02/10/2021 19:25  
Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 khoảng 3-3,5%, giảm 0,5 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 9.

"Dự báo mới đưa ra trên cơ sở kết quả thực hiện kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm và triển vọng 3 tháng cuối năm", Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Trần Quốc Phương chia sẻ với báo chí chiều 2/10 về kịch bản tăng trưởng mà Bộ này báo cáo Chính phủ.

Theo đó, ở kịch bản tăng trưởng cả năm đạt 3%, theo ông Phương, tăng trưởng quý IV phải đạt 7,06%. Kịch bản 2, GDP cả năm đạt 3,5% thì quý IV phải tăng 8,84% trở lên.

Trong quá khứ, mức tăng GDP quý IV từ 7% trở lên đã từng đạt được, song Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư lưu ý, tăng trưởng quý cuối năm 2021 lại phụ thuộc nhiều vào đề án "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".

Ông Phương phân tích, để đạt mục tiêu tăng trưởng, doanh nghiệp phải được hoạt động, không bị "đóng băng". Cùng đó, lực lượng lao động cũng được dịch chuyển an toàn, đi lại làm việc để doanh nghiệp hoạt động bình thường trong tình hình mới.

Ngoài ra, hàng hoá cũng cần được lưu thông thông suốt ở cả đầu vào, đầu ra thì mới có thể hỗ trợ được cho tăng trưởng. "Trong giai đoạn phục hồi sản xuất tới đây khi kinh tế mở cửa trở lại, các doanh nghiệp, khu vực sản xuất phục hồi được 80% công suất là thành công lớn", Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư nhận định.

Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ sáng nay (2/10), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ phụ thuộc lớn vào phục hồi sản xuất kinh doanh quý IV và thích ứng an toàn, kiểm soát dịch bệnh thời gian tới. Vì thế ông yêu cầu Bộ Kế hoạch & Đầu tư sớm hoàn thiện chiến lược, kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế ở trạng thái bình thường mới.

"Bộ Kế hoạch & Đầu tư khẩn trương trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành trong tháng 10, song song với chiến lược tổng thể về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh", Thủ tướng nhấn mạnh.

Cập nhật dự báo kinh tế vĩ mô Việt Nam vào cuối tháng 9, trong khi ADB hạ mức dự báo tăng trưởng năm nay của Việt Nam xuống còn 3,8%, thì WB vẫn giữ mức dự báo 4,8%. Dù vậy các tổ chức quốc tế vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

ADB cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi nếu đại dịch được kiểm soát vào cuối năm nay và đến quý II/2022 có 70% dân số cả nước được tiêm chủng. Với giả định này, GDP Việt Nam 2022 dự kiến đạt 6,5%.

Trong tháng 10 thí điểm cấp phép Mobile Money

Trả lời về thời gian thí điểm Mobile Money tại cuộc họp báo, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết hiện đã có Viettel, VNPT và Mobifone đăng ký. Hồ sơ của 3 doanh nghiệp này đang được lấy ý kiến thống nhất với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an. Ông cho hay việc này nhằm đảm bảo tính chặt chẽ của việc thử nghiệm cơ chế mới này.

Sau khi 3 cơ quan này thống nhất, dự kiến Mobile Money sẽ được cấp phép thí điểm trong tháng 10. Phó thống đốc cũng nhấn mạnh việc thí điểm cơ chế này sẽ làm cẩn trọng, đúng pháp luật, bảo đảm bảo an toàn, tránh lợi dụng và vi phạm tiêu cực.

Anh Minh

Nguồn tin: vnexpress.net


Chính phủ   Covid   Covid-19   Công an   Ngân hàng   Ngân hàng Nhà nước   Việt Nam   chiến lược   doanh nghiệp   sản xuất   thống đốc Ngân hàng   Đầu tư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...