắt đô thị không quá 40 năm. Đối với phương tiện giao thông đường sắt nhập khẩu đã qua sử dụng chỉ được nhập khẩu phương tiện đã qua sử dụng không quá 10 năm đối với toa xe chở khách, đầu máy, toa xe đường sắt đô thị và không quá 15 năm đối với toa xe chở hàng.

"37 toa xe nêu trên vừa không được phép nhập khẩu do có năm sản xuất quá 10 năm và vừa không được phép vận hành khai thác tại Việt Nam do đã có niên hạn sử dụng quá 40 năm" - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông thông tin và nêu rõ: Đề xuất việc cho phép nhập khẩu, khai thác sử dụng 37 toa xe tự hành diesel DMU đã qua sử dụng của Nhật Bản, được sản xuất từ năm 1979-1982 của Tổng Công ty ĐSVN mặc dù trong báo cáo có nêu một số lợi ích nhất định, tuy nhiên quy định của pháp luật đã rõ ràng, do vậy Bộ GTVT không ủng hộ việc nhập khẩu và khai thác sử dụng 37 toa xe đã qua sử dụng (từ 39-42 năm) tại Việt Nam.

Châu Như Quỳnh 

Nguồn tin: dantri.com.vn


Chính phủ   Công nghệ   Nghị định   Nhật Bản   Tài chính   Việt Nam   doanh nghiệp   hợp tác   kiến nghị   sản xuất   Đường sắt   Đầu tư   đô thị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...